Tổng thu ngân sách nhà nước, tốc độ giải ngân vốn đầu tư năm 2014 được cho là khá khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng cũng là thách thức lớn để đạt được sự tăng trưởng cho năm 2015.
Lạc quan...
Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố, tất cả khoản thu nội địa, xuất nhập khẩu hay thu để lại chi qua ngân sách đều vượt dự toán năm 2014. Nếu như kết toán ngân sách năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ bằng 96,4% dự toán thì tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2014 đã đạt đến con số trên 8.241 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 2.390 tỷ đồng và ngân sách địa phương trên 5.850 tỷ đồng), vượt 22,45% dự toán. Thu nội địa chiếm ưu thế với hơn 5.522 tỷ đồng, tăng 14,34%. Ngoại trừ 4 khoản thu (doanh nghiệp FDI, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế môi trường) chưa thể đạt kế hoạch khi chỉ chiếm 74,76 - 95,29%, các khoản thu còn lại (doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân, thu từ đất) đều vượt 100% dự toán. Tăng trưởng tỷ lệ mạnh nhất có thể kể đến thu xuất, nhập khẩu khi đạt đến 149,87% dự toán.
Tiến độ thi công công trình chậm chạp khiến không thể đạt tiến độ giải ngân như dự định. Ảnh: T.D |
Sự tăng trưởng của việc thu ngân sách năm nay cho thấy doanh nghiệp đã phần nào chủ động, vượt thoát khó khăn, đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng gia tăng. Doanh nghiệp có thể chủ động tính toán trong mọi quyết sách làm ăn, dự báo được khả năng trồi sụt của thị trường, nâng cao năng lực cảnh báo, phòng ngừa, củng cố cung cách kinh doanh lành mạnh, năng lực chấp pháp và cạnh tranh bài bản hơn. Ông Lê Xuân Khanh – Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho rằng những nỗ lực cho đầu tư phát triển của cả Nhà nước và cộng đồng kinh tế thời gian qua đã tiếp lực cho sự tăng trưởng của năm 2014, nhất là tăng thu nội địa, đây là dấu hiệu tốt của nền kinh tế.
Con số thống kê thanh toán vốn đầu tư, chương trình mục tiêu 2014 dù được đánh giá khá tốt, chiếm vị trí trong tốp 10 cả nước, nhưng tỷ lệ cũng chỉ dừng ở 81% và còn khá nhiều dự án có thể kết thúc năm mà không giải ngân được đồng vốn nào dù UBND tỉnh liên tục thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Các cơ quan quản lý có lý do để chưa thể an tâm khi con số dư nợ tạm ứng chi ngân sách nhà nước năm 2014 đã khoảng hơn 1.033 tỷ đồng để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên, trong đó số nợ tồn đọng từ năm 2010 trở về trước của các hợp đồng hết hiệu lực khoảng hơn 69,1 tỷ đồng khó có thể thu hồi, quyết toán hay hoàn ứng được. Con số tạm ứng tăng cao (chưa kể đến số nợ đọng xây dựng cơ bản cũng đã trên 3.000 tỷ đồng), đồng nghĩa với việc ngân sách năm sau đều phải cân đối để trả nợ, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt kinh phí để tiếp sức cho các dự án dở dang hoặc đầu tư dự án mới cho những năm tiếp theo.
Chưa thể yên tâm
Theo nhận định của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, con số giải ngân không thể đạt 100% nhưng kết quả này cũng đã cho thấy các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, sự giám sát, chỉ đạo của chính quyền khi thực hiện cam kết đẩy nhanh vốn đầu tư đã phát huy hiệu quả. Kho bạc cũng đã từ chối thanh toán 97 món chi không đúng quy định với hơn 10,7 tỷ đồng, bao gồm chi thường xuyên 54 món (hơn 3,2 tỷ đồng) và 43 món chi đầu tư (hơn 7,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, trước tỷ lệ không thể đạt con số giải ngân tối đa cũng đã thể hiện cảnh “không xài hết vốn” ở nguồn vốn đầu tư như một căn bệnh lưu cữu không thể giải quyết nhiều năm qua vẫn cứ tồn tại. Chủ đầu tư, nhà thầu đã viện đủ lý do (những lý do không khác gì các năm trước) là năng lực tài chính yếu, khó tiếp cận vốn vay và sự kéo dài niên độ cấp phát của nhiều nguồn vốn… đã khiến họ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án, dẫn đến công trình cứ ì ạch nhiều năm qua. Ngược với quan điểm của chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền và cơ quan quản lý cho rằng chính thái độ chủ quan của chủ đầu tư, ban quản lý cộng với năng lực điều hành kém, năng lực tài chính yếu đã khiến các dự án không thể đạt được tiến độ thi công khối lượng để đưa đến tốc độ giải ngân cao hơn dự kiến.
Theo ông Lê Xuân Khanh, tình trạng không xài hết vốn kéo dài nhiều năm nay là do năng lực của chủ đầu tư và cả nhà thầu. Cơ quan quản lý đã theo dõi chặt chẽ các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Theo quy định, toàn bộ số vốn ứng quá hạn đều bị buộc phải áp dụng tính lãi suất. Nếu như các nhà thầu không hợp tác thì sẽ chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, chuyện này chỉ trên lý thuyết, dù chế tài này đã được ban hành, nhiều cuộc họp bàn khẩn thiết yêu cầu xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu không sử dụng hết vốn, nhưng việc tính lãi trên số vốn đã được cấp mà không thanh toán khối lượng khi đến hạn vẫn chưa được áp dụng. Kể cả khá nhiều khoản nợ đã chuyển đến các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa thể xử lý được trường hợp nào. Hiện chưa thấy cơ quan nào thống kê đã có bao nhiêu trường hợp bị quy trách nhiệm cụ thể hoặc kỷ luật chủ đầu tư khi không thể hoàn thành nhiệm vụ, để mất vốn nhà nước.
Một nỗi lo khác vẫn khiến cơ quan quản lý không thể yên tâm nhiều khi nhìn thống kê chi ngân sách nhà nước năm 2014 đã bị giảm sút khá nhiều, khi chỉ đạt 92,76% (ngân sách trung ương khoảng 87,74% và ngân sách địa phương 95,24%). Dấu hiệu không mấy lạc quan chính là việc chi ngân sách có tỷ lệ chênh lệch nhau khá lớn giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên (cả ngân sách trung ương và địa phương). Nếu chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương chỉ đạt 73,56% thì chi thường xuyên vượt dự toán 9,02% và chi thường xuyên ngân sách địa phương đã vượt dự toán đến 17,39% thì chi đầu tư phát triển chỉ đạt tỷ lệ 65,98%. Thông qua tỷ lệ này cho thấy chi đầu tư phát triển quá thấp, dẫn đến việc xây dựng hạ tầng cứng, hạ tầng kinh tế, khắc phục sự yếu kém, các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ… không đủ để làm mồi cho việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, chưa thể hiện tiêu chí “đầu tư công là để kiến tạo phát triển”. Đó là một trong những thách thức không nhỏ cho việc hoạch định tăng trưởng của năm 2015.
TRỊNH DŨNG