Bắt đầu công việc dạy tiếng Việt cho người Nhật, dù tôi chuẩn bị kỹ nhưng nhiều lúc cũng “đứng hình” với câu hỏi của học viên. Nhiều điều tưởng dễ, vì mình nói hằng ngày, vậy mà ngẫm ra mới thấy đủ chuyện rối rắm, lạ kỳ.
Nói “nhà ở ngoài Hà Nội” có khi nghĩa là ở bên trong Hà Nội. Mình ở miền Nam hay miền Trung mà nói thì ai cũng hiểu thế. Tiếng Anh, tiếng Nhật không vậy.
Nói ngồi dưới đất lại là ngồi bên trên mặt đất. “Có con thằn lằn trên mái nhà kìa” khả năng cao con thằn lằn đang vắt vẻo… dưới mái. Ngồi xuống ghế hay ngồi lên ghế đều vậy, đều là ngồi vào ghế cả.
Hay nhiều lúc tréo ngoe như “thức dậy” và “ngủ dậy” như nhau. “Quên khóa cửa” và “quên không khóa cửa” đều là đã quên chuyện khóa cái cửa. “Đánh bại” hay “đánh thắng” đều thắng cả.
Món thịt heo cuốn bánh tráng nhưng thực tế lại lấy bánh tráng cuốn thịt heo rồi chấm mắm nêm ăn. Nhìn nhau, đánh nhau, nhưng phải ăn với nhau, chơi với nhau. Chơi nhau nghĩa khác liền.
Học viên nhắn: “Nhờ thầy nhìn giúp bài tập”. Hiểu rồi, nhưng anh chị phải sửa lại nhé, không “nhìn bài tập”, phải “xem bài tập”.
“Nhìn” là hướng mắt về phía nào đó thôi, “xem” không chỉ nhìn, mà còn tóm lấy cái nội dung cái mình xem nữa, như xem ti vi, xem tranh, xem kịch…
“Tìm việc” hay “kiếm việc” được nhưng đừng nói “đi làm tìm tiền” nhé. “Tìm” chỉ nhằm xác định vị trí của đối tượng, như tìm ra châu Mỹ, tìm đồ đánh mất. “Kiếm” không chỉ vậy, còn hàm nghĩa lấy cái đó về cho mình, hay để có mối lợi cho mình.
Chân, giò, cẳng tưởng giống mà không giống đâu. Bún giò chớ không ai nói bún chân bún cẳng. Nhưng cặp chân cô ấy đẹp với cặp giò cô ấy đẹp đều dùng được. Té gãy cẳng vẫn ổn. Vậy mà khen cẳng em đẹp là… sưng giò liền.
Trong câu “nhà ở ngoài Hà Nội”, “ngoài” không bổ nghĩa cho “Hà Nội” để tạo thành cụm danh từ. Nhà ở đâu? Ở ngoài, chớ không ở trong đây. Là ở đâu? Ở Hà Nội.
“Ngồi dưới đất” cũng vậy. Ngồi ở đâu: ở dưới (là phía thấp, phần thấp của không gian mình đang nói, ở đây là tổng thể ngôi nhà). “Dưới” thì cụ thể là ở đâu: đất.
Kiểu câu như thế, nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo gọi là kiểu câu đề - thuyết, xuất hiện rất nhiều trong văn nói hằng ngày tiếng Việt, hầu như không thể lý giải bằng kết cấu chủ - vị thông thường.
Đưa ra vấn đề, rồi khai triển, bổ sung ý nghĩa, giải thích, “thuyết” cho cái “đề” đó. Mình bị bệnh mà sao “đi khám bác sĩ”.
Trước hết là “đi”, cụ thể hơn mục đích của đi: khám, rồi cụ thể hơn, khám ở đâu: bác sĩ. Với bối cảnh cuộc nói chuyện, người Việt ai cũng hiểu vậy ngay, không ai nhầm thành khám cho ông bác sĩ.
Với văn viết, rời khỏi bối cảnh, phải xử lý cho rõ nghĩa, còn trong đời sống hằng ngày vậy là đủ, vậy mới là tiếng Việt!