Lá thư từ Côn Đảo

19/12/2012 14:58

Đã hơn 40 năm, hình ảnh liệt sĩ Bùi Súy vẫn còn “hiển hiện” qua từng nét chữ trong bức thư gửi đi từ một địa chỉ đặc biệt: nhà tù Côn Đảo.

Bùi Súy, sinh năm 1927, quê Tam Thanh (Tam Kỳ). Mới 18 tuổi, ông đã lên đường tham gia kháng chiến, cùng đội quân ghe bầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, tài liệu và chuyên chở cán bộ từ Trung ương, Quân khu V vào chiến trường ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Qua hơn 10 năm vật lộn với những cơn sóng dữ và sự truy đuổi gắt gao của địch, với lòng gan dạ, kiên trung bất khuất, ông đã cùng đồng đội vận tải hàng chục tấn hàng, vũ khí và đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường an toàn. 

Ông Bùi Đắc Thanh (người ngồi) bên ngôi mộ cha tại nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Ảnh: N.Đ.NGỌC
Ông Bùi Đắc Thanh (người ngồi) bên ngôi mộ cha tại nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Ảnh: N.Đ.NGỌC

Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn và sức khỏe của bản thân bị giảm sút, một ngày trung tuần tháng 5 năm 1956, ông được tổ chức giải quyết cho chuyển về hoạt động cách mạng quê nhà. Mười hai năm làm cán bộ an ninh xã, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1968, trong khi làm nhiệm vụ tại xã Bình Hải (Thăng Bình), ông không may bị địch bắt giam cầm tại nhà lao tỉnh Quảng Tín. Địch dùng mọi thủ đoạn cực kỳ nham hiểm nhưng không khai thác được gì, đến năm 1969 chúng chuyển ông vào khám Chí Hòa (Sài Gòn) tiếp tục giam cầm và tra tấn dã man. Người cộng sản kiên trung này vẫn một mực không khai các cơ sở cách mạng, liền bị giặc đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm tại phòng số 13, Trại 6 thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), ông tiếp tục bị địch dùng mọi cực hình tra tấn hoặc bắt đi lao động khổ sai sau mỗi lần chống đối không chào cờ của địch, không chịu hô khẩu hiệu phản động… 

Bị địch đánh đập nhiều lần thừa sống thiếu chết, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung. Sức khỏe ngày càng suy kiệt, vào một buổi chiều ngày 23.4.1971, ông đã trút hơi thở cuối cùng trước sự tiếc thương vô hạn của hàng ngàn chiến sĩ đang bị địch bắt giam cầm tại “địa ngục trần gian” này. Dưới mưa xuân lất phất, hàng chục bạn tù gạt nước mắt lặng lẽ đi dọc theo những hàng dương rũ lá trên hòn đảo đầy đau thương uất hận tiễn biệt người bạn chiến đấu về cõi vĩnh hằng. Thi thể của ông được đồng đội chôn cất cẩn trọng, có bia mộ hẳn hoi, không bị thất lạc, cho nên sau năm 1975 thân nhân gia đình nhanh chóng tìm được mộ và lo hương khói. Ông may mắn hơn các bạn tù khác khi không ít người hy sinh bị địch đem thi thể vùi dập đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt. Theo ông Nguyễn Trường Cửu (cựu tù Côn Đảo hiện ở tại thôn Tỉnh Thủy, Tam Thanh), quá xót thương cho những số phận của người tù mà ai đó đã thốt lên: “Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi”.

Trong thời gian sống ở nhà tù Côn Đảo bị kiểm soát nghiêm ngặt nhưng ông Bùi Súy vẫn tìm mọi cách để viết thư gửi về cho gia đình, người thân bằng những lời lẽ hết sức tự tin về một tương lai tươi sáng của dân tộc. Đặc biệt nhất phải kể đến lá thư đề ngày 10.3.1971, tức lá thư cuối cùng ông gởi về thăm sức khỏe các anh ruột với lời lẽ hết mực thương yêu nhưng đầy nước mắt, như linh cảm báo trước điều không lành của một người trước lúc đi xa.

Thư có đoạn viết: “Đáng lẽ em nhiều lần và nhiều lời gửi về hầu thăm các anh mới phải nhưng em rất ngại, mong các anh thông cảm và miễn chấp cho. Qua năm Tân Hợi, tháng 1 rồi đến tháng 2 giữa mùa xuân mới em mạnh dạn gửi đôi lời ngắn về hầu thăm và cầu chúc các anh đây. Trước tiên, kính cầu chúc các gia đình anh, chị được vạn sự an lành, làm ăn gặp nhiều may mắn và tấn phát. Các cháu luôn mạnh giỏi, học hành tiến tới, mau lớn.

Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Bùi Súy gửi về cho gia đình trước khi hy sinh.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Bùi Súy gửi về cho gia đình trước khi hy sinh.

Thưa các anh, chị: từ ngày em xa nhà... lòng em luôn tưởng nhớ, nhớ các anh, chắc các anh, chị cũng nhớ đến em lắm. Nên các anh giúp đỡ cho Út (vợ của liệt sĩ Bùi Súy - NV) và các con tôi rất nhiều về mọi mặt, em nhớ công ơn kính quý đó và tiếp đến các anh còn giúp đỡ nhiều hơn nữa nhất là mẹ hiền khi già yếu và tương lai khi em về anh, chị cùng các cháu nhất định sẽ giúp nhiều việc hơn nưa…”.

Lá thư cuối cùng mà ông Bùi Súy gửi về hơn 1 tháng trước khi hy sinh, hiện được ông Bùi Đắc Thanh (con trai) lưu giữ tại gia đình ở khối phố 5 phường An Xuân (Tam Kỳ). Không chỉ lưu giữ cẩn thận, nguyện vọng của gia đình là muốn góp những bức thư này vào  Bảo tàng huyện Côn Đảo, xem như chứng tích của lòng yêu nước.

Mộ của liệt sĩ Bùi Súy hiện ở tại khu C, nghĩa trang Hàng Dương cùng với hàng trăm ngôi mộ có tên và không tên khác. Bia mộ khiêm tốn nằm cận kề bên nhau, giống như những ngày các anh chị còn nằm trong xà lim. Nghĩa trang Hàng Dương đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Do vậy, thời gian đến tất cả lá thư mà liệt sĩ Bùi Súy đã gửi về cho gia đình và những người thân trong những năm tháng bị giam cầm được coi là “di tích sống” cần đưa vào Bảo tàng huyện Côn Đảo, để lưu giữ chứng tích về lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu mai sau.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lá thư từ Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO