Nhiều quốc gia Đông Nam Á được đánh giá nằm trong Top 10 của thế giới mức độ lạc quan về Chỉ số niềm tin tiêu dùng (NTD) trong quý 3.2015.
Đó là kết quả khảo sát của Nielsen - công ty hàng đầu thế giới trong việc cung cấp dịch vụ về thông tin thị trường. Chỉ số NTD dựa trên nhiều yếu tố như triển vọng việc làm ở địa phương, tài chính cá nhân, chi tiêu hay mua sắm và được khảo sát từ 30 nghìn đáp ứng viên có sử dụng internet ở 61 quốc gia trên thế giới. Mức độ NTD cao hơn hay thấp hơn mức cơ sở 100 điểm sẽ cho thấy được mức độ lạc quan hay bi quan của NTD vào nền kinh tế.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Philippines lạc quan nhất khu vực Đông Nam Á. ảnh: 123rf |
Trong quý 3 năm nay, mặc dù đã tụt 5 điểm so với quý liền trước nhưng NTD của Philippines được xếp hạng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, đạt 117 điểm và ở vị trí thứ 3 trên toàn cầu. Tương tự, Indonesia giảm 4 điểm so với quý 2.2015 nhưng vẫn đứng giữ vị trí thứ tư với 116 điểm, trong khi Thái Lan đạt 111 điểm, xếp thứ 5 về NTD toàn cầu. Đáng chú ý tại khu vực, NTD của Việt Nam tăng nhẹ, đạt 105 điểm, xếp thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan. Bởi quý 2 trước đó, NTD Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 104 điểm (giảm 8 điểm so với quý 1) - mức giảm lớn nhất so với các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm các chi phí có liên quan đến gas, điện và các khoản chi tiêu giải trí bên ngoài gia đình, cắt giảm các khoản chi tiêu cho quần áo mới và chi phí tiền điện thoại. Hơn 8 trong 10 người Việt (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí, cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng ở thời điểm hiện tại.
Trong quý 3 năm nay, NTD Singapore đạt 101 (tăng 2 điểm so với quý trước), còn Malaysia lại có cú sụt giảm lớn nhất trong khu vực, giảm 11 điểm so với quý trước, đạt 78 điểm và là quốc gia bi quan nhất trong khu vực. Nielsen cho biết, nhìn chung thì NTD của khu vực Đông Nam Á (ngoại trừ Malaysia) vẫn cao (trên 110 điểm) so với mức trung bình của toàn thế giới trong quý 3.2015 là 99 điểm. Regan Leggett - Giám đốc dịch vụ của Nielsen tại khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương nói, NTD ở một số thị trường sụt giảm bắt nguồn từ những quan ngại về nền kinh tế, ổn định chính trị và việc gia tăng giá cả trong tiêu dùng. Nhất là đối với số đông người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau khi dành tiền cho tiết kiệm hay đầu tư kinh doanh thì họ mới chi cho các hoạt động du lịch, mua sắm quần áo mới, sửa chữa nhà cửa, trang bị thiết bị công nghệ…
Đông Nam Á - theo công bố của Nielsen, vẫn là một trong những khu vực để dành tiết kiệm các khoản tiền nhàn rỗi nhiều nhất thế giới. Đặc điểm chung của NTD ở 6 quốc gia được khảo sát trong khu vực này là họ tập trung xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai của họ. Cứ 7 trong 10 người dân tại khu vực có tài khoản tiết kiệm từ số tiền nhàn rỗi. Nhiều nhất là người tiêu dùng Việt Nam với 73% dân số có tiền tiết kiệm trên. Tỷ lệ này ở Philippines là 72%, Indonesia (69%), Singapore và Thái Lan đều ở mức 66%...
QUỐC HƯNG