Lá rách đùm lá te tua và cổ tích về tình người

KHÁNH TƯỜNG 07/05/2017 10:04

“Lá lành đùm lá rách” thì đã đành. Đằng này đúng nghĩa lá rách đùm lá te tua, khi hai người đàn bà xa lạ, tuổi gần đất xa trời ở Quảng Nam ra Đà Nẵng kiếm cơm qua ngày rồi gặp nhau, quý mến nhau, thương nhau, đùm bọc nhau còn hơn cả người thân ruột thịt. Giữa thời buổi này, họ cùng viết nên một câu chuyện đẹp như trong cổ tích về tình người…   

Bà Quế chăm sóc bà Anh tại phòng trọ.Ảnh: K.T
Bà Quế chăm sóc bà Anh tại phòng trọ.Ảnh: K.T

Tình người vé số

Xóm trọ nghèo ở hẻm 250 đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) một tối tháng 4 nóng như có lửa thiêu, gần như mọi người tập trung ra cả hành lang trước sân để hứng gió trời, ngoại trừ căn phòng khoảng 10m2 của bà Nguyễn Thị Quế. Thấy khách, bà Quế dìu một người phụ nữ trạc tuổi mình đang nằm gần như bất động trên nệm nước ngồi dựa lưng vào tường. “Bà ấy tên là Anh - Trần Thị Anh, quê ở tận trên Quế Lộc của huyện Nông Sơn, không còn bà con thân thích. Bà ấy đi bán vé số, bị tai nạn gãy chân nằm ngoài chợ, không ai chăm sóc nên tui ôm về đây” - bà Quế dịu dàng giới thiệu, trong khi tay cẩn thận vuốt lại bộ đồ nhàu nhĩ, chải lại đầu tóc bạc trắng, rối xoăn của bà Anh vì cả ngày nằm một chỗ.

“Nhìn ri chứ khó tính lắm, nặng tay, nặng lời chút thôi là bà ấy hờn không nói chuyện, có khi còn không thèm ăn” - bà Quế dịu dàng trách bà Anh với khách. Bà Anh cười: “Tại những lúc đó tui đau quá, không làm chủ bản thân được”. Bà Quế cười kể tiếp: “Tuổi già tính nết thất thường, vui đó rồi buồn đó chẳng lý do. Có hôm tui đi bán về nhà muộn, giận dỗi thế nào, bà ấy không chịu ăn uống gì, nằm im lìm, xoay mặt vô tường khóc nức nở. Tôi tức quá rầy mấy tiếng chẳng ngờ bà ấy còn khóc to hơn khiến tui không biết làm chi ngoài khóc theo”.   

Bà Trần Thị Anh rời Quế Lộc về Đà Nẵng kiếm sống cách đây hơn 2 năm. Năm ấy bà Anh tròn 80 - tuổi đúng ra phải ở nhà để an dưỡng được ngày nào hay ngày đó. Hỏi, bà Anh không trả lời mà chỉ rơm rớm nước mắt. Bà Quế thấy vậy trả lời hộ: “Bà ấy chẳng chẳng có nhà cửa, chồng con, nghe đâu có đứa cháu xa đang làm công nhân chi đó ở Đà Nẵng nhưng hơn 2 năm nay không thấy tới lui”. Những ngày đầu, bà Anh thuê nhà trọ rồi đi bán vé số. Khổ nỗi, bán vé số thì cũng phải có vốn nhưng tiền trong túi bà Anh chỉ đếm được con số mấy chục ngàn nên chỉ còn cách “nài” lại của đồng nghiệp mấy tờ vé số giá gốc, sau đó bán lấy lời rồi dùng tiền lời mua thêm… Bà Quế bảo “buôn bán kiểu đó khác chi ăn xin nhưng ngày cũng không kiếm được bao nhiêu tiền”. Thấy thương, bà Quế, thời điểm đó cũng tròm trèm 75 tuổi; cũng xa nhà tận Đại Thạnh (Đại Lộc) một mình xuống Đà Nẵng bán vé số, bèn cho bà Anh mượn một ngày khoảng trăm vé để bán, cuối ngày bán được bao nhiêu trả lại vốn, còn lại bà Quế mang vé trả đại lý. Bà Quế, gia cảnh có khá hơn bà Anh một chút khi ở quê còn có nhà riêng, còn 3 con (2 trai 1 gái) đã dựng vợ gả chồng. Tuy nhiên “tụi hắn khổ lắm, cũng lay lắt bữa đói bữa no, không nương tựa được ai nên tui phải về Đà Nẵng để tự mình kiếm sống được ngày mô hay ngày đó” - bà Quế trả lời thắc mắc của tôi rằng vì sao tuổi này rồi mà vẫn còn phải tha phương cầu thực?

Người dưng nuôi nhau

Từ ngày được bà Quế cho “mượn vốn”, cuộc sống của bà Anh tươi hồng hơn một chút, nhưng rồi cũng chỉ “hồng” chưa được tròn năm.  Bởi bất ngờ một ngày, bà Quế trên đường đi bán vé số dạo thì bị xe máy tông gãy chân. Tuổi 80 cộng với trắng tay thì gãy chân đồng nghĩa với liệt dù đã đi về bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Bà Anh nằm một chỗ và hầu như ai cũng coi như bà chết rồi hoặc sắp chết. Nhưng tai họa thì vẫn chưa chịu buông tha khi chủ nhà trọ lo sợ bà Anh sẽ chết trong nhà mình nên không cho bà ở nữa. Bà Quế, lúc này bỗng dưng trở thành người nhà bất đắc dĩ, đã đến đưa bà Anh đi ở nhờ trong căn phòng của một người bạn ở khu trọ khác. “Ở được mấy hôm, nghe đâu chính quyền địa phương xuống có ý kiến, hình như nói trên địa bàn phường mình mà có một người vô gia cư chết thì không ổn. Tui thấy có mấy chú công an nói răng đó với chủ nhà rồi chủ nhà lại bảo bà Anh thôi thì đi tìm chỗ khác mà thuê…” - bà Anh nhớ lại. Không còn cách nào khác, bà Anh nhờ hàng xóm dìu ra trú tạm ở một cái sạp trong chợ An Cư 2 thuộc quận Sơn Trà.

“Chiều đó tui đi bán vé số ngang chợ An Cư 2 và không tin vào mắt mình khi thấy bà Anh trong bộ dạng gầy mòn, nằm co quắp như cái xác trên sạp” - bà Quế kể. Sau khi nghe bà Anh kể chuyện, bà Quế cứ đi tới đi lui vỗ trán nhăn mày hỏi “chỗ khác là chỗ mô chừ?”. Bà Quế hỏi lui hỏi tới một hồi thì đưa ra một quyết định bất ngờ: “Chỗ khác” chính là căn phòng trọ khoảng 10 mét vuông mà bà đang thuê ở hẻm 250 Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). “Cũng may là chủ nhà theo đạo Tin lành nên không kiêng cữ gì” - bà Quế kể.  

Sau lần bị xe tông, chân bà Anh không lành được, ngày mỗi teo tóp và bà gần như nằm liệt giường. Mọi việc từ vệ sinh, tắm giặt, ăn uống… đều một tay bà Quế lo liệu. Mỗi một ngày mới, sau khi vệ sinh tại chỗ cho bà Anh, bà Quế chạy vội ra đầu ngõ mua mấy ngàn bún hoặc mì về để đó cho bà Anh rồi tất tả đi lên đại lý lấy vé số. Trưa lại tranh thủ ghé chợ mua gì đấy cho hai người rồi tất tả về phòng lo bữa trưa. Ăn xong vơ vội chén bát lại ôm xấp vé số ra đường. Chiều về lại cơm nước, tắm giặt… cho cả hai người. Nghe nhắc chuyện tắm giặt, bà Anh khoe: “Tui nằm liệt hơn năm nay nhưng không ghẻ lở là nhờ bà Quế vệ sinh, rửa ráy thường xuyên đó”. Tối đến, hôm nào bà Anh khỏe thì bà Quế còn chợp được mắt. Chẳng may gặp lúc trái gió trở trời, bà Anh ôm vết thương rên rỉ, gào khóc… là bà Quế coi như thức trắng. Đó là chưa kể những lúc như vậy đến bữa còn phải đút, phải dỗ dành như trẻ con nhưng có khi bà Anh còn không chịu ăn. Ai đó hỏi “những lúc đau như rứa thì làm răng?”. Bà Quế lục trong túi xách ra một đống thuốc giảm đau, bảo “biết làm răng ngoài cho uống thuốc giảm đau”. Bà Quế còn bảo thi thoảng có tiền thì ra ngoài quầy thuốc tây đầu đường mua cho bà Anh ít canxi nước về uống. Thắc mắc thì bà bảo “nghe bác sĩ nói rứa chứ biết mô”…  

Không hối hận…

Nhân nhắc chuyện “thi thoảng có tiền”, bà Quế kể hồi bà Anh mới bị tai nạn cách đây hơn một năm, nhờ có một số tờ báo biết đưa tin nên bà Anh được một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện đến chia sẻ, động viên, giúp đỡ bằng tiền mặt để chi phí tiền bệnh viện, thuốc men cùng các trang thiết bị hỗ trợ như đệm nước, xe lăn, tả lót… Đặc biệt có một người đàn ông giấu tên ở Đà Nẵng hỗ trợ cho bà Anh mỗi tháng 1 triệu đồng gồm 500 ngàn đồng tiền ăn và 500 ngàn đồng tiền thuê nhà. “Tuy nhiên mấy tháng nay, do khó khăn quá nên tui bàn với bà Anh lấy luôn tiền đó để trả tiền nhà và điện nước cho 2 người, còn lại ăn uống tui lo” - bà Quế nói. Nghe thấy ái ngại vô cùng bởi tuổi này với nghề vé số, lo cho bản thân còn chưa kham nổi, bây giờ còn gánh thêm bà Anh nữa thì xoay xở kiểu gì? Bà Quế cười buồn: “Thì bữa đói bữa no qua ngày chứ biết làm răng chừ?”.

Tôi cố kìm nén tiếng thở dài. Không khí trong phòng bỗng chùng xuống. Một lúc, ông Sáu - hàng xóm của bà Quế góp chuyện: “Tui sống đến nay gần 50 tuổi nhưng chưa thấy ai lạ như bà Quế. Bà ấy chăm sóc, lo lắng cho bà Anh còn hơn cả chị em ruột thịt. Cực khổ không kể xiết nhưng tui chưa khi mô nghe bà ấy than phiền một lời, thậm chí còn bỏ ngoài tai bao lời dị nghị của hàng xóm và con cháu...”. Hỏi khổ thế này, bà có bao giờ cảm thấy hối hận khi đưa bà Anh về cưu mang không? Bà Quế đáp ngay: “Không hối hận!”. Im lặng một lúc bà mới cười buồn buồn: “Là cái số tui nó thế. Chắc kiếp trước tui nợ nần chi bà Anh nhiều lắm nên kiếp ni ông trời bắt trả cho hết, cho xong mới được chết”. Hỏi tiếp chuyện tương lai, bà Quế lại cười: “Thì sống được ngày mô hay ngày đó. Khi mô bà ấy không sống nữa thì tui  nhờ người, xin xe chở ra nghĩa địa, sau đó bàn thờ gửi lên chùa nhờ người ta hương khói…”.

Dù lay lắt, nhưng bà Quế đã viết lên một câu chuyện đẹp như cổ tích về tình người trong thời buổi kim tiền. Nhưng để chuyện của bà Quế, bà Anh được đẹp hơn, có hậu hơn… thì cần lắm những tấm lòng nhân ái, sự chung tay bằng vật chất của các nhà hảo tâm xa gần…

KHÁNH TƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lá rách đùm lá te tua và cổ tích về tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO