Lá vẫn hát trong chiều lá rụng

LÊ ĐỨC THỊNH 17/12/2023 10:00

“Khúc cho lá” (NXB Đà Nẵng, 2023) là tập thơ thứ hai của Hồ Xoa, tiếp sau “Hạt nắng lưng chiều” (NXB Văn học, 2018) - vẫn giọng thơ: “Ta hồn nhiên ru đời mình/ Bên chiếc nôi thơ/ Như em vẫn hồn nhiên đi/ Trên chiếc cầu đã gãy” (Tự khúc).

Tập thơ “Khúc cho lá” của tác giả Hồ Xoa.
Tập thơ “Khúc cho lá” của tác giả Hồ Xoa.

Tôi nghĩ điều gây ấn tượng nhất ở thơ Hồ Xoa là cảm xúc từ các sự việc, cảnh vật, con người mà anh nhìn thấy, chạm vào, lắng nghe trong không gian tự nhiên với núi rừng, sông suối, cỏ cây, vườn tược. Nơi anh mưu sinh và gắn bó, nơi cho anh nguồn cảm xúc để lưu giữ và giãi bày.

Chắc hẳn đó không chỉ đơn thuần là những mô tả, tự sự hay trạng thái tâm hồn mà là những hiện tượng của thực tại được nhà thơ giao cảm trong cảm thức “Thi ca sinh thái” (ecopoetics): “Ngày lạc lõng anh về trên bến lạ/ Thương đời mình, hay thương dòng sông?/ Lá vẫn hát trong chiều lá rụng/ Trôi về cuối trời, còn mùa thu nào không” (Khúc cho lá).

Thơ Hồ Xoa là những hòa quyện đầy bất ngờ của cảnh và người - ngỡ ngàng, thi vị. Chúng ta nhìn thấy mọi thứ đang chuyển động trong những trường cảm xúc mới lạ và đẫm chất thơ - điều mà nhà thơ Mỹ, Waldo Emerson diễn ngôn trong câu: “Thiên nhiên và sách thuộc về những đôi mắt đã nhìn thấy chúng” (Nature and books belong to the eyes that see them).

Vậy nên tôi muốn đọc thơ Hồ Xoa từ góc nhìn “Sinh thái học lãng mạn” (Romantic ecology) để nhận ra những hình tượng thơ được cất lên từ cỏ hoa, ngân vang trong núi đồi, kích hoạt những giao cảm, tái tạo những phản chiếu của đời sống rồi chữa lành những dấu chân đau trong thinh lặng: “Mai bỏ rừng xanh đi xuống phố/ Tìm xác một vài dấu chân đau/ Hội An lá rụng hồn cổ tự/ Từng giọt từ bi rớt xuống ngày” (Gió Hội An).

Thơ Hồ Xoa trầm buồn nhưng ít đớn đau, đầy nhạc tính nhưng không quá nhiều điệp khúc dễ bị lướt qua, câu chữ đâm chồi từ đối thể sinh thái nhưng không lặp hình tượng… Đó là những nốt nhạc của một bản ballad đầy chất thơ thuộc về tự nhiên thuần khiết trong mối quan hệ với hồn người, lay thức mà không cần neo buộc: “Còn lại đó những cánh đồng chưa cày cấy/ Hoa cỏ đồi hoang trổ nhánh điêu tàn/ Con đường nào lấm lem cát bụi/ Góc chùa xưa bầy chim sẻ nghe kinh” (Tháng ngày của mẹ).

Tôi nghĩ những bài thơ trong “Khúc cho lá” đã lấy đi nhiều công sức của anh - tựa như công việc mưu sinh hiện tại đòi hỏi ở anh sự kiên trì và sức khỏe. Thế nhưng thực ra khi đọc, chúng ta chẳng bao giờ nhận thấy dấu vết của nỗ lực bởi nó giản dị như đất đai, lắng đọng như rừng im tiếng ve, giao cảm từ linh hồn ký tự mà không cần phô diễn con chữ với những ẩn ngữ.

Dẫu vậy chúng vẫn mới mẻ ở lằn ranh “bán cổ điển” (semi-classical) và đủ sức chinh phục hai khuynh hướng tiếp cận truyền thống - hiện đại ở độc giả: “Chiều vẫn hồn nhiên nói lời mây trắng/ Bến vẫn ngày xưa ru khúc bãi cồn/ Chú dế hồn nhiên dỗ dành ngọn cỏ/ Ru ta một đời... chẳng lớn khôn hơn” (Tự khúc).

Với “Khúc cho lá”, tôi liên tưởng thơ Hồ Xoa như dòng sông - xưa cũ, đổi thay, va đập, miên viễn nhưng con nước thì luôn mới mẻ và làm đẹp những bãi bờ mà nó đi qua: “Em vẫn Hà Tân/ Sông vẫn cũ/ Những hẹn hò lờ lững nước sông trôi/ Không còn chiến tranh/ Vẫn còn những ngày buồn giấu mặt/ Mà Hà Tân trẻ hơn ngày xưa”. (Về Hà Tân).

Và cuối cùng, tôi thành thật xin lỗi bạn thơ vì đã nói hớt đôi điều - thật kiệm ngôn - mà đúng ra nó thuộc về sở cảm của bạn. Và chắc chắn không bao giờ chúng ta có đủ lời vừa vặn cho nhau. Dẫu vậy, tôi cũng xin cảm ơn tác giả đã cho tôi có hân hạnh đọc trước và viết những lời này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lá vẫn hát trong chiều lá rụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO