Kỳ vọng sản phẩm du lịch mới

VĨNH LỘC 26/06/2017 08:35

Qua mỗi kỳ festival di sản, ngành du lịch không chỉ quảng bá hiệu quả các giá trị văn hóa xứ Quảng mà còn giới thiệu đến người dân và du khách những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Làng Zara, một mô hình du lịch hiệu quả sau ngày khai trương đón khách. Ảnh: V.LỘC
Làng Zara, một mô hình du lịch hiệu quả sau ngày khai trương đón khách. Ảnh: V.LỘC

Từ Bhơ Hôồng, Zara

Bốn năm trước, tại Festival di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013, trong số 13 sản phẩm được giới thiệu có 2 sản phẩm đến nay vẫn phát huy hiệu quả là làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (Đông Giang) và làng dệt thổ cẩm Zara. Trong đó, sự phát triển của làng dệt thổ cẩm Zara không chỉ cải thiện sinh kế, tạo thu nhập, thay đổi nhận thức người dân mà còn góp phần quan trọng làm hồi sinh làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu của đồng bào dân tộc tưởng chừng mai một. Hiện Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Zara luôn thu hút khoảng 25 chị em phụ nữ tham gia. Mô hình sản xuất kết hợp với du lịch đã góp phần đưa sản phẩm của làng đến gần hơn với khách, đồng thời cũng giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ. Năm 2016 doanh thu từ bán sản phẩm thổ cẩm của làng ước đạt hơn 150 triệu đồng, riêng 5 tháng đầu năm sản phẩm làng nghề bán ra cho du khách đạt hơn 70 triệu đồng. Trung bình, mỗi phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm tại làng có thêm thu nhập 300 - 600 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt, thông qua hoạt động du lịch, thương hiệu dệt thổ cẩm Zara đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách khắp nơi, góp phần giúp làng nghề được gìn giữ.

Tương tự, một sản phẩm du lịch khác cũng khá thành công kể từ khi đưa vào  hoạt động đón khách là làng du lịch Bhơ Hôồng. Kể từ khi khai trương (6.2013), mô hình này đã giúp người dân cải thiện sinh kế và tạo cảnh quan môi trường ở khu vực. Theo ông Bling Bló - Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, thành công nhất của làng khi làm du lịch là bên cạnh nâng cao thu nhập còn giúp bà con trong làng đoàn kết hơn vì phải thường xuyên phối hợp nhau trong đón khách. Đặc biệt, môi trường được chăm sóc giữ gìn, đường làng thôn, bản được vệ sinh sạch sẽ, không ai vứt rác ra đường. “Từ khi làng làm du lịch mình được rất nhiều thứ, Bhơ Hôồng được nhiều người biết đến, môi trường cảnh quan sạch đẹp, làng cũng vui vẻ hơn thông qua các hoạt động văn nghệ văn hóa; làng cũng có thêm nguồn thu để lo chuyện hiếu hỷ từ số tiền mà các tổ dịch vụ trích lại 15% từ hoạt động du lịch nên bà con ai cũng phấn khởi” - ông Bling Bló chia sẻ.

Kỳ vọng mới

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 đã khai trương đưa vào khai thác 4 sản phẩm du lịch mới gồm địa đạo Kỳ Anh, làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây và chợ quê Tiên Phước. Trong đó, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây bước đầu nhận được sự quan tâm của du khách và doanh nghiệp. Chỉ cách đô thị cổ Hội An chừng 10 phút đi thuyền từ bến làng gốm Thanh Hà, hoặc khoảng 5 phút qua cầu Cẩm Kim và làng mộc Kim Bồng, ngôi làng rợp bóng tre xanh Triêm Tây là nơi lý tưởng cho tour đi bộ trên những con đường làng hai bên xanh mướt chè tàu. Đến đây, du khách có thể chèo thuyền, thả diều, dệt chiếu, trồng rau và giao lưu với dân làng tại ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, với vị trí thuận lợi khi là tâm điểm của hành trình di sản Hội An - Mỹ Sơn với cảnh quan thiên nhiên bình yên và có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Điện Bàn đã chú trọng khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong đó du lịch cộng đồng được ưu tiên nhằm phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, xây dựng những mô hình du lịch để người dân được trực tiếp tham gia làm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập. Do đó, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây sẽ là một trong những hướng phát triển du lịch tại Điện Bàn, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo... “Tuy vẫn còn khá nhiều nội dung cần hoàn thiện cũng như những thách thức trong việc tổ chức thực hiện, thế nhưng thời gian qua làng du lịch cộng đồng Triêm Tây đã tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc, để lại thiện cảm đối với du khách, đặc biệt là với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành” - ông Hà nhìn nhận.

Các sản phẩm du lịch mới còn lại như địa đạo Kỳ Anh hay làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh với những giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa, cảnh quan hứa hẹn cũng sẽ là điểm du lịch hiệu quả để cùng với Bhơ Hôồng, Zara định danh thương hiệu du lịch cộng đồng Quảng Nam như là điểm đến của sự trải nghiệm và khám phá. Dù để đạt được thành công trên sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài sự quan tâm phối hợp tốt của các bên liên quan, ngành du lịch và chính quyền địa phương thì không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp lữ hành mà mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng làng tại làng du lịch Bhơ Hôồng hay Zara là điều cần tham khảo.

Trong đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng, lưu trú, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, đồ dùng văn phòng, nhất là cam kết đưa khách đến từ phía doanh nghiệp là những vấn đề cần có. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL. “Sản phẩm du lịch dù tốt đến mấy mà không có khách thì cũng không thể sống được, nên doanh nghiệp lữ hành sẽ làm công việc kết nối này, kể cả sự đồng hành của các tổ chức quốc tế có liên quan. Bởi, bản thân các hợp tác xã du lịch cộng đồng không đủ điều kiện và khả năng để quảng bá, tìm kiếm, kết nối khách. Do đó, thông qua doanh nghiệp, làng du lịch sẽ được đảm bảo có nguồn khách ổn định. Đó cũng là sự khác biệt và may mắn mà các làng Zara, Bhơ Hôồng, Đhrôồng có được kể từ ngày khai trương, đây cũng là một trong các mô hình phát triển cho các sản phẩm du lịch mới hiện nay, nhất là các mô hình làng du lịch cộng đồng”.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng sản phẩm du lịch mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO