Lại chuyện "chảy máu" tài năng

ANH SẮC 19/11/2016 11:31

Tại hội nghị nhằm tìm giải pháp phát triển bộ môn bóng bàn trên địa bàn tỉnh do Sở VH-TT&DL tổ chức gần đây, một số ý kiến bày tỏ lo lắng trước thực trạng mất nhân tài của môn thể thao này.

Mới đây nhất là trường hợp của vận động viên nhí Nguyễn Văn Đại (Phú Ninh). Đây thật sự là một tài năng trẻ, bởi dù chưa được đào tạo bài bản nhưng em đã khiến cho các chuyên gia bóng bàn quốc gia ngạc nhiên khi thi đấu khá tốt và xuất sắc giành tấm huy chương bạc lứa tuổi 9 - 11 tại giải Bóng bàn Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016 vừa tổ chức. Không chỉ Văn Đại, một tài năng bóng bàn trẻ khác ở TP.Hội An được săn đón và nghe đâu cũng theo chân Đại sắp sửa cập bến TP.Đà Nẵng.

Thật ra câu chuyện “chảy máu” nhân tài trên lĩnh vực thể thao không phải bây giờ mới xảy ra mà đã diễn ra rất nhiều năm trước đây. Đơn cử như trường hợp nữ võ sĩ Pencak Silat Lê Thị Hồng Ngoan. Sau khi trưởng thành từ lò đào tạo Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam rồi giành huy chương vàng tại đấu trường SEA Games và một số giải quốc tế khác, cô đã nói lời chia tay thể thao Quảng Nam để đầu quân cho TP.Đà Nẵng. Trước đó, cầu thủ bóng đá Huỳnh Quốc Anh cũng chuyển “hộ khẩu” từ đội hạng nhất Quảng Nam sang SHB Đà Nẵng để được chơi bóng tại V-League và tỏa sáng với danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Ngay cả một số huấn luyện viên có chuyên môn tốt cũng đã rời thể thao Quảng Nam.

Bóng bàn phong trào đang có bước phát triển nhưng bóng bàn thành tích cao chưa được quan tâm.
Bóng bàn phong trào đang có bước phát triển nhưng bóng bàn thành tích cao chưa được quan tâm.

Có nhiều lý do để vận động viên dứt áo ra đi khỏi nơi mình đã nhiều năm gắn bó trong quá trình tập luyện và trở thành tài năng, như tìm chỗ phù hợp hơn để phát triển chuyên môn hay điều kiện cơ sở vật chất, môi trường tập luyện nơi đến tốt hơn, chế độ dinh dưỡng hợp lý…, chứ không hẳn là đi theo tiếng gọi của đồng tiền. So với nhiều tỉnh, thành phố khác mà địa phương gần nhất là TP.Đà Nẵng, các điều kiện của Quảng Nam kém hơn hẳn. Đó là câu trả lời cho câu chuyện “chảy máu” tài năng và là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, những người làm thể thao của tỉnh. Tất nhiên, việc để những vận động viên tốt chuyển sang đầu quân cho địa phương khác là chuyện chẳng đặng dừng đối với ngành thể thao. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng vậy. Không ai muốn con em mình, nhất là những em còn nhỏ phải xa gia đình rèn luyện ở môi trường thể thao khắc nghiệt. Song, một con số được một cán bộ quản lý ngành TD-TT đưa ra có lẽ khiến cho nhiều người không khỏi giật mình, khi hiện nay có khoảng 200 vận động viên người Quảng Nam đang tập luyện tại Đà Nẵng.

Trở lại câu chuyện của Nguyễn Văn Đại. Rõ ràng, để một tài năng hiếm có như vậy về với địa phương khác là khá đáng tiếc. Nhưng biết làm sao được khi mà hiện tại thể thao Quảng Nam chưa tổ chức đào tạo tập trung môn bóng bàn. Tiếc nuối trước việc Nguyễn Văn Đại chuyển hẳn ra TP.Đà Nẵng để tập luyện bóng bàn và học văn hóa, nhiều ý kiến đề nghị Sở VH-TT&DL nhanh chóng đưa môn bóng bàn vào phát triển thành tích cao cũng là điều dễ hiểu. Song thực tế không phải cứ có tài năng môn nào là mở thêm môn đó. Đào tạo năng khiếu bóng bàn đòi hỏi các em ở độ tuổi 6 - 7 trong khi hầu hết phụ huynh đều không muốn gửi con em mình theo học tập trung. Đó là chưa kể, phải có cơ sở vật chất tập luyện, đội ngũ huấn luyện viên. Cùng với quần vợt và cầu lông, bóng bàn đang được Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam đào tạo tại cơ sở, nhưng theo đánh giá thì kết quả không được như mong đợi. Thế nên, thấy mất tài năng thì tiếc thật, song đành bất lực nhìn họ ra đi.

Để giữ chân tài năng, có lẽ cần có rất nhiều thứ và không phải chỉ mỗi ngành thể thao.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại chuyện "chảy máu" tài năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO