Kỳ vọng vào năng lực điều hành

TUY PHONG (ghi) 25/03/2017 12:40

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Nam đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, cởi mở. Doanh nghiệp hy vọng những chủ trương, chương trình cải cách trở thành hành động cụ thể, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Doanh nghiệp là chủ thể của hành động và quyết định sự thành công với điều kiện cần là chính sách công khai, minh bạch, bình đẳng, rõ ràng, khoa học, nhất quán, không thể ngắn hạn và hơn hết là cần người lãnh đạo quyết đoán và chịu trách nhiệm.

Chính sách thuận lợi, môi trường đầu tư tốt thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Quảng Nam. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của nhà máy bê tông Hồng Tín ở Khu công nghiệp Tam Thăng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chính sách thuận lợi, môi trường đầu tư tốt thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Quảng Nam. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của nhà máy bê tông Hồng Tín ở Khu công nghiệp Tam Thăng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An:  Chờ những hành động cụ thể của  bộ máy chính quyền

Vai trò kiến tạo, tháo gỡ khó khăn và tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp hiện chỉ mới bắt đầu từ UBND tỉnh. Sức lan tỏa đến các sở, ngành, địa phương xuống từng nhân viên hành chính vẫn chưa thật sự chuyển biến nhiều. Mà trên thực tế, doanh nghiệp thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương nhiều hơn.

Kinh doanh hiện tại không dễ. Nhất là du lịch. Không mấy người hiểu thật sự về ngành kinh doanh tổng hợp này. Pháp luật Việt Nam còn ràng buộc quá nhiều để phát triển sản phẩm mới như các sản phẩm về sông nước, về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên… nên sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý về các thủ tục có muốn cũng sẽ chưa thật sự hiệu quả. Tâm huyết và trình độ của nhân sự trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao nên các vấn đề hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn chưa thông suốt. Niềm tin qua lại giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp chưa sâu sắc nên phát triển doanh nghiệp cộng đồng ở Việt Nam hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Các hỗ trợ mới chỉ dừng ở văn bản, hình thức, chưa thực sự đi sâu vào lòng doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh đã bắt đầu cải thiện hơn trước nhiều, nhưng cũng mới dừng ở cấp tỉnh. Các địa phương thật sự khó khăn mới có chính sách, cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn. Sự cải thiện của các cơ quan liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp với sự thay đổi từng ngày của môi trường kinh doanh như hiện nay. Có thể dễ dàng nhận thấy trình độ quản lý của nhiều cơ quan nhà nước phát triển chậm hơn trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn và cần ở chính quyền, cơ quan quản lý về sự minh bạch trong vận hành cơ chế, thời gian, cam kết về thủ tục phải rõ ràng, tránh tình trạng nhũng nhiễu. Muốn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất hơn để doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi thì chính quyền địa phương phải suy nghĩ lớn hơn. Chiến lược phát triển ngành phải có chiều sâu. Không cần chiều rộng như hiện nay. Cứu doanh nghiệp hay xây dựng nền tảng quốc gia khởi nghiệp, rất cần một chính quyền văn minh. Đó là một chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, trở thành mắt xích quan trọng cùng doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chứ không phải một chính quyền luôn suy nghĩ là “bà đỡ” cho doanh nghiệp như hiện nay. Muốn doanh nghiệp phát triển, chính quyền địa phương cần sớm có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể. Họ phải cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế hỗ trợ để sự liên kết các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội. Lợi ích kinh tế được phân bổ một cách công bằng đến những người hưởng lợi và cộng đồng, sớm cải cách hành chính một cách mạnh mẽ bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.

Khởi nghiệp hiện rất khó vì hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của thế giới. Nếu không có sự tương đồng với thế giới thì sẽ khó phát triển bền vững. Để tạo sự bền vững cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cần dựa trên thế mạnh của địa phương mà làm trước. Làm nhỏ nhưng phải hiệu quả, từng bước mở rộng. Không nên vì hình thức để báo cáo. Không có chiều sâu sẽ dễ thất bại, tạo ra hiệu ứng không có niềm tin khởi nghiệp. Cách tiếp cận hiện nay của chính quyền vẫn còn lệ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo nhiều quá. Cách tiệm cận của chính quyền như hiện nay khá ấn tượng, nhưng mới chỉ dừng ở cá nhân. Cần phải có cả hệ thống công quyền vào cuộc thì mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Nghị quyết của Chính phủ đã giải quyết đa số nguyện vọng của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp vẫn chờ đợi lớn hơn về sức mạnh thực thi nghị quyết và giám sát thực hiện của Chính phủ xuống từ địa phương.

Ông Nguyễn Viết Linh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Bàn): Chính sách hỗ trợ cần cụ thể, đơn giản hơn

Quảng Nam đã chính thức vận hành Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan chuyên môn. Từ đó, đã làm thay đổi thái độ phục vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hướng tới nền hành chính phục vụ. Ví dụ trên là một trong những hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xử lý thủ tục hành chính.

Những yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ tác động lên từng doanh nghiệp. Yếu tố pháp lý, chính sách của Chính phủ là những yếu tố tác động trực tiếp. Âu Lạc hiện gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch (người nước ngoài mua sản phẩm của Âu Lạc và nhờ vận chuyển đến tận nơi cho khách). Nhiều thủ tục, giấy tờ được yêu cầu liên quan đến sản phẩm đã gây trở ngại và tốn khá nhiều thời gian trong việc vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài, dẫn đến lượng khách mua giảm đi nhiều. Doanh nghiệp biết khó khăn đó liên quan đến chính sách, quy định của cấp quốc gia nên khó lòng cơ quan quản lý cấp tỉnh có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong Chính phủ nhanh chóng có những chính sách cụ thể, đơn giản hơn để hỗ trợ cho những doanh nghiệp như Âu Lạc có thể xuất hàng ra nước ngoài một cách đơn giản và nhanh chóng.

Doanh nghiệp Âu Lạc đang rất cần những chính sách thuận lợi để có thể xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi hơn.  Ảnh: THÀNH TRÍ
Doanh nghiệp Âu Lạc đang rất cần những chính sách thuận lợi để có thể xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi hơn. Ảnh: THÀNH TRÍ

Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Quảng Nam đã được cải thiện rất nhiều theo chiều hướng khả quan. Các thủ tục hành chính, đầu tư đã được đơn giản hóa và các cơ quan cũng hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc làm thủ tục, hồ sơ đầu tư. Doanh nghiệp mong rằng tỉnh sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, yêu cầu các cơ quan chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp một cách tích cực trong thủ tục hành chính. Quảng Nam nên thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, để đề ra những chính sách hợp lý, kịp thời giải quyết. Doanh nghiệp rất cần có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ có nhiều điều kiện tiếp cận với khách nhằm có thêm nhiều cơ hội bán sản phẩm cho khách nội địa lẫn khách nước ngoài. Tại sao không thể quy hoạch một khu làng nghề truyền thống tại Hội An hay vùng lân cận? Chọn lọc và kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống thủ công mỹ nghệ đầu tư xây dựng và hoạt động trong khu làng nghề đó. Với tiêu chí đầu tư chuyên sâu, phô diễn được tính văn hóa và nghệ thuật địa phương (local art), điều mà du khách quan tâm, tìm tòi. Quảng Nam sẽ có thêm những điểm thu hút, giúp khách tiếp cận nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc sắc thuận lợi và hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai: Lãnh đạo phải quyết đoán, chịu trách nhiệm

Gần đây, chính quyền và cơ quan quản lý đã tạo ra sự thông thoáng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng những vấn đề mang tính thủ tục đầu tư bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật, khiến cho sự thông thoáng đầu tư của địa phương bị hạn chế. UBND tỉnh không thể tự giải quyết được. Chỉ có Chính phủ, Quốc hội mới đủ thẩm quyền. Ví dụ như giấy phép xây dựng thì không việc gì Bộ Xây dựng phải đi thẩm tra; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không nhất thiết Bộ TN-MT thẩm tra, ký quyết định, mà có cái ĐTM nào không được đâu? Vì vậy, dù tỉnh có thông thoáng cỡ nào thì trước những quy định ràng buộc như vậy khó có thể hanh thông được. Cũng chính do cơ chế ràng buộc, nên cán bộ cấp dưới sợ trách nhiệm, không dám làm, không thể bảo họ làm khác đi được. Do đó, doanh nghiệp có kêu cũng đâu có được.

Muốn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và hội nhập tốt thì thể chế kinh tế với những quy định về quản lý đầu tư phải thay đổi, nếu không thì lãnh đạo tỉnh phải quyết định và chịu trách nhiệm. Nói thật, chính quyền địa phương chưa làm được gì là do vướng những quy định ràng buộc của luật, nghị định hay thông tư về quản lý đầu tư. Khi lập Khu công nghiệp Bắc Chu Lai và Tam Thăng, chủ đầu tư đã gặp khá nhiều khó khăn. Liên tục bị thanh tra, kiểm tra. Khi thực hiện theo lệnh UBND tỉnh, thuế xuống thanh tra nói sai. Làm đúng theo thuế, kiểm toán bảo không đúng, lại quay về kiểu cũ. Mất hai ba năm trời chỉ để giải quyết một việc như thế sao không nản cho được. “Đối phó” với thanh tra, kiểm tra cực kỳ khó khăn.

Bồi thường, giải tỏa quá phức tạp, trong khi chính sách bồi thường thay đổi, nhất là chính sách về đất đai. Luật thay đổi liên tục, 5 năm đến 3 lần thay đổi. Mỗi lần thay đổi nội dung khác nhau. Không thể xử lý hay áp dụng cụ thể được. Chính quyền có giỏi đến mấy cũng sẽ gặp khó khăn, dù biết chuyện ách tắc bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng rất lớn đến cải thiện môi trường, thu hút đầu tư nhưng đành chịu. Chính sách đầu tư không rõ ràng. Ví dụ theo như quy định đầu tư trong Khu kinh tế mở thì nhà đầu tư nhận được đất đã bồi thường xong, nhưng thực tế Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đâu có tiền để bồi thường. Tại Quảng Nam chưa có một nhà đầu tư hạ tầng nào chuyên nghiệp. Tại sao cũng doanh nghiệp đầu tư hạ tầng như nhau mà bên trọng, bên khinh? Tại sao nhà đầu tư khác được hỗ trợ tiền bồi thường, còn doanh nghiệp tôi thì chỉ hỗ trợ chút ít rồi thôi? Thực sự đầu tư hạ tầng đang gặp khá nhiều khó khăn. Ngay như khi cổ phần hóa, tài chính buộc tiền hỗ trợ bồi thường phải ghi vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tính giá trị cổ phần hóa. Hai năm ròng thuyết phục, xin xỏ mới thống nhất ghi theo dõi, không đưa vào giá trị doanh nghiệp để bán. Nếu không có sự can thiệp của chính quyền tỉnh thì mọi chuyện không thể gỡ được. Doanh nghiệp khác có thể phá sản. Có thể sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, còn chúng tôi, nếu phá sản sẽ không có đơn vị đồng hành với doanh nghiệp đã kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp đến 50 năm.

Doanh nghiệp chỉ cần chính sách công khai, minh bạch, bình đẳng, rõ ràng và khoa học. Chính sách phải nhất quán không thể chỉ ngắn hạn. Chính quyền và cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm, không nên đổ qua, đổ lại trách nhiệm làm khó cho doanh nghiệp. Cần người lãnh đạo quyết đoán và chịu trách nhiệm. Và hơn hết, doanh nghiệp phải tự vận động, chứ chờ cho có sự rõ ràng, minh bạch trong đầu tư thì sẽ không biết đến bao giờ. Chờ Nhà nước bồi thường, giải tỏa xong phải mất thời gian dài, cơ hội sẽ qua đi. Nếu như chờ đợi theo kiểu ấy thì có lẽ sẽ không có một Khu công nghiệp Bắc Chu Lai hay Tam Thăng với những nhà đầu tư lớn như hiện nay.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Tam Kỳ: Doanh nghiệp chủ động để cạnh tranh

Chính quyền và cơ quan quản lý đã hỗ trợ rất nhiều. Những đóng góp của doanh nghiệp cho địa phương đã được ghi nhận bằng những giấy khen, bằng khen, như là lời động viên cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp không gặp bất kỳ khó khăn nào từ phía các cơ quan quản lý mà còn nhận được rất nhiều sự ủng hộ và khích lệ. Nếu doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của Nhà nước từ ghi hóa đơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kê khai, nộp thuế đúng, đủ thì chắc chắn sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào, ngay cả trong những cuộc thanh tra, kiểm tra. Gần như những yêu cầu hay kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp đã được chính quyền đáp ứng. Biểu hiện rõ nhất của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng chính là việc đã hỗ trợ tối đa, đến tận tay cho người dân đưa sản phẩm làng nghề vào siêu thị. Vấn đề là người dân có chịu làm hay không mà thôi. Tôi chưa thấy chính quyền và cơ quan quản lý nào quan tâm đến mọi điều lớn, nhỏ của dân chúng như hiện tại.

Chính quyền đã thực sự quan tâm tới sự phát triển của doanh nghiệp. Kinh tế Tam Kỳ phát triển, nhiều khu vực khác của Quảng Nam cũng đã tăng trưởng nhiều nhờ vào các dự án đầu tư ngày càng nhiều, giải quyết khá nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng, những khó khăn lại đến từ phía thị trường và nhu cầu cạnh tranh khác nhau, nhất là sự thiếu hụt về lao động. Cụ thể, mấy năm trước, việc tuyển nhân viên thời vụ cho siêu thị vào những dịp cao điểm như tết rất dễ, nhưng năm vừa rồi không thể tuyển được. Vì phần lớn lao động đã có việc làm từ các dự án đầu tư khác hết rồi. Tuy nhiên, điều quan tâm nhiều nhất của doanh nghiệp chính là cần sự hỗ trợ của chính quyền trong việc đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế địa phương, dẫn đến thu nhập người dân gia tăng. Từ đó sẽ kích thích dân chúng mua sắm, tiêu dùng nhiều hơn. Làm thế nào để thu hút, phát sinh thêm nhiều dự án đầu tư về thương mại, dịch vụ. Hiện tại, Tam Kỳ hay vùng ven chỉ là nơi có thể người ta đến tham quan rồi về, không đủ độ hấp dẫn để ở lại và chi tiêu… Một khi chính sách thuận lợi, môi trường đầu tư tốt, chắc chắn Quảng Nam sẽ có thêm nhiều dự án, dân chúng sẽ có thêm nhiều lựa chọn trên thị trường mỗi ngày mỗi sinh động hơn. Có thể sự xuất hiện nhiều trung tâm thương mại sẽ giúp thị trường trở nên đa dạng hơn và cuộc cạnh tranh ngày sẽ mạnh hơn. Tự bản thân mỗi doanh nghiệp không được chủ quan, tìm hướng đi thích hợp để giữ chân khách hàng, gia tăng thị phần. Ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính quyền thì tự doanh nghiệp phải chủ động để tham gia cuộc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đó cũng là một cách góp mình vào cuộc cải thiện môi trường đầu tư đang được chính quyền tạo dựng, bởi cải thiện không phải chỉ từ một phía.

TUY PHONG (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng vào năng lực điều hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO