Lại lo lắng vì sạt lở

TR.NHAN - P.PHƯƠNG 14/12/2018 02:00

Tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn ở xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) và sông Vu Gia ở thôn Đại Phú (Đại Nghĩa, Đại Lộc) tái diễn khiến chính quyền và người dân lo lắng.

Bờ sông Thu Bồn đi qua thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước, Điện Bàn) bị sạt lở nặng nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại đây. Ảnh: P.PHƯƠNG
Bờ sông Thu Bồn đi qua thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước, Điện Bàn) bị sạt lở nặng nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại đây. Ảnh: P.PHƯƠNG

Hút cát tại vùng sạt lở

Vùng ven sông Thu Bồn của các thôn Nhị Dinh 1, 2, 3 xã Điện Phước (Điện Bàn) đối diện với tình trạng sạt lở nặng nề suốt nhiều năm qua. Thôn Nhị Dinh 3 sạt lở ở mức báo động, nhiều nhà dân đối diện với nguy cơ bị “xóa sổ”. Ông Trần Phước Thạnh, một người dân có nhà ở ven sông đoạn này cho biết, sông xâm thực dần vào đất sản xuất hoa màu, đất vườn, đất nhà ở của người dân nơi đây, có đoạn sạt lở vào bờ tới cả trăm mét, tính từ mép sông trở vào. Trong 20 năm qua, hàng trăm héc ta hoa màu ven sông đã bị cuốn trôi, cả cái biền bãi Nhị Dinh rộng lớn, màu mỡ cũng đã bị lở hết. Trước kia, người dân phản đối vì họ khai thác đất sét ở đây để bán thì mấy năm gần đây, ai nấy đều lo vì tình trạng khai thác cát, sạn diễn ra đêm ngày khiến lòng sông ngày càng sâu hoắm. “Bờ sông cũ ở tận bên kia, nay đã đổi dòng. Trong khi cả trăm hộ dân suốt chiều dài 3 thôn ven sông đang lo lắng vì nhà cửa đã cận kề bờ sông thì mỗi ngày, hàng chục ghe hút cát mã lực lớn từ Vĩnh Điện cứ chạy lên chạy xuống khúc sông này, lên tới tận cầu Kỳ Lam hút cát. Dân bó tay, không làm gì được” - ông Thạnh nói.

Bà Lê Thị Nga (trú thôn Nhị Dinh 3) cho biết, bà đã bị mất 3 sào đất màu ngoài bờ sông giờ không còn đất sản xuất. “Nhà nào cũng bị mất đất chứ không riêng gì nhà tôi. Mà họ hút cát ở ngoài sông vào ban đêm, ai mà ngăn cản được. Họp hành dân cứ kiến nghị miết nhưng chẳng ăn thua” - bà Nga nói. Bà Nguyễn Thị Thêm (trú Nhị Dinh 3) lo lắng: “Họ hút cát ngày đêm, có lúc giữa khuya, gần sáng cũng hút, có lợi thì họ làm chứ không kể gì cả. Gần đây đất sản xuất, đất vườn mất liên tục. Vùng này diện quy hoạch nhưng dân không có tiền làm nhà nên cố gắng ở đây” - bà Thêm nói.

Tình trạng hút cát lòng sông ở thôn Nhị Dinh 2 có giảm trước sự phản đối quyết liệt của người dân, tuy nhiên “sa tặc” vẫn lén lút vào ban đêm, rạng sáng. Ông Nguyễn Sắc (thôn Nhị Dinh 2) cho biết, dù là tâm điểm của sạt lở, cả đoạn sông sạt lở kéo dài khoảng 2 cây số, làm ảnh hưởng tới nhà dân và làm mất hàng trăm héc ta đất hoa màu nhưng hoạt động khai thác, mua bán cát sạn vẫn diễn ra ở đây nhộn nhịp. Ông Huỳnh Đức Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Điện Phước cho biết, vùng này có 1 công ty được cấp phép và một đơn vị được cấp bến bãi, xã quán triệt kỹ, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý. Riêng lòng sông đi qua Điện Phước có một số ghe thuyền hoạt động chủ yếu ban đêm, rạng sáng. Với phạm vi của xã, chỉ xử lý được ghe công suất nhỏ, còn lại kiến nghị huyện xử phạt. “Lực lượng Công an xã, Dân quân xã thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng truy bắt đối tượng khai thác trái phép. Từ đầu năm tới nay, xã bắt được 3 ghe khai thác trái phép và xử phạt. Đoàn liên ngành do huyện, tỉnh vừa phục bắt thêm 3 ghe, lập biên bản xử phạt rồi” - ông Hồng nói.

Sạt lở bờ kè

Từ năm 2017, bờ kè sông Vu Gia ở thôn Đại Phú (Đại Nghĩa, Đại Lộc) bị sạt lở khiến người dân lo lắng, kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa có phương án ứng phó. Ông Huỳnh Dũng - Trưởng thôn Đại Phú cho biết, bờ kè được xây dựng cách đây 18 năm nhằm bảo vệ khẩn cấp khu dân cư của thôn. Từ khi có bờ kè, dân làng yên tâm sinh sống nên cũng chưa di dời đi đâu. “Tuy nhiên hiện bờ kè xuống cấp nặng, chân công trình đổ sập, đất đá bị cuốn trôi nhiều, không còn thấy đâu là bờ kè nữa. Nếu để kéo dài thì ảnh hưởng nặng tới nhà cửa và tài sản người dân sống dọc chiều dài sông. Ai nấy lo sợ lũ tới thì phần kè còn lại cũng bị sóng đánh sập hết” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thương (thôn Đại Phú) cho biết thêm, bờ kè ven sông Vu Gia kéo dài từ thôn Trường An (xã Đại Quang) đến thôn Đại Phú được xây dựng 18 năm trước, bắt đầu sạt lở nặng từ các đợt lũ năm 2017. Nguyên nhân một phần cũng do cầu Quan Âm được xây dựng, nâng cấp cao ráo khiến dòng chảy về phía Đại Phú rất xiết, tác động nặng tới khu vực bờ kè. “Dân bám trụ lại làng cũng vì có bờ kè, nên bờ kè bị sập họ hoang mang lắm. Nhiều nhà dân thuộc diện quy hoạch, được Nhà nước cấp đất nhưng vì kế sinh nhai, họ vẫn phải bám trụ nơi cũ. Ai cũng sợ lũ về là vườn tược, nhà cửa dễ bị cuốn trôi” -  bà Lê Thị Ánh (trú Đại Phú) nói.

Ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa xác nhận, hiện khu vực bờ kè đã bị sạt lở 100m và vùng tiếp giáp với công trình là khu dân cư ven sông cuối thôn Đại Phú và đầu thôn Mỹ Thuận của xã cũng bị xói lở do dòng sông chảy xiết mùa lũ. Bờ sông cũng bị xói lở do tình trạng xâm thực mạnh. “Chúng tôi đã báo lên huyện, huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra nhưng vẫn chưa có phương án, kinh phí lớn. Chúng tôi cũng kiến nghị giải pháp trước mắt là đóng cừ kè mềm, làm rọ đá để bảo vệ cấp thiết cho khu dân cư” - ông Nhành nói.

TR.NHAN - P.PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại lo lắng vì sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO