Không một phút lơ là, ngày cũng như đêm, từ chốt gác sâu trong rừng đến từng bản làng, lực lượng biên phòng, chính quyền và cả đồng bào vùng biên đồng hành chống dịch Covid-19. Một “thành trì” đang dựng lên, nhiều thêm niềm tin trên chốt gác và bước đường tuần tra biên giới.
Chỉ có bóng đêm và mưa giữa thăm thẳm rừng. Mặc, những đốm sáng từ ánh đèn pin xuyên qua màn mưa, bước chân cứ lặng lẽ tiến về phía núi. Biên giới thức cùng phiên gác, cùng những ánh nhìn xuyên qua đêm và mưa, mỗi khi có một nguồn tin bất chợt báo về…
Chúng tôi đi sâu về phía cột mốc 702, nơi cách bản Tăng Ta Lăng của huyện Kà Lừm (Sê Kông, Lào) chừng mươi cây số. Vài phút trước, tổ công tác của chốt gác xã Ga Ry (Tây Giang) nhận tin báo nghi ngờ có người xuất hiện ở khu vực biên giới. Hai người trực chốt, số còn lại lên đường, khi mưa núi đã bắt đầu nặng hạt.
“Giữ cự ly đội hình, quan sát kỹ, cẩn thận có rắn”. Đại úy Phan Minh Xuân - Trưởng chốt gác xã Ga Ry ngoái lại dặn dò cả tổ tuần tra. Ánh đèn pin loang loáng quét theo lối mòn nhỏ vào rừng. Đêm lặng. Họ không nói với nhau điều gì nữa. Hình như mọi suy nghĩ đang dồn vào điểm đến phía trước. Có tiếng sột soạt vọng lại. Anh em tắt hết đèn pin, đứng lặng nghe. Chúng tôi có cảm giác mọi thứ xung quanh đang “đóng băng”, nghe rõ từng hơi thở. Thật may, đó chỉ là tiếng thú rừng ăn đêm...
Lại thêm một chuyến hành quân bất chợt nữa của anh em biên phòng, dân quân chốt gác. Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh, người đã túc trực suốt 2 tháng nay ở bìa rừng biên giới nói, điều may mắn là không phát hiện đối tượng nào xâm nhập vùng biên. Đồng nghĩa nơi này có thêm một buổi tối bình yên.
“Anh em đã quá quen với rừng, với từng đường mòn lối mở ở tuyến biên giới này. Không ai ngại việc phải hành quân ròng rã ngày này sang ngày khác. Hơn cả một nhiệm vụ, với chúng tôi, những lúc này không điều gì quan trọng bằng giữ an toàn cho biên giới” - Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ.
Mệnh lệnh đặt ra cho chốt gác xã Ga Ry, cũng như cho tất cả nơi khác, là phải nắm được mọi di biến động trong khu vực, kiểm soát chặt việc đi lại của bà con từ hai bên biên giới. Đặc biệt, việc này càng nghiêm ngặt hơn kể từ 31.3 vừa qua. Thông báo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, một lượng lớn công dân người Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở Lào có khả năng tìm đường về nước, không loại trừ đi bằng các đường mòn, lối mở. Một “lũy thép” được dựng lên, để kiểm soát chặt tình hình, tránh những nguy cơ lây lan dịch.
Núi đang mùa mưa dông. Ban ngày sương mù giăng mắc, tối đến càng rét buốt. Nơi lập chốt, nằm ngay cạnh bìa rừng, ngước nhìn xung quanh chỉ thấy thăm thẳm một màu cây lá. Khung cảnh lúc nào cũng có vẻ bình yên, song chẳng bao giờ lường trước được điều gì đang diễn ra dưới màu xanh ấy.
Anh em được quán triệt phải tập trung cao độ trong mọi tình huống, không được để bất kỳ người lạ nào lọt qua tuyến phòng thủ đầu tiên này. Vì vậy, ngày nào chốt gác cũng phải tuần tra khắp các lối mòn ở khu vực được phân công. Đó là chưa kể những lúc bất chợt nhận thông tin từ bà con đi rẫy, hoặc tổ tuần lưu của lực lượng báo về đề nghị phối hợp.
Trung tá Hoàng Thanh Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry cho hay, dọc tuyến biên giới qua 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry do đơn vị quản lý có khá nhiều đường mòn, lối mở nằm sâu trong rừng. Địa hình phức tạp, thói quen đi lại thăm thân của đồng bào Cơ Tu ở hai bên biên giới và cả nguy cơ, diễn biến của dịch bệnh phía Lào đang đặt nhiều áp lực lên công tác quản lý biên giới và chống dịch.
Chỉ là một căn lán nhỏ nằm cheo leo bên sườn dốc, điểm chốt xã Ch’Ơm gác chặn mọi nẻo rừng đổ về làng. Sáng hôm sau, chúng tôi phải băng bộ nửa giờ đồng hồ qua dốc núi để đặt chân đến nơi này.
Trực tại chốt gác, Thiếu úy Đinh Sỹ Vũ hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt cho từng khách. Cách đó vài mét, 3 thành viên của chốt đứng gác cạnh “barie” được làm bằng cây rừng. Đây cũng là khung cảnh quen thuộc suốt hai tháng nay, kể từ khi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trương lập chốt kiểm soát suốt tuyến biên giới, phòng dịch Covid-19. Nơi này, không xa cột mốc 697 và chỉ cách đường biên khoảng chừng vài trăm mét.
Suốt cuộc chuyện trò, họ không kể nhiều về những vất vả mà mình đang trải, nhưng đến tận nơi, gặp từng khuôn mặt, chúng tôi mới thấm thía bao gian truân mà họ đã và đang đối mặt ở tuyến đầu chống dịch.
Anh em phải xuống khe suối, tìm từng can nước mang ngược lên lán để nấu ăn. Căn bếp đơn sơ bằng 3 viên đá núi. Lán rất nhỏ, anh em còn phải dành góc kín gió nhất để cất gạo, mì tôm, vài nhu yếu phẩm.
Nhiều đêm, mưa hắt vào tận chỗ ngủ, anh em co mình với cái rét se sắt của vùng cao. Để sạc pin điện thoại, cả chốt phải chờ đồng đội của tổ tuần tra lưu động đi qua gửi nhờ anh em mang về. Không có điện, chỉ có một bóng đèn nhỏ tù mù thắp bằng bình ắc quy, cùng vài chiếc đèn pin. Sinh hoạt cá nhân cũng phải thay phiên để đảm bảo trực chốt an toàn.
Mãi thành quen, nên khi được hỏi về những khó khăn, anh em chỉ cười: “Lính biên phòng mà!”. Câu trả lời giản đơn, như mặc định cho nhiệm vụ của mình. Chừng như đã quen với cái khó, cái khổ ở rừng, không còn ai nghĩ đó là khó, là khổ nữa.
Đại úy Hồ Sỹ Hiếu - Trưởng chốt gác xã Ch’Ơm và Thiếu úy Đinh Sỹ Vũ, dù chỉ mới tăng cường lên được vài hôm, song cũng lập tức thích nghi với đời sống ở nơi này. Họ dành phần lớn mối quan tâm của mình cho nhiệm vụ.
Lại mưa. Tiếng lộp bộp trên mái bạt như thêm phần cô độc. Đêm trước, ở lại trong chốt gác xã Ga Ry, chúng tôi đã nếm trải cảnh gió thốc tung bạt, mưa đổ xuống nơi anh em nằm, ướt đầm chăn gối. Toàn chốt phải bật dậy, loay hoay gia cố lán trại chỉ bằng thứ ánh sáng loáng thoáng của những chiếc đèn pin.
Khắp các chốt gác dọc miền biên này, thời gian qua, chắc hẳn đều phải trải những đêm dài như thế. Không ngủ vì tuần tra bất chợt, vì mưa dông, đôi lúc còn vì tiếng loạt soạt mà anh em cho biết là đôi khi của rắn săn đêm. Không thể kể hết những vất vả có tên và không tên, anh em cứ thầm lặng vì nhiệm vụ, từng ngày.
Họ vẫn đang ở đó, nơi tuyến đầu chống dịch, trong lặng thầm!
Bài 2: Lặng với niềm riêng