Kỳ vọng về tương lai năng lượng tái tạo

QUỐC HƯNG 27/09/2019 10:48

(QNO) - Khi chi phí đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo giảm mạnh, một tương lai về năng lượng xanh - sạch - rẻ sẽ không còn quá xa vời.

Năng lượng mặt trời và gió đã trở nên rẻ, phổ biến hơn và sự cần thiết để phát triển hệ thống lưu trữ nguồn năng lượng sạch quy mô lớn. Ảnh: gettyimage
Năng lượng mặt trời và gió đã trở nên rẻ, phổ biến hơn và sự cần thiết để phát triển hệ thống lưu trữ nguồn năng lượng sạch quy mô lớn. Ảnh: gettyimage

Dân số thế giới tiếp tục tăng, dự kiến vượt quá 9 tỷ người vào năm 2040, tăng từ mức 7,7 tỷ người hiện nay, nhu cầu về năng lượng tăng 25%.

Để tránh tác động ngày càng thảm khốc của biến đổi khí hậu, con người buộc phải thay đổi các thói quen để sống xanh hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu, khí đốt.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, thế giới cần có hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào nguồn cung cấp năng lượng mới. Đáng chú ý, hiện số tiền đầu tư khai thác năng lượng tái tạo nhiều hơn năng lượng hóa thạch than đá. Cụ thể, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đạt 272,9 tỷ USD trong năm 2018, tức năm thứ 5 liên tiếp vượt quá 250 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) Inger Andersen nói, con số đầu tư đó không thể đủ khả năng để chúng ta tự mãn, chưa đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C hay lý tưởng là 1,5 độ C như chúng ta mong muốn. 

Chỉ riêng ngành điện toàn cầu, phát thải CO2 tăng khoảng 10% so với 10 năm trước. Rõ ràng là chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo nếu chúng ta đáp ứng các mục tiêu phát triển và khí hậu quốc tế.

Tại nhiều quốc gia, chi phí khai thác và sản xuất nguồn năng lượng tái tạo giảm mạnh trong năm 2019. Các chuyên gia cho biết, chi phí điện năng toàn cầu từ năng lượng mặt trời giảm 81%, mức giảm là 46% đối với khai thác năng lượng gió trên bờ và 44% đối với gió ngoài khơi.

Theo tờ Bangkok Post (Thái Lan), Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đặt ra chỉ tiêu khai thác năng lượng tái tạo cụ thể thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng: kết nối năng lượng và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 25% vào năm 2025.

Một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đan Mạch, Ireland và Vương quốc Anh cũng có thể khai thác và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn nhiên liệu hóa thạch vì năng lượng tái tạo được liên kết trực tiếp với lưới điện quốc gia.

Theo báo cáo chi phí sản xuất năng lượng tái tạo 2018 từ ​​Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), năng lượng tái tạo là nguồn điện rẻ nhất ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Như chi phí lắp đặt tấm pin mặt trời đã giảm hơn 80% kể từ năm 2010.

Qua đó, tương lai về năng lượng tái tạo không còn xa vời. Giải pháp chi phí thấp để đẩy mạnh khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Theo tính toán của IEA, mỗi năm cần sản xuất thêm 300GW từ năng lượng tái tạo để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng về tương lai năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO