Rác thải đang được xem là vấn đề nan giải và gánh nặng cho nhiều địa phương. Trong sự loay hoay về giải pháp xử lý hiệu quả thì “cuộc chiến” chống rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa được phát động vẫn đang âm ỉ, có lúc trở nên sôi nổi, thu hút sự quan tâm của dư luận. Lần này là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về phương án thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì thu bình quân theo hộ như trước đây.
Đề xuất này tạo ra 2 luồng ý kiến đang tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội và cả báo chí. Bên ủng hộ đề xuất này cho rằng đó là biện pháp để tạo ra sự bình đẳng cho các gia đình về quá trình... xả rác. Mặt khác, thu phí rác thải theo khối lượng sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế, vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường. Còn ý kiến phản đối thì cho rằng đề xuất trên bất hợp lý, không khả thi, tìm cách tận thu từ người dân...
Có một trở ngại mà nhiều người đề cập trong các phương án xử lý rác là... ý thức của người dân. Những đống rác tự phát mọc lên ở khu dân cư hay các tuyến đường vắng vẻ và đặc biệt là ở nông thôn, minh chứng cho đánh giá “nhận thức còn hạn chế”. Nếu thu phí rác theo khối lượng, nhiều người lo ngại những đống rác này sẽ đầy nhanh hơn và nảy sinh nạn rác tặc, lúc đó thì lại thêm một kiểu phòng chống phức tạp nữa. Đây không chỉ là trở ngại ở lĩnh vực xử lý rác thải, mà ở rất nhiều mô hình được đề xuất ý tưởng... có từ nước ngoài, khi sự so sánh về trình độ văn hóa, dân trí của một nước văn minh, phát triển với bối cảnh Việt Nam, thì dễ lòi ra kiểu đánh giá “nhận thức còn hạn chế” như trên.
Nhưng đó thực ra là kiểu đánh giá không công bằng, bởi hành vi của nhiều cá nhân không phải khi nào cũng là biểu hiện của cả một cộng đồng. Riêng chuyện xử lý rác, dù dễ thấy và được so sánh ở những hành vi nhưng không phải ai cũng nhận thức vấn đề có từ gốc rễ là sự loay hoay trong phương hướng xử lý đầu ra cho rác thải. Thu gom rồi đốt hoặc chôn lấp giờ đây không còn là phương án sạch sẽ nữa, khi tình trạng ùn ứ, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường do rác thải thêm nặng nề. Một số phương án bền vững đã được đề xuất nhiều lần, “chạy thử nghiệm” ở một số địa phương nhưng thất bại bởi hệ thống xử lý không đồng bộ chứ đâu phải do hạn chế ý thức. Như chuyện phân loại rác tại nguồn, cứ như làm cho vui thôi chứ đâu lại vào đấy, cuối cùng cũng về một hố hoặc trôi ra sông biển thì làm sao bền vững được.
Thu phí rác thải bằng cách nào, vấn đề đặt ra không đơn giản là biện pháp thu phí mà phải xem đó là một cách để xác định chiến lược với rác. Khi cơ chế chính sách hoàn thiện, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, phương pháp xử lý hiệu quả..., và cả “ý thức cao” với rác thì thu phí bằng cách nào đâu phải là chuyện khó.