Kỳ vọng Triêm Tây

KHÁNH LINH 28/12/2014 09:48

Một dự án phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Triêm Tây (xã Điện Phương) vừa được UBND huyện Điện Bàn thông qua. Với thời gian và trách nhiệm cụ thể, Điện Bàn đang nỗ lực hoàn thiện mô hình du lịch này để mở cửa đón khách vào năm 2015. 

Bến đò Triêm Tây. Ảnh: KHÁNH LINH
Bến đò Triêm Tây. Ảnh: KHÁNH LINH

Kỳ vọng

Làng Triêm Tây nằm cách trung tâm huyện Điện Bàn khoảng 14km về phía Tây Bắc, cách đô thị cổ Hội An 2 km về phía Đông Bắc, đây được xem như là điểm nối giữa di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn bằng đường sông. Hiện tại, Triêm Tây còn lưu giữ khá đậm nét giá trị văn hóa thuần Việt với phong cảnh làng quê yên bình cùng những con đường làng rợp  bóng tre và hàng chục ngôi nhà ba gian đặc trưng vùng quê xứ Quảng. Đặc biệt, không gian du lịch Triêm Tây còn có thể mở rộng ra các khu vực xung quanh đến cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương), nơi nổi tiếng với các cơ sở như đúc đồng Phước Kiều, chạm khảm gỗ Nguyễn Văn Tiếp, đất nung Lê Đức Hạ hay làng nghề ẩm thực mỳ quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống cùng hàng chục di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như đình Thanh Chiêm, đình Đông Khương, Nhà thờ tổ Phước Kiều, đình Làng Tây, đình Làng Đông, đình Làng Trung, đình An Quán, Miếu Thành Hoàng Đông Kiều thờ thần người Chăm, giếng Chăm, Lăng Ông, Lăng Bà trong làng đúc Phước Kiều… Ngoài ra, trong khu vực còn 4 ngôi chùa có niên đại trên 300 năm và một nhà thờ công giáo hình thành cùng thời điểm với nhà thờ Trà Kiệu (Duy Xuyên).

Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, với những tiềm năng du lịch và lợi thế địa lý gần Hội An, cùng sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và UNESCO, dự án phát triển Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây sẽ hướng đến tạo ra một sản phẩm du lịch làng quê thuần Việt, giúp du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa sinh thái, làng nghề độc đáo, gắn kết với cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, nâng cao đời sống kinh tế của người dân, trở thành mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch cộng đồng chung của huyện. “Dù theo dự án, đến tháng 7.2015 khu du lịch mới khai trương nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có việc thay đổi nhận thức người dân, nâng cao trách nhiệm cộng đồng; cải tạo môi trường, cảnh quan. Đặc biệt, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, kè chống sạt lở cho làng là những kết quả tích cực nhất mà dự án đã mang lại”, ông Dũng nhìn nhận. Ngoài ra, thông qua các khóa đào tạo tiếp cận kiến thức về kinh doanh dịch vụ du lịch, hầu hết người dân Triêm Tây đã được tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cũng như kỹ năng làm du lịch, nhất là giúp người dân biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương hướng đến bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa làng nghề Triêm Tây, biến các nguồn lực sẵn có thành những sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Nhiều ngành cùng tham gia

Theo kế hoạch, ngoài mục tiêu nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho người dân Triêm Tây thông qua các khóa tập huấn về kỹ năng du lịch, cải tiến nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, đào tạo nâng cao tay nghề dệt chiếu cho lao động địa phương, dự án cũng sẽ triển khai xây dựng kè sinh học chống sạt lở quanh làng, xây dựng bến thuyền, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng các tiểu cảnh, không gian giao tiếp cộng đồng; Đầu tư vùng nguyên liệu dệt chiếu, hỗ trợ kỹ thuật trồng cói và quy trình chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất… Đặc biệt, đến quý IV năm 2015 sẽ hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch như lưu trú nhà dân (homestay), trải nghiệm dệt chiếu, du thuyền trên sông, đánh bắt thủy sản cùng người dân; tour đi xe đạp hoặc đi bộ quanh làng; tham gia các trò chơi dân gian, dạy nấu ăn, dạy tráng mỳ…  Từ năm 2016 đến 2020 tiếp tục phát triển các dịch vụ giúp khách trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng như tham gia với người dân trồng và thu hoạch các loại hoa màu; trồng nguyên liệu dệt chiếu; chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm sản phẩm lưu niệm địa phương… hướng đến giải quyết việc làm cho khoảng 30% nhân khẩu trong độ tuổi lao động tại làng. Ông Nguyễn Văn Bòng – Trưởng thôn Triêm Tây chia sẻ, dù dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng người dân cũng đã cảm nhận được những thay đổi tích cực mà dự án mang lại, nhất là các kế hoạch về hoàn thiện hạ tầng, đường sá, kè chống sạt lở…

Theo bà Phan Thị Thái Hoa  - Tổ trưởng Tổ thông tin xúc tiến du lịch Điện Bàn, phát triển Du lịch Triêm Tây là dự án du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện nên Điện Bàn đã tập trung các nguồn lực cũng như huy động nhiều  ngành cùng tham gia để có trách nhiệm với dự án. Theo tính toán, tổng nguồn vốn thực hiện dự án gần 6 tỷ đồng, ngoài đóng góp của người dân (120 triệu) và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, huyện cũng đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, chủ yếu từ những nguồn như Đề án phát triển du lịch của huyện; xây dựng nông thôn mới; nguồn đào tạo nghề, phát triển việc làm… “Huyện khuyến khích các ngành phải có trách nhiệm chung với Triêm Tây thông qua việc tận dụng các nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp mỗi đơn vị như Tài nguyên môi trường, Kinh tế hạ tầng, Nông nghiệp Phát triển nông thôn… Đây cũng chính là nét mới trong dự án phát triển du lịch cộng đồng Triêm Tây của Điện Bàn” - bà Hoa cho biết. Đến nay, nhiều hạng mục công việc đã đang được xúc tiến triển khai như Xây dựng bản đồ du lịch làng Triêm Tây nhằm kết nối cộng đồng với du khách; Xây dựng Vườn cộng đồng; Cải tạo Nhà văn hóa thôn làm trung tâm đón tiếp cộng đồng phục vụ du lịch…

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng Triêm Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO