Ngành thuế Quảng Nam cam kết sẽ thu ngân sách nội địa năm 2022 không thấp hơn số thực thu năm 2021 (19.563,3 tỷ đồng).
Những dự báo khả quan
Ngày 27.1.2022, Thaco tuyên bố năm 2022 mọi chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của tập đoàn tại Chu Lai đều gia tăng nhiều so năm 2021. Cụ thể, sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ tăng 54%; sản xuất, kinh doanh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí tăng gấp đôi (xuất khẩu tăng gấp 5 lần) và sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai tăng 48%.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, tăng trưởng của tập đoàn sẽ kéo theo số nộp ngân sách khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, riêng tại Quảng Nam khoảng 22.300 tỷ đồng, tăng đến 43% so năm 2021 (năm 2021 tổng nộp ngân sách của Thaco tại Chu Lai khoảng 15.613 tỷ đồng).
Theo tính toán và nhận định của các cơ quan tài chính, khủng hoảng đã “nhường chỗ” cho doanh nghiệp dần thích ứng dịch bệnh, đưa nền kinh tế vận hành trở lại bình thường.
Khảo sát của Sở KH&ĐT và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, số doanh nghiệp khó khăn chỉ còn khoảng 20,7%. Khoảng 47,6% doanh nghiệp tạo động lực chính của ngân sách là ngành chế biến, chế tạo dự báo sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn khi số lượng đơn đặt hàng, khối lượng sản xuất đang có xu hướng gia tăng hơn rất nhiều.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong, sẽ có thêm nhiều nguồn đóng góp thuế. Có ít nhất 20 dự án công nghiệp trong các khu kinh tế, hàng trăm dự án đầu tư vùng Đông sẽ tái khởi động sau nhiều năm đứng bánh.
Các dự án vùng Đông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay các dự án động lực khí điện, cảng biển, hàng không, đô thị sân bay Chu Lai... dự kiến có thể thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng.
“Khi hoàn thiện giải phóng mặt bằng, các dự án đầu tư mở rộng, tiền sử dụng đất vùng Đông, các dự án bất động sản sẽ có cơ hội gia tăng. Sản xuất, kinh doanh bia, du lịch, dịch vụ... sẽ dần thoát khỏi suy kiệt để đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương” - ông Phong nói.
Ngoài những biến động theo hướng tích cực của các “địa chỉ” thu thuế mới được dự báo sẽ tốt hơn, cơ quan chức năng đã định lường về năng lực góp thuế của các nguồn thu chính.
Dự báo bia Heneiken Việt Nam - Quảng Nam (chiếm 57,8% số thu FDI) sẽ tiêu thụ khoảng 91 triệu lít; thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đến 866 tỷ đồng, tăng 13,9%. Nam Hội An đã có giao thương, du lịch tốt hơn thông qua “hộ chiếu vắc xin”, sẽ nộp ít nhất 100 tỷ đồng, tăng 17,6%.
Nếu tất cả những dự báo hay cam kết của doanh nghiệp đúng như công bố thì con số thu ngân sách theo kế hoạch 23.700 tỷ đồng cho năm 2022 sẽ không là chuyện quá khó.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Lượng khách du lịch đổ về Hội An tham quan hay lưu trú gia tăng đáng kể vào những ngày đầu năm chưa thể dự báo được điều gì khả quan cho ngân sách. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho ngành du lịch, dịch vụ địa phương hồi phục sau những ngày “xuống đáy”.
Những dữ liệu về số lượng dự án đầu tư gia tăng, số doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi khi chuỗi cung ứng không còn bị đứt gãy, cho phép các cơ quan tài chính lạc quan về ngân sách 2022.
Theo một phân tích khác, ngay cả năm 2021, kinh doanh, sản xuất đình đốn, cộng với những đợt phong tỏa kéo dài giữa các địa phương khiến nền kinh tế lao đao, nhưng đến ngày 31.12.2021, thu ngân sách nội địa của Quảng Nam vẫn đạt hơn 19.563 tỷ đồng, vượt 7,5% chỉ tiêu phấn đấu (18.200 tỷ đồng), thì khi nền kinh tế vận hành bình thường, sẽ không khó để gia tăng ngân sách.
Kế hoạch thu ngân sách nội địa năm 2022 là 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, ngành thuế sẽ không dừng lại ở con số thuế phải thu đã được ấn định, mà xác định ít nhất sẽ thu vào ngân sách năm 2022 không thấp hơn con số thực thu năm 2021 (19.563,3 tỷ đồng).
Như năm 2021, kế hoạch thu 16.000 tỷ đồng, nhưng mục tiêu từ đầu năm của cơ quan này là phải đạt đến 18.200 tỷ đồng như năm 2020. Kết quả tăng thu dựa trên hàng loạt nỗ lực, phương án, giải pháp cụ thể của ngành thuế đã được chứng minh trên thực tế.
Ông Bốn cho hay, số thu năm 2022 ấn định tăng 8,5% sẽ không có gì khó khăn. Cơ quan thuế đã dự lường, xác định dự toán tương đối sát thực tế bằng các địa chỉ cụ thể.
Ngành thuế đã sẵn sàng các kịch bản, phương án tăng thu từ những ngành còn dư địa. Tiếp tục đưa ra các biện pháp đốc thu, xác định giải pháp cụ thể với các nguồn thu, linh hoạt nương theo độ phát triển kinh tế địa phương thông qua con đường nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu mới.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, sẽ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Mọi cơ chế, chính sách sẽ hướng đến thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư. Ngành chức năng theo dõi, phân tích tác động cơ chế, chính sách, biến động của doanh nghiệp, thị trường... để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Sẽ phải nuôi dưỡng nguồn thu và khai thác các nguồn thu mới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thành lập pháp nhân tại địa phương, kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng chây ì, vi phạm, trốn thuế; động viên đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, kịp thời nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.