Thêm một mùa lá đỏ, người cần gặp lại người để biết còn thương nhau.
Ba giờ sáng.
Ông Tư Vũ khệ nệ bưng thau gạo ngâm ra máy xay bột, trong khi vợ lúi húi nhóm lửa lò. Cuối năm, khách đặt bánh nhiều, hai vợ chồng làm mãi vẫn chưa đâu vào đâu. Bà Tư Vũ tính tết này nhận chừng nghìn cái bánh tráng thôi, ai dè xóm đã đông, huống hồ người từ quận này, quận kia cũng chạy qua, xuýt xoa: “Em chỉ ưng mỗi bánh nhà mình, anh chị ráng làm nghe”. Nghe vậy, bao nhiêu vất vả tan ra, ông bà chỉ còn cảm thấy mát lòng mát dạ. Đời bán buôn, mình cần khách, chớ họ thì có trăm chốn mua, cần chi cầu cạnh ai. Ngót nghét hai mươi năm trời, cái lò bánh con con này và những vị khách dù thân dù lạ mà rất đỗi chân tình ấy đã khiến ngôi nhà của ông bà bớt quạnh quẽ, bữa cơm sáng, cơm tối có con cá, miếng thịt.
Hồi mới từ xứ Quảng khăn gói vô nam, vợ chồng ông Tư Vũ không hề nghĩ sẽ bám nghề làm bánh tráng nướng. Bao nhiêu tiền của mang theo, ông bà trút hết vào tay gã môi giới nhằm mua cho được căn nhà nhỏ. Bị lừa một vố, trắng tay đồng nghĩa với cùng đường. Nhà cửa, ruộng vườn, cả trâu bò ngoài quê bán hết rồi, biết về đâu. Nhiều đêm, gia đình Tư Vũ ngủ bên vỉa hè như những kẻ vô gia cư chính hiệu. Ông tặc lưỡi, tự trấn an làm một cuộc rời đi nghĩa là bắt đầu cho chuyến phiêu lưu vạn dặm: “Đời lên voi xuống chó mấy hồi”. Thương là thương bà Tư Vũ với hai đứa con, răm rắp tin và đi cùng ông. Hẳn út Quang với chị nó đã từng mường tượng dữ lắm, cái cảnh xe cộ đông đúc, nhà cửa sáng láng, đất vườn thênh thang hoa lá. Sài Gòn mà, miền Nam mà, phải vậy chớ. Trẻ con, chúng có quyền mơ mộng. Ông Tư Vũ cắt hết liên lạc với quê. Thời điểm đó chưa có điện thoại thông minh hay mạng miết đâu, muốn nói gì cũng vịn vô mấy cánh thư tay, sang hơn thì tới thùng điện thoại công cộng. Kể ra có khi chẳng ai tin, rất nhiều ngày trong túi bà Tư Vũ chỉ còn năm trăm đồng bạc, gạo đã hết, bó rau muống mua về xào tới xào lui, ăn những ba bữa. Ông vạ vật làm công nhân bốc xếp dưới bến sông, ngày bắt đầu từ hai giờ sáng đến mười hai giờ đêm. Bà Tư Vũ bóc vỏ hành tỏi ngoài chợ. Nơi ở là túp lều tềnh toàng khuất sau rừng cao su, đất nền loang lổ như miếng cơm cháy, trên vá, dưới chằng. Ông hay ví von chỗ tá túc của mình là “biệt thự sang nhứt xứ này”.
Mấy tháng trước, nhìn cuốn tập ghi chép chi chít tên khách, số lượng bánh đặt tết, út Quang càm ràm suốt. Qua phây bút phây bơ chi đó, nó kể với San. Con bé gọi về, một hai kêu ba má đừng làm nữa, giờ nghỉ ngơi được rồi, có tụi con đây mà. Tư Vũ xua tay: “Tao với má bây ngồi không sao chịu thấu con ơi, phải làm”. Vợ ông hùa theo: “Giờ ba má tráng bánh đâu hẳn vì tiền nữa con ơi, bây hiểu mà”. Tắt điện thoại, ông rầy vợ: “Bà nói chi cho con bé buồn với lo nghĩ lung tung, cái tính nó vậy rồi”.
Chuyện tráng bánh bán này khởi phát từ San. Con bé đã sang Pháp học cao học luật được hai năm bằng suất học bổng toàn phần. San là niềm tự hào của vợ chồng ông. Tự lập, đôi khi tỏ ra vô tình, song kỳ thực ông biết con gái không hoàn toàn như vẻ bề ngoài. Còn nhớ ngày đầu tiên San lên tòa trong vai trò luật sư, nhận án ly hôn, vợ chồng ông Tư Vũ lặng lẽ ngồi dưới hàng ghế dự khán quan sát. Cách San đối đáp, lạnh lùng và có thêm chút nhẫn tâm xoáy vào người vợ, đến độ cô ta bật khóc rồi tòa xử cho anh chồng quyền nuôi con, bất giác ông Tư Vũ thở dài: “Cũng là phụ nữ với nhau. Khéo cái nghề khiến con bé thành gỗ đá mất thôi”. Mấy hôm sau, tình cờ thấy người phụ nữ kia nói cười xênh xang bên kẻ khác thì ông hiểu.
Hồi cấp hai, hôm nào từ trường về, San cũng lẩm nhẩm mấy câu ca dao “Đường về đất đỏ miền Đông/ Cao su bao lá hận lòng bấy nhiêu”. Ông Tư Vũ nghe mà xót cả ruột gan. Mới tí tuổi đầu, San đã một buổi đi học, buổi chạy chợ cùng má. Mỗi khi út Quang hồn nhiên hỏi: “Sao nhà mình nghèo quá ba?”, ông Tư Vũ cứng họng, còn San lườm em: “Mình có ba, có má là giàu nhứt rồi”. San không đòi hỏi thứ gì, ngay như thèm ổ bánh mì năm trăm đồng cũng nín thinh. Càng quan sát con, ông Tư Vũ càng lo, sợ đời nó khổ. Cái tính hay nghĩ, nhún nhường chịu trăm phần thiệt đó thì chạy trời không khỏi nắng.
Bữa đó, đang ngồi ăn cơm, bỗng San ngẩng lên, nói bâng quơ: “Thèm bánh tráng nướng ngoại làm quá trời”. Ông Tư Vũ ngó vợ: “Thì mình tráng ăn chơi”. Hôm sau, bà Tư Vũ kéo từ góc bao tải ra một cái vá nhôm múc bột, món quà mà ngoại San dúi vô tay hai vợ chồng ngày rời đi, dặn: “Cùng lắm thì tráng bánh bán cũng sống được nghe con”. Bao năm lao đao, đầu tắt mặt tối lo ngày mai lấy gì ăn, vợ chồng ông Tư Vũ đã quên lời dặn ấy. Ý định tráng vài cái bánh cho con, cuối cùng lại kéo ông bà về miền quê cũ. Những con đường mòn vệt bánh xe. Những nà bắp xanh bên bến sông. Những hôm cận tết chộn rộn làm mứt dừa, đổ bánh tổ. Miền ký ức thẳm sâu, vợ chồng ông Tư Vũ cố chôn chặt dưới đáy tim, lần đó lại trỗi dậy như sóng, như gió.
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và lạ lùng. Ở tuổi sáu lăm, với hai mươi mùa đông làm khách tại thành phố phương Nam này, chưa năm nào ông Tư Vũ thấy cái lạnh xộc vào người nhói buốt đến vậy. Mấy hôm rồi, cứ cách một giờ đồng hồ, bản tin truyền hình lẫn phát thanh đều đưa lên cảnh báo bão. Người người hối hả chặt bớt cành cây vướng víu quanh nhà, các bà các chị chạy chợ mua thực phẩm dự trữ, trẻ nhỏ được cho nghỉ học, cánh thương hồ neo thuyền trống trên bến. Là những đứa con của miền gió bão, trong tình cảnh này, vợ chồng ông Tư Vũ lại càng da diết nhớ quê.
Đã song hành cùng nhau qua gần hết dâu bể cuộc đời, chừng như vợ chồng ông vẫn còn giữ niềm riêng khó giãi bày. Có lẽ ông bà sợ, nói ra sẽ khiến người kia đau lòng hay sao đó. Hai mươi năm, hai mươi bận giáp tết, tầm hai sáu, hai bảy tháng Chạp, ông Tư Vũ lại rời nhà từ sớm. Vợ hỏi đi đâu thì trả lời qua loa: “Tui ra ngoài này xíu về hà”. Mà có lần nào “xíu” là ông về đâu, đôi khi mất cả ngày. Thấy trên bánh xe vương lại chiếc lá khô thì bà biết chồng vừa qua cánh rừng cao su phía trước, từ đây đường sẽ nối dài ra trung tâm thành phố. Ông làm gì ngoài đó, bà chịu.
Mùa đông năm ấy, phía rừng, cao su vào mùa thay lá, vòm trời đỏ rực. Bà Tư Vũ ngồi bệt trên thảm lá, thẫn thờ hướng mắt về chân trời xa. Qua địa chỉ trường San, bác Hai gửi lá thư, trách: “Vợ chồng chú thím coi bộ mất gốc rồi. Thôi bay nhảy được thì bay nhảy luôn đi, quê này nghèo, về chi”. Bà thu nắm tay, đấm ngực thùm thụp, muốn nói: “Anh Hai ơi, tụi em khổ quá”. Mà nói kiểu nào cho thấu, đành im. Lá thư duy nhất được gửi từ quê vô, bà Tư Vũ giấu nhẹm. San hỏi bác viết gì, bà xa gần: “Chuyện quê mình đó mà”. Cứ mỗi mùa cao su thay lá, chồng dắt xe băng rừng đi thì bà ngồi đó nhìn vòm trời, biết mình đã xa quê thêm một năm nữa. Rồi mùng Một, mùng Hai tết, ông bà vẫn lom khom xay bột, tráng và phơi bánh. Xóm quở: “Nhà này lo làm giàu dữ nghe”. Bà Tư Vũ giấu nỗi buồn trong nụ cười. Nhìn người ta xúng xính đưa con ghé nội, ghé ngoại mừng tuổi, xót lắm, làm để quên. Về sau này, San ra trường, lo cho út Quang học kiến trúc. Kinh tế đỡ chật vật. Mua vé xe, quà bánh không còn là chuyện khó với vợ chồng ông Tư Vũ nữa. Ấy vậy mà, chẳng ai dám bàn chuyện về quê. Họ sợ. Ông Tư Vũ ngồi ngoài hiên, nhấp ngụm trà cũng xa xót chuyện quê. Lá thư cũ bóp nghẹt tâm can bà Tư Vũ: “Chắc anh Hai giận, không muốn nhìn mặt nhà mình nữa”.
Mới hôm qua còn phập phồng lo bão, nay nắng đã ươm vàng phố. Nhiều khách ghé nhà, người này dặn trăm bánh, người kia năm ba chục. Bà Tư Vũ bối rối, chưa biết trả lời ra làm sao thì San gọi. Cuộc trò chuyện giữa hai má con, Paris và Sài Gòn, kéo dài gần cả tiếng đồng hồ. Lớp trẻ bây giờ đã có nhiều phương tiện kết nối để biết tin nhau. Quê với phố tuy xa mà gần. Và nhờ vậy, San biết nhiều chuyện quê. Mỗi lời con gái nói đều khiến tim bà Tư Vũ nhói lên từng chập. Thì ra, những hôm băng qua rừng cao su vô trung tâm thành phố, là ông Tư Vũ chạy tuốt xuống bến xe coi cảnh người ta tay xách nách mang về quê ăn tết. Có năm, trong khi bà Tư Vũ thẫn thờ nhặt chiếc lá đỏ vừa rơi xuống, thì tại một góc khác, chồng tựa người vào gốc cao su khóc như đứa trẻ. Ở quê, những chiều hai sáu, hai bảy tháng Chạp, bác Hai lại lên mộ nội, hỏi: “Chừng nào thằng Tư về, má ơi”.
Sáng nay, nghe vợ từ chối khéo những đơn hàng mới, ông Tư Vũ lo lắng: “Bà thấy trong người không khỏe hay sao?”. Bà Tư Vũ nở nụ cười hiền hậu: “San báo đã hoàn thành luận văn thạc sĩ trước thời hạn, sẽ trở lại Sài Gòn vào mùa lá đỏ này. Nhà mình về quê ăn tết nghe ông”.
Truyện ngắn của THẢO NGUYÊN