Ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn vay và bắt đầu đóng tàu theo nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67). Những con tàu này mang nhiều kỳ vọng trong hành trình vươn khơi bám biển.
Tàu vỏ thép đang được ngư dân đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: Q.VIỆT |
Tiếp cận vốn vay
Hôm nay 12.3, Ngân hàng Đầu tư & phát triển chi nhánh Quảng Nam tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Tại buổi lễ này, ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) sẽ ký hợp đồng vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép có giá trị lên đến 12,3 tỷ đồng. Mấy ngày qua, ông Thu rất vui mừng bởi ước mong được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đóng tàu lớn vươn khơi sản xuất trên các vùng biển xa đã thành hiện thực. “Tôi đặt tất cả kỳ vọng vào con tàu vỏ thép sắp được đóng mới từ nguồn vốn vay hỗ trợ này. Tôi đã liên hệ và lựa chọn được cơ sở đóng tàu vỏ thép ưng ý nhất để đặt hàng. Tàu mới được đóng theo Nghị định 67 sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong quá trình bám biển của chúng tôi” - ông Thu hồ hởi.
Ông Phan Thu cho biết, trước đây ông cùng bạn biển khai thác mực khơi ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bằng con tàu QNa-95889 có công suất 340CV. Mỗi năm ra khơi tối đa 4 chuyến, mỗi chuyến biển kéo dài vài tháng trời, trong khi đó do khai thác ở ngư trường khơi nên thường gặp sóng to gió lớn và nhiều bất trắc xảy ra, phương tiện lại nhỏ nên ông chưa thể yên tâm bám biển. “Với nguồn vốn vay này, chúng tôi sẽ đầu tư đóng mới tàu cá có công suất 810CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp kiêm câu cá ngừ đại dương. Chúng tôi cũng sẽ trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại trên tàu như máy dò cá đời mới, hầm bảo quản sản phẩm công nghệ cao, thiết bị liên lạc mới... để đủ điều kiện khai thác hiệu quả, dài ngày ở ngư trường xa bờ” - ông Thu nói.
Vào thời điểm này, ông Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành) cũng đã hoàn thành các thủ tục vay vốn với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Núi Thành để đóng tàu theo Nghị định 67. Theo dự kiến, việc giải ngân vốn sẽ được tiến hành vào trung tuần tháng 3 này. Trong khi chờ giải ngân vốn của ngân hàng, ông Xị đã ký hợp đồng đóng mới con tàu vỏ gỗ có công suất 810CV dùng cho nghề câu mực khơi. “Giá trị của con tàu này là hơn 7 tỷ đồng. Gia đình chúng tôi đang sử dụng nguồn vốn đối ứng tự có khoảng 2 tỷ đồng để triển khai các công đoạn đóng tàu đầu tiên. Rất mong ngân hàng nhanh chóng giải ngân để chúng tôi hoàn thiện con tàu mới” - ông Xị nói. Cách đây không lâu, ông Xị đã bán con tàu vỏ gỗ QNa-90235 có công suất 620CV hành nghề câu mực khơi được 850 triệu đồng để làm vốn đối ứng theo Nghị định 67. Nếu được ngân hàng giải ngân sớm thì hơn 3 tháng sau ông Xị lại được vươn khơi, sản xuất trên biển bằng con tàu mới.
Kỳ vọng
Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, trong số 26 hồ sơ đóng tàu theo Nghị định 67 của ngư dân trên địa bàn huyện được UBND tỉnh thông qua, đến thời điểm này đã có rất nhiều ngư dân phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để hoàn thiện các bước cuối cùng trong hồ sơ vay vốn. Ngoài ông Lương Tấn Xị, 2 chủ tàu khác là Trần Văn Nhân (xã Tam Quang) và Phạm Việt (xã Tam Giang) cũng sắp sửa được Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Núi Thành giải ngân nguồn vốn. “Đầu xuôi thì đuôi mới lọt. Các ngư dân đầu tiên được thông suốt giải ngân vốn đóng tàu theo nghị định thì các chủ tàu khác cũng sẽ học hỏi và ít gặp khúc mắc gì. Khi Nghị định 67 được đồng bộ triển khai trong thực tế thì đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Núi Thành càng lớn mạnh cả về lượng và chất” - ông Sơn nói.
Theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh, các ngư dân Lương Tấn Xị và Phan Thu đã và đang tiếp cận được nguồn vốn vay theo nghị định sẽ là động lực lớn để các ngư dân khác nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục vay vốn, qua đó được ngân hàng giải ngân. Sau lễ ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 được Ngân hàng Đầu tư & phát triển chi nhánh Quảng Nam tổ chức, 5 ngân hàng thương mại còn lại thực hiện cho vay theo nghị định cũng sẽ được tạo đà trong việc giải ngân vốn cho ngư dân. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh cũng cho biết, đến thời điểm này, đa số ngư dân nằm trong danh sách được đóng tàu theo phê duyệt của UBND tỉnh đều đã bán tàu hiện có để có đủ nguồn vốn đối ứng theo quy định. Bởi vậy, tàu cá theo Nghị định 67 càng được hoàn thành sớm thì ngư dân càng có điều kiện trở lại biển sớm nhất, sản xuất, ổn định cuộc sống.
NGUYỄN QUANG VIỆT