Tính đến cuối tháng 6.2014, tất cả 16 hộ dân thôn 8B (xã Phước Lộc, Phước Sơn) đã bỏ làng vào rừng sống phân tán do lo sợ trước những “cái chết xấu” xảy ra tại địa phương trong thời gian đây.
Bỏ làng
Nhận được thông tin, chúng tôi có mặt tại thôn 8B (xã Phước Lộc) để tìm hiểu sự việc. Theo chính quyền xã Phước Lộc, việc 16 hộ dân với hơn 90 nhân khẩu của thôn 8B bỏ nhà di chuyển đến các địa điểm khác dựng lều bạt sống tạm bợ bắt nguồn từ 7 cái chết xảy ra từ năm 2009 đến nay mà người dân cho là “chết xấu”. Việc di cư này không xảy ra đột ngột mà lặng lẽ kéo dài, bắt đầu từ năm 2013 khi trong làng liên tiếp xuất hiện những cái chết “bất thường” của trẻ con, và đến thời điểm này tất cả 16/16 hộ rời bỏ làng cũ. Sống phân tán, rời rạc, có hộ dựng chòi tạm bợ cách chỗ ở trước đây vài chục mét, có hộ di chuyển vào tận rừng sâu.
Những căn nhà của thôn 8B bị bỏ hoang lâu nay.Ảnh: V.HÀO |
Theo chỉ dẫn của chính quyền xã Phước Lộc, chúng tôi tiếp cận hiện trường thôn 8B. Nơi này đang đìu hiu với cảnh tượng “vườn không nhà trống”. Những căn nhà gỗ mục, xập xệ, cỏ mọc um tùm xung quanh và luôn khóa chặt cửa. Nhiều khu đất trống, chỉ trơ trọi những nền móng nhà sau khi người dân đã phá dỡ. Im ỉm không một bóng người, một khung cảnh đối nghịch hoàn toàn với cuộc sống của người dân thôn 8A (xã Phước Lộc) ngay bên cạnh. Các hộ dân dựng lều sống tạm bợ không tập trung tại một vị trí nhất định mà phân tán rải rác. Việc di chuyển địa điểm sinh sống khiến cuộc sống bà con bị xáo trộn.
Ông Hồ Văn Sách - Trưởng thôn 8B cho biết, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, trong thôn có 3 trẻ em và 4 người lớn chết một cách “bất thường”. Theo ông Sách, căn do sự việc là xuất phát từ mâu thuẫn của một người dân ở thôn 8A với bà con thôn 8B. “Vào năm 2009, cho rằng đám con nít thôn 8B sang bẻ trộm cây mía nên một người dân thôn 8A đã cúng quảy và rải tiết gà trắng làm “bùa phép”. Thế là những năm sau đó, thôn chúng tôi “gặp hạn”, liên tiếp có những cái chết đột ngột, không có lý do. Vì sợ “con ma” nên các hộ dân lần lượt bỏ nhà để di chuyển đến chỗ khác sinh sống” - ông Sách lý giải. Theo già làng Hồ Văn Hạnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc, theo quan niệm tại một số nơi, khi có mối hiềm thù với ai, chỉ cần cúng quảy rồi bắt con gà trắng cắt lấy tiết đem rảy quanh ngôi nhà người đó thì gia đình đó sẽ “gặp hạn”.
Sẽ dựng làng mới
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, Trung tâm Y tế huyện vừa có chuyến công tác đến khu vực nhân dân thôn 8B (xã Phước Lộc) chọn làm nơi ở mới để khám, phát thuốc, đồng thời giúp bà con hiểu hơn về cách điều trị bệnh tật thông qua thuốc men chứ không phải hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Còn về mặt bằng để xây dựng lại làng mới, ông Hà cho biết địa phương đang phối hợp với xã Phước Lộc tiến hành san ủi mặt bằng mới tại thôn 8B trong tháng 7 này. “Đáp ứng nguyện vọng bà con, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người dân có làng mới, từng bước ổn định tư tưởng; đồng thời huyện sẽ chỉ đạo cho xã Phước Lộc giúp sức cho người dân trong việc dựng lại nhà cửa trong thời gian tới để ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Hà nói. |
Để trấn an, ổn định tư tưởng cũng như vận động người dân quay về nơi ở cũ, chính quyền xã Phước Lộc đã cắt cử nhiều cán bộ lặn lội vào tận rừng sâu để thuyết phục từng gia đình, song đều thất bại. Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, nhưng cái khó ở đây là 16 hộ dân này sống phân tán nên việc tổ chức họp dân rất khó khăn. “Đây là vấn đề mà địa phương quan tâm đặc biệt, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên huyện để cùng bàn phương án giải quyết hợp lòng dân. Các hộ sống di tản như vậy sẽ khó khăn về sản xuất, họp hội, rồi việc đi lại học hành của con trẻ cũng gặp khó khăn…” - ông Toàn chia sẻ. Còn theo Trưởng thôn Hồ Văn Sách, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện về mặt bằng để dựng lại làng mới, đồng thời tổ chức cúng heo đen theo tín ngưỡng của làng, có như vậy thì bà con mới chịu rời khỏi rừng để về định cư tập trung.
Trước tình hình đó, ông Đỗ Văn Xuân - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cùng đoàn công tác cũng đã vào thôn 8B tìm hiểu nguyên do, lắng nghe nguyện vọng của bà con để có hướng giải quyết. Để chuẩn bị cho cuộc họp dân này, cán bộ xã Phước Lộc phải mất một khoảng thời gian mới có thể vận động bà con quay về làng cũ đối thoại với lãnh đạo huyện. Tại đây, đại diện dân làng cho rằng họ bị phụ nữ thôn 8A “trù ẻo” nên mới xuất hiện nhiều trường hợp “chết xấu” như vậy. Sau khi lắng nghe người dân trình bày, ông Đỗ Văn Xuân cùng đại diện các ban ngành đã giải thích cặn kẽ cho người dân không nên tin vào các hủ tục, và khẳng định đó là những cái chết do bệnh tật, ốm đau. Về vấn đề ổn định đời sống cho hơn 90 nhân khẩu của thôn 8B trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Phước Sơn yêu cầu xã Phước Lộc tìm vị trí thích hợp để bố trí lại chỗ ở lâu dài cho người dân, hỗ trợ công cụ sản xuất, tăng cường công tác khám chữa bệnh.
VĂN HÀO