Mùa mưa đã cận kề, người tham gia giao thông lại lo ngại hậu quả mà các phương tiện chở quá tải trọng cho phép gây ra sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng trong quá trình lưu thông. Khi mà hiện tại, những “hung thần” xe tải vẫn tận dụng tối đa các công trình xây dựng đang chạy đua với thời tiết, để tiếp tục “phóng - vượt” cung cấp vật liệu cho giai đoạn nước rút. Ở một số vị trí cầu, tuyến giao thông trọng điểm bị hư hỏng, không phù hợp với lưu lượng thực tế, do chưa bố trí được nguồn lực đầu tư nâng cấp khiến nhân dân cũng lo lắng không kém. Và những ngày này, phương tiện chở quá tải trọng cho phép tiếp tục hoành hành ngược xuôi. Mặt đường vừa “vá” bằng đá cấp phối, hoặc rải nhựa chưa kịp kết dính liền bị phá tan thành “ổ voi”, “ổ gà”, sụt lún thành “sống trâu”. Cạm bẫy càng trở nên nguy hiểm khi nước mưa đọng lại che lấp chỗ bị hư hỏng.
Cuối tuần qua, Sáu tôi lại nghe điện thoại của người dân thôn Mỹ An, xã Đại Quang (Đại Lộc) than thở chuyện “điểm đen” cầu Ri, trên tuyến ĐH4.ĐL kết nối hai trục giao thông cực kỳ quan trọng là ĐT609 và quốc lộ 14B vẫn chưa được xóa, trong khi mùa mưa lũ đã cận kề. Khi nào cầu và đoạn đường dẫn vào cầu Ri chưa được đầu tư, “điểm đen” hàng năm gây ra hàng chục vụ tai nạn giao thông, là địa điểm cuốn trôi nhiều số phận khi nước lụt vừa vượt khỏi báo động 1 sẽ còn ám ảnh người thật sự có trách nhiệm mãi không thôi. Thăm dò lãnh đạo huyện Đại Lộc, người đứng đầu cho hay đã cầu cứu và đang chờ ngành chức năng của tỉnh bố trí kinh phí. Chiều ngược lại, Sở Giao thông vận tải lại mong ngóng nguồn bổ sung từ trung ương cho Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đang “khát vốn” rồi mới hỗ trợ thực tế.
Trong khi đó, ngày 6.8.2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh xem xét, đưa công trình vào danh mục đề nghị bố trí vốn từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Hơn một năm rồi, nội việc rề rà ấy đã khiến cho niềm tin của người dân vào sự cầu thị của các cấp, các ngành liên quan giảm sút ít nhiều. Còn trên quốc lộ 1, nhà đầu tư BOT hai dự án thành phần mở rộng đều đã đưa vào thu phí đường bộ. Tuy nhiên, nhân dân và đặc biệt là cánh tài xế bỏ tiền mua vé mà ruột rà cảm thấy xót xa và không ưng bụng. Bởi vì, nhà đầu tư chưa hoàn thành lắp đặt tấm chắn sáng, mặt đường bê tông nhựa thì chỗ trồi chỗ sụt. Chưa nói, cây cối trồng giữa dải phân cách trên đường tránh Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ) um tùm mà không được cắt tỉa gọn gàng, người điều khiển phương tiện rất khó quan sát nên dễ dẫn đến hậu quả khó lường nếu có người đi bộ, động vật băng qua bất ngờ. Phải chăng, những yêu cầu, kiến nghị của tỉnh, ngành chức năng chưa đủ “sức nặng” để nhà đầu tư phải lưu tâm chấn chỉnh.
SÁU CÒI