Kỳ vọng tái sinh rừng giổi ở Nam Trà My

PHÚ THIỆN – VĂN THỌ 29/09/2021 07:14

Bao đời qua, đời sống của đồng bào vùng cao Nam Trà My luôn gắn bó mật thiết với rừng. Ngoài đảm bảo sinh kế cho người dân, rừng còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ và giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra. Chính vì thế, nỗ lực tái sinh rừng đang được huyện Nam Trà My quan tâm thực hiện; trong đó cây giổi là sự lựa chọn phù hợp.

Sau thời gian trồng và chăm sóc, rừng giổi của ông Hên phát triển rất tốt, nhiều cây đã cho hạt. Ảnh: T.T
Sau thời gian trồng và chăm sóc, rừng giổi của ông Hên phát triển rất tốt, nhiều cây đã cho hạt. Ảnh: T.T

Thí điểm thành công rừng giổi

Khu rừng giổi hơn 1ha của gia đình ông Hồ Văn Hên (thôn 1, xã Trà Vân) cho hạt sau hơn 6 năm vun trồng trong niềm hân hoan của người đàn ông Ca dong này.

Trước khi được che phủ bởi những tán giổi xanh mướt, khu vực này vẫn còn là ngọn đồi trống trải, được ông Hên tận dụng trồng lúa rẫy và cây keo. Từ khi được huyện vận động trồng rừng và hỗ trợ giống cây giổi, ông cùng 15 hộ khác của xã tiên phong trồng thí điểm.

“Chỉ sau khoảng một năm bỏ công chăm sóc thì mình thấy loại cây này phát triển rất tốt, từ đó đến nay mình chỉ việc ghé thăm, phát tỉa cành, còn lại cây tự phát triển” – ông Hên nói.

Ngoài hộ ông Hên, vườn giổi của các ông Nguyễn Thanh Luận (thôn 2, Trà Vân), ông Hồ Văn Tình (thôn 1, Trà Vân)… cũng phát triển tốt. Mỗi hộ trung bình trồng được 100 gốc giổi, cây lớn nhất cao đến hơn 7m, đường kính thân đến gần 20cm, nhiều cây đã bắt đầu trổ hoa và cho hạt.

Ông Hồ Văn Huyện – Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết: “Việc chọn trồng cây giổi trên địa bàn xã trong thời gian qua là hướng đi đúng đắn, bởi trước đây đa phần người dân chuộng trồng cây keo, loại cây này có giá trị thương phẩm tương đối thấp nhưng nguy cơ sạt lở thì rất cao.

Việc cây giổi sinh trưởng và phát triển tốt cho thấy loại cây này rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Trà Vân. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân hạn chế dần cây keo, tập trung trồng và phát triển các loại cây tán lớn, trong đó có giổi và quế Trà My” – ông Huyện nói.

Hướng đi lâu dài

Giổi xanh là cây cho gỗ tốt, quý, có giá trị cao về mặt kinh tế, riêng hạt giổi khô hiện nay đã có giá 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Chính vì thế, từ năm 2016, UBND huyện Nam Trà My đã triển khai quy hoạch phát triển cây giổi rừng trên địa bàn.

Đến nay, UBND huyện đã hỗ trợ nhân dân trồng cây giổi xanh theo hình thức trồng phân tán tại 10/10 xã, với diện tích 263ha/156.463 cây/399 hộ. Hầu hết đều cho kết quả khả quan.

Riêng đối với ông Hồ Văn Hên, từ thành công trong việc trồng thí điểm, ông cho biết sắp tới sẽ tiến hành thu hoạch hạt để tự ươm và triển khai trồng cây giổi xen kẻ với quế Trà My và một số cây ăn quả khác trên diện tích khoảng 5ha đất trồng keo trước đây.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, cây giổi có biên độ sinh thái rộng, thích hợp trồng ở mọi khu vực đồi núi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như Nam Trà My, do đó việc nhân rộng giống cây này là hướng đi đúng đắn.

“Việc triển khai trồng cây giổi còn giúp người dân các xã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiến tới phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại, làm đa dạng thêm các loại cây trồng trên địa bàn huyện, đồng thời đảm bảo thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng thế mạnh và lợi thế về kinh tế vùng trên địa bàn huyện Nam Trà My” - ông Hiền nhận định.

Hiện nay, huyện Nam Trà My đang triển khai Nghị quyết số 27 về trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa. Hầu hết giống cây được chọn trồng đều có khả năng cải thiện môi trường rừng, đồng thời khi thu hoạch sẽ cho giá trị kinh tế cao.

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh trồng và phát triển cây giổi nhằm tăng độ che phủ rừng, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập.

“Huyện đang đề xuất với tỉnh cho mở rộng thêm 10ha vườn giống để ươm cây nhằm cung cấp trong huyện và cho các địa phương khác. Trong quá trình trồng giổi, chúng tôi cũng định hướng cho người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế, đồng thời chuyển dần diện tích trồng cây keo sang trồng rừng gỗ lớn” – ông Dũng cho hay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng tái sinh rừng giổi ở Nam Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO