Lạc quan xuất khẩu lao động

DIỄM LỆ 03/11/2023 09:31

Năm 2023 Quảng Nam đặt chỉ tiêu đưa 1.200 người đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; tính đến giữa tháng 10/2023 toàn tỉnh đã đưa được 1.378 người đi làm việc ở nước ngoài, vượt khá cao so với chỉ tiêu cả năm và là sự đột phá so với các năm trước.

Người lao động được tư vấn về việc làm phù hợp với khả năng của mình. Ảnh: D.L
Người lao động được tư vấn về việc làm phù hợp với khả năng của mình. Ảnh: D.L

Các thị trường chất lượng là Nhật Bản, Hàn Quốc được người lao động các địa phương đồng bằng của tỉnh ưa chuộng. Trong khi đó các huyện miền núi có chuyển biến mới là nhiều lao động đã sang Lào làm việc.

Nhiều lao động miền núi xuất cảnh

Nhiều phiên giao dịch việc làm, điểm tư vấn việc làm theo huyện, xã, thậm chí đến từng thôn được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các huyện, xã và doanh nghiệp phối hợp tổ chức đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tư vấn, đào tạo, đưa người lao động (LĐ) của tỉnh đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.

Sự vào cuộc tích cực của Trường Cao đẳng Thaco trong các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, đã hỗ trợ được 109 LĐ của huyện miền núi Nam Giang sang Lào làm việc trong các nông trường của THACO AGRI.

Theo ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco, nhu cầu nhân sự của Thaco cần ở Lào, Campuchia rất lớn, nên nhà trường luôn tuyển sinh, đào tạo liên tục để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Đợt tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tại cụm các xã biên giới của huyện Nam Giang vừa qua đã giúp nhiều LĐ tiếp cận cơ hội việc làm của THACO AGRI tại Lào. Có 109 LĐ được chọn đã hoàn thành khóa đào tạo và sang Lào làm việc có thời hạn.

Theo ông Tiềm, qua làm việc ở Lào, LĐ được đào tạo thêm dựa vào quá trình sản xuất thực tế trong các nông trường, đồng thời tương lai sẽ trở thành nguồn nhân lực cốt cán tại Lào của Thaco nếu LĐ đủ năng lực đáp ứng được công việc. Người LĐ các xã biên giới của Nam Giang đi làm việc tại Lào cũng góp phần quan trọng cải thiện nguồn thu nhập của gia đình, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Người lao động miền núi tiếp cận với cơ hội việc làm qua các phiên giao dịch tổ chức tại địa phương. Ảnh: D.L
Người lao động miền núi tiếp cận với cơ hội việc làm qua các phiên giao dịch tổ chức tại địa phương. Ảnh: D.L

Anh Arất Kha (xã Chà Vàl, Nam Giang) tâm sự, đợt này anh và một số thanh niên của làng lên đường sang làm việc ở Lào. Đi cùng anh có bạn chung xóm là Alăng Kha và nhiều LĐ khác cùng xã Chà Vàl, các xã lân cận như Tà Bhing, La Dêê, Tà Pơơ, Đắc Pre, Đắc Pring...

“Vì nhiều LĐ cùng đi một lần, qua làm việc được ở chung với nhau nên cũng đỡ nhớ nhà. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để giúp gia đình ở quê có thêm nguồn thu nhập” - Arất Kha nói.

Kết nối thị trường

Qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, có 186 LĐ đã đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, góp một phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh.

Thông qua trung tâm, nhiều người đi Hàn Quốc bằng Chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài (EPS) với sự phối hợp giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Nhiều LĐ cũng đi Nhật Bản bằng Chương trình IM Japan theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản. Các chương trình này đều được thực hiện các bước sơ tuyển LĐ, đào tạo và xuất cảnh rất chặt chẽ.

Theo ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2023 này trung tâm đã tăng cường về cơ sở để tổ chức các điểm giao dịch việc làm theo cụm, nên người LĐ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm trong và ngoài nước.

Đặc biệt, với việc đưa LĐ xuất cảnh qua kênh của trung tâm phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp, đã mang lại việc làm tốt cho người LĐ, nhất là LĐ ở vùng nông thôn, miền núi. Khi trung tâm tổ chức điểm giao dịch, sàn giao dịch việc làm đều phối hợp với chính quyền địa phương, nên người LĐ yên tâm hơn khi được tư vấn, ký kết hợp đồng LĐ.

Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 11/10, toàn tỉnh có 1.378 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (chỉ tiêu năm 2023 là 1.200 LĐ); trong đó nhiều nhất là đi làm việc tại Nhật Bản với 1.081 LĐ, Lào 109 LĐ, Hàn Quốc 69 LĐ và các thị trường khác như Canada, Đài Loan, Singapore, Saudi Arabia.

Đặc biệt, ở huyện miền núi Nam Trà My, sự hợp tác giữa địa phương với quận Hamyang (tỉnh Gyeonsangnam, Hàn Quốc) đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều LĐ được đưa đi làm việc thời vụ tại Hamyang và có nguồn thu nhập đáng kể bản thân và gia đình.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc hợp tác đưa LĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc của huyện Nam Trà My đã thu hút sự quan tâm và mong muốn tham gia của nhiều địa phương do thời gian đi làm việc ngắn (dưới 1 năm) nên người LĐ không xa gia đình lâu; ngành nghề, công việc phù hợp với người LĐ của tỉnh như thu hoạch nông sản, đánh bắt cá, sản xuất hàng thủ công, chế biến thực phẩm….

Để hỗ trợ người LĐ, HĐND tỉnh đã ban hành Quy định cho vay nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người LĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. Chính sách mới này thực sự là nguồn hỗ trợ thiết thực đối với người dân có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng còn khó khăn về tài chính; góp phần thúc đẩy giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lạc quan xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO