Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cuối năm

VIỆT NGUYỄN 25/10/2021 06:23

Trong quý III, hoạt động tín dụng đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều tháng giảm so với đầu năm. Vào những tháng cuối năm này, ngành ngân hàng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng gấp đôi so với quý III, đạt hơn 7,2%/năm. 

Vietcombank Quảng Nam đang kích cầu để tăng trưởng mạnh tín dụng cuối năm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank Quảng Nam đang kích cầu để tăng trưởng mạnh tín dụng cuối năm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Lạc quan

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng qua, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh hoặc chỉ hoạt động cầm chừng khiến tín dụng tăng trưởng âm. Tuy vậy tín hiệu khả quan là tín dụng đã lấy lại đà tăng trưởng trong quý III.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến ngày 30.9, tổng nguồn huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 65.354 tỷ đồng (tăng 3,77% so với đầu năm, tăng 11,95% so với cùng kỳ năm trước).

Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư có mức tăng trưởng ổn định, đạt 51.154 tỷ đồng (tăng 8,47% so với đầu năm, tăng 10,10% so với cùng kỳ), tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nguồn huy động với thị phần 78,27%.

Nhờ huy động vốn tốt, các ngân hàng thương mại triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Con số khá ấn tượng là doanh số cấp tín dụng trong quý III tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến ngày 30.9, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 82.238 tỷ đồng (tăng 3,63% so với đầu năm, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, đáng kể nhất là dư nợ ngắn hạn đạt 42.348 tỷ đồng (tăng 8,36% so với đầu năm, tăng 18,73% so với cùng kỳ). Tín dụng nội tệ đạt 79.331 tỷ đồng (tăng 3,15% so với đầu năm, tăng 9,17% so với cùng kỳ), tín dụng ngoại tệ tăng mạnh hơn, vượt 18,93% so đầu năm và tăng 36,11% so cùng kỳ.

Khối ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng tại Quảng Nam với thị phần đạt 63,16%, tiếp đến là khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 26,51%...

Hoạt động bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong cho vay của các ngân hàng là 27,97%; tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 17%; dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng bắt đầu hồi phục với mức 11,43%. “Mức tăng trưởng tín dụng 3,63% là tích cực trong bối cảnh kinh tế trên địa bàn chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19” - ông Phạm Trọng nói.

Kích cầu tín dụng

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, sẽ xem xét, điều chỉnh nới hạn mức tín dụng để giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo cung ứng vốn dồi dào cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

Về điều này, ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam cho rằng, dư địa tín dụng của ngân hàng rộng mở nên kích cầu tín dụng. Các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn thì đều được ngân hàng xem xét, thủ tục nhanh gọn để cho vay.

Ông Võ Văn Đức cũng cho rằng, ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Theo đó, hạn chế cho vay bất động sản, ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích như doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ.

Một trong những tổ chức tín dụng giữ “phong độ” cho vay như hồi trước khi có dịch Covid-19 là Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại Tam Kỳ với mức tăng trưởng đến hơn 10%.

Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại Tam Kỳ cho biết, đang chú trọng kích cầu tín dụng cuối năm để đạt mức tăng trưởng hơn 12% theo kế hoạch. Theo ông Bảng, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 01 và Thông tư 03 - đây là tiền đề quan trọng.

Bởi, ngân hàng thương mại được phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng, tức đến ngày 30.6.2022; đồng thời cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10.6.2020 đến trước ngày 1.8.2021 và quá hạn từ ngày 17.7.2021 đến trước ngày 7.9.2021. Cùng với khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại Tam Kỳ đang giảm lãi suất cho vay với nhiều khoản vay có lãi suất chỉ 6%/ năm.

Ông Phạm Trọng kỳ vọng, tín dụng năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 7,2%, tăng gấp đôi mức 3,63% ở quý III. Tín dụng hồi phục dần từ tháng 8, 9, tăng mạnh ngay từ tháng 10 và dự kiến sẽ càng tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm 2021.

Theo ông Phạm Trọng, Ngân hàng Nhà nước có gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, “bơm” ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Mục tiêu tín dụng năm nay sẽ được linh hoạt điều chỉnh tăng thêm nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi vay vốn” - ông Phạm Trọng nói.

Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ sở để dự báo tín dụng sẽ tăng nhảy vọt vào cuối năm nay. Tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đang được phủ rộng hơn, tạo điều kiện gỡ bỏ các chính sách giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang nối lại. Nhu cầu tiêu dùng đang dần phục hồi, kéo theo nhu cầu vay vốn cũng sẽ tăng mạnh trở lại.

Lãi suất cho vay giảm đang kích thích nhu cầu vay vốn để đầu tư, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng muốn đẩy vốn ra mạnh hơn, một mặt do thanh khoản đang dư thừa, mặt khác là để tăng quy mô dư nợ nhằm bù đắp việc giảm lợi nhuận do phải giảm lãi suất cho vay thực hiện thời gian qua.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO