Bảo vệ làng - không gian văn hóa đặc trưng của người miền núi trước cơn lốc “hiện đại hóa” vẫn đang là một trăn trở. Những người trong cuộc đang phải tìm cách giữ lại các giá trị mang tính bản sắc của làng, của dân tộc, ngay từ mỗi nếp nhà.
Nguy cơ
Với người Cơ Tu, làng như “nóc nhà lớn” của không gian cộng đồng. Cấu trúc truyền thống của mỗi làng là hình cánh cung với gươl làng nằm ở giữa, phần nào thể hiện lối sống ấy. Một cánh cung vừa gợi mở, vừa bảo bọc biết bao thế hệ đồng bào. Nhưng trước những xô lệch của thời đại, sức ép về quy hoạch, về giao thoa văn hóa đã và đang tạo nên nhiều áp lực cho làng. Nhiều vùng đất của người Cơ Tu trải dài qua Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang chẳng còn lấy mái gươl, mà thay vào đó là những “nhà sinh hoạt cộng đồng” bê tông xám ngắt. Nhà cửa tràn ra đường lớn, đường nhỏ, như một cánh cung bị đứt ngang, thẳng đuột.
Làng Aur (xã A Vương, Tây Giang) vẫn giữ gần như nguyên vẹn truyền thống văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ở xã Ba (Đông Giang), cộng đồng người Cơ Tu dần trở thành nhỏ bé trước cơn lốc dân nhập cư, ngụ cư, rồi lối sống cũng vì thế mà mất đi bản sắc. Tôi nhiều lần ghé lại căn nhà nhỏ của già Y Kông (thôn Tống Cói, xã Ba), nghe ông thở dài như chịu nỗi mất mát lớn. Ông nói, lớp trẻ ở đất này đã gần mất gốc rồi, gần quên tiếng trống, tiếng chiêng, bước nhảy của dân tộc mình. Chỉ còn mấy ông bà già như những cụm rễ mỏng manh còn níu lấy đất quê, níu làng truyền thống. Nhiều người Cơ Tu bị nếp sống hiện đại, lai căng lôi cuốn. Tiếng trống hội, điệu chiêng ngân không lớn bằng âm thanh của dàn karaoke của mấy nhà gần gươl làng truyền thống. Lớp trẻ bây giờ mang khố, mặc váy thổ cẩm của dân tộc mình thì mắc cỡ, lễ đâm trâu còn thấp thoáng cả quần jean, áo hoa. Già Y Kông nói, đến bộ trang phục, giọng nói mà còn không giữ được, thì nguy cơ mai một đã đến thật rồi. Nhiều năm ròng, chỉ còn một mình già Y Kông lặng lẽ sưu tầm, rồi tự đục đẽo làm lấy mấy thứ tượng gỗ, gùi mây, nỏ, ống đựng cung tên… truyền thống của người Cơ Tu, cất giữ trong căn nhà moong truyền thống của gia đình rồi giới thiệu cho du khách. Thật khó để tìm được ai đó thay ông kể tiếp, làm tiếp, dù chỉ trong không gian nhỏ bé của một ngôi nhà moong gia đình!
Giữ “lá chắn” cho làng
May mắn là ở vùng cao Tây Giang, một vài xã của Đông Giang, Nam Giang, vẫn còn nhiều làng Cơ Tu giữ được nguyên trạng về cấu trúc lẫn văn hóa. Làng Aur (xã A Vương, Tây Giang), nơi cách đường Hồ Chí Minh hơn hai mươi cây số đường rừng, không xe máy, không động cơ, là một trong số những làng Cơ Tu như thế. Một ngôi làng rất đẹp giữa rừng, về nhiều nghĩa. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang có lần nói với chúng tôi rằng, chính quyền sẽ giữ lấy làng Aur, bằng mọi giá. Cư dân sống biệt lập giữa rừng, nhưng ông Liếc bảo huyện sẽ huy động nguồn lực, tìm cách mở đường cho dân, không bắt dân di dời. “Nếu mở đường, sẽ tính toán tới việc giữ lại khoảng chừng 2 cây số đường cũ. Xe máy chạy tới Aur, rồi du lịch ùa vô nữa, là làng bị uy hiếp ngay. Cải thiện đời sống của dân, làm du lịch, nhưng nhất quyết không đánh đổi bằng chính văn hóa dân tộc mình” - ông Liếc khẳng định chắc nịch.
Huyện Tây Giang làm hơn 70 khu tái định cư, nhưng về nơi mới đồng bào vẫn làm nhà, lập làng theo kiểu cũ. Các làng cũ, nếu người dân ở ổn định, không thiếu đói, không mù chữ, huyện vẫn bảo vệ, vẫn giữ. Chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện đời sống cho những nơi này. Tây Giang, Đông Giang nhiều năm nay dần trở thành một cái tên quen thuộc trên bản đồ du lịch, bằng chính sản phẩm là truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu. Nhưng ở nhiều “làng du lịch”, người dân vẫn quen với nếp sống thường ngày, vẫn thích đi rẫy, lên nương hơn là “diễn” cho vài du khách xem chơi về lễ hội. Các lễ hội truyền thống vẫn được giữ, đồng bào vẫn sống đời sống tinh thần của mình như vốn có, không phải để phục vụ du lịch, để… kiếm tiền như ở nhiều nơi khác. Nhưng nguy cơ là điều vẫn phải tính đến. Một già làng nói với chúng tôi, các đoàn du lịch “phượt” đến, trao tặng vài chục suất quà trị giá không là bao, nhưng dân làng phải góp gạo, góp thức ăn nuôi cả đoàn mấy chục người. Dù khó khăn, thiếu thốn cũng phải làm, vì đó là tục. Nhưng nhiều lần như thế, dân làng không muốn đón nữa, không góp gạo, góp sắn nữa, ngược lại với truyền thống hiếu khách vốn có của đồng bào. Một chuyện nhỏ như thế, để hiểu những áp lực dữ dội đến làng, đến không gian văn hóa truyền thống ở vùng cao mà chính quyền và những người có trách nhiệm phải tính đến, ngay từ bây giờ!
PHƯƠNG GIANG