Lại chờ những hồi sinh

PHAN HOÀNG 09/12/2019 15:18

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch - đầu tư về việc bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn của cả nước giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị đại học Đà Nẵng (tên gọi cũ là Làng đại học Đà Nẵng). Theo đó, trước mắt dự kiến năm 2020 Chính phủ sẽ bố trí 500 tỷ đồng cho dự án này.

Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt năm 1997 với số vốn lúc đó khoảng 8.000 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất rộng 300ha, trong đó 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) và 110ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng). Vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là không có vốn, thêm nữa là liên quan địa giới hai địa phương nên khó khăn trong giải tỏa mặt bằng, liên quan thủ tục nhiều bộ ngành nên khó chồng khó, việc điều chỉnh quy hoạch (thậm chí có thời điểm địa phương đề nghị hủy quy hoạch) và nhiều nguyên nhân khác khiến dự án đi vào bế tắc. Đây từng được xem là dự án quy hoạch treo kéo dài nhất, gây nhiều hệ lụy dân sinh.

Ở thời điểm năm 2017 - tức 20 năm sau khi dự án “có mặt trên giấy”, với chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các cuộc làm việc giữa hai địa phương, các bộ ngành liên quan; hàng nghìn dân vùng dự án khấp khởi hy vọng sẽ có sự nhuận sắc cho cuộc sống. Mục tiêu xây dựng mô hình đô thị đại học cùng với những yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ được đặt ra, như cách khơi luồng sinh khí khác để dự án có cơ may “phục sinh”. Thế nhưng hai năm trôi qua, cơ bản vẫn chưa có gì chuyển động đáng kể. Vẫn chưa thể nào chấm dứt tình trạng quy hoạch treo ở khu vực này. Chỉ có việc quản lý hiện trạng càng lúc càng như xà bần do những nhu cầu chính đáng của người dân lẫn mấy cơn nóng lạnh mang lại từ các đối tượng đầu cơ đất đai. Truyền thông trong 22 năm qua, cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho chỉ riêng việc phản ánh để bảo vệ quyền lợi của người dân vùng dự án.

Với con số 500 tỷ đồng kể trên, dù chưa phải là nhiều nhưng chừng đó vốn cho năm 2020, thì việc tiếp theo của Đại học Đà Nẵng, hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng phải làm gì để không phải lại rơi vào căn bệnh trầm kha “không giải ngân được” vì vấp phải bao nhiêu đá tảng, từ thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, cũng như quỹ đất tái định cư? Tiền đã có, quyết tâm đã sẵn, ý chí của hai địa phương cũng kéo dài hơn hai chục năm qua, người dân thì nóng lòng. Nghĩa là, phải xắn tay mạnh hơn nữa, không để dằng dai kiểu Quảng Nam chờ Đà Nẵng và ngược lại, bộ ngành trung ương đổ lỗi địa phương và ngược lại. Lấy ví dụ của dự án khơi thông dòng Cổ Cò, khi hai địa phương tăng tốc với quyết tâm chính trị thì những tín hiệu khả quan mới tạo ra chấm phá cho bức tranh xanh lại dòng sông. Dự án này đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, dự toán và báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến tổ chức đấu thầu, triển khai thi công vào quý I.2020. Cùng với Cổ Cò, nếu dự án Khu đô thị đại học Đà Nẵng cũng khởi động trở lại, thì năm 2020, Quảng Nam sẽ có thêm cơ hội đổi thay, ít nhất là về hạ tầng đô thị.

Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (dự kiến diễn ra ngày 16.12 tới đây) có nội dung bổ sung danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công 2020. Việc nghiên cứu, thẩm định, bổ sung danh mục các dự án đầu tư công phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 luôn được thực hiện cẩn trọng, nhất là các dự án trọng điểm, cấp thiết. Với những thông tin mới nhất về nguồn vốn bố trí cho dự án Làng đại học Đà Nẵng này, chưa biết liệu UBND tỉnh có nghiên cứu bổ sung để ít nhất như là một động thái giảm áp lực cho cả chính quyền và người dân vùng dự án.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại chờ những hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO