Bằng cấp chuyên môn và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là một trong những yêu cầu/ tiêu chuẩn cần thiết trong việc chuẩn hóa công tác cán bộ. Tuy nhiên, điều đáng nói là văn bằng, chứng chỉ nhiều khi lại không đi đôi và không chứng minh được năng lực thực tế. Hơn nữa, ngoài các loại văn bằng, chứng chỉ này, mỗi ngành, mỗi địa phương lại yêu cầu thêm các loại văn bằng, chứng chỉ khác khiến cán bộ, công chức rất “đau đầu”.
Mới đây, tôi nhận được tin nhắn qua CMS từ số điện thoại 0392429… với nội dung: “nhận làm các loại văn bằng, chứng chỉ và các loại giấy tờ bảo đảm uy tín, nhận hàng mới thu tiền; chi tiết liên hệ qua zalo số 0919085…”. Thiển nghĩ, không dưng mà tình trạng rao bán văn bằng, chứng chỉ xảy ra khá phổ biến, công khai trên mạng xã hội. Có cầu thì mới có cung. Bên cạnh quảng cáo làm chứng chỉ giả, cũng có cơ sở nhận đào tạo để cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cấp tốc, nghĩa là học thật, thi thật nhưng kiến thức thì không biết “thật” đến đâu.
Cán bộ có năng lực chuyên môn đúng với trình độ, chuyên ngành; trình độ tương xứng đúng với văn bằng chứng chỉ được cấp, rõ ràng là điều đáng hoan nghênh, đáng mừng. Tuy nhiên, với những bất cập trong cách học và cấp chứng chỉ như hiện nay, thì chứng chỉ có khi chỉ là vật trang trí cho lý lịch của cán bộ, công chức. Bởi, nếu mọi cái đều quy vào thực chất thì sẽ không có chuyện cán bộ “chạy” chứng chỉ cấp tốc trong một thời gian ngắn. Chưa kể, trước yêu cầu bổ sung văn bằng, chứng chỉ đối với cán bộ công chức đương nhiệm, họ vừa phải làm công tác chuyên môn, vừa phải lo học để bổ sung bằng cấp, cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc đang làm và chất lượng học tập.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan việc văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm công chức, viên chức tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận: “Tôi thấy văn bằng, chứng chỉ rất phiền hà” và xin nhận trách nhiệm dù xác nhận Bộ Nội vụ không tự đặt ra quy định văn bằng, chứng chỉ. Và Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận xét (về văn bằng, chứng chỉ - NV): “Cách làm hiện nay rõ ràng đã không còn phù hợp, vừa rườm rà, rắc rối, vừa không đánh giá đúng năng lực của cán bộ”. Ý kiến này được đa số đại biểu và người dân đồng tình; được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao. Bởi lẽ, một cử tri nêu ý kiến: những bất cập kéo dài hàng chục năm trời về việc đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ đã được bộ trưởng thừa nhận. Có người có cả chục văn bằng, chứng chỉ nhưng năng lực thực chất thế nào thì không thể biết. Việc loại bỏ bớt văn bằng chứng chỉ cũng là cách đưa việc đánh giá cán bộ đi vào thực chất. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm là các hành động, quyết sách trên thực tế sẽ rồi được hiện thực hóa ra sao sau khi những người có trách nhiệm đã nhận thấy những bất cập, bất hợp lý về văn bằng, chứng chỉ, nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa đổi trong Luật Công chức, viên chức vào năm 2020.