Sáng qua 30.6, hàng trăm tiểu thương buôn bán thủy hải sản, quần áo tại chợ Tam Kỳ đã tập trung tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh để phản ảnh bức xúc xung quanh việc TP.Tam Kỳ yêu cầu các tiểu thương buôn bán thủy hải sản di chuyển xuống chợ tạm An Sơn.
Cần câu trả lời thỏa đáng
Đại diện Ban Tiếp công dân tỉnh, Ban quản lý chợ Tam Kỳ cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan đã có mặt để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của các tiểu thương. Chị Ngô Thị Chung (quê xã Tam Tiến, Núi Thành) - một tiểu thương buôn bán cá tại chợ Tam Kỳ hơn 30 năm nay cho biết, trước đây khi TP.Tam Kỳ xây dựng lại chợ mới, các tiểu thương đã chấp thuận và di dời xuống chợ tạm An Sơn để buôn bán tạm thời. Sau khi chợ Tam Kỳ xây dựng xong, các tiểu thương lại đồng thuận và chấp hành việc di chuyển về lại chợ mới để buôn bán. Nay, thành phố lại yêu cầu các tiểu thương quay về chợ tạm An Sơn vì lý do ô nhiễm môi trường. Điều này là vô lý. Ô nhiễm môi trường là do ai? Không thể cứ đổ lỗi cho những người buôn bán rồi ép di chuyển. Một tiểu thương khác cho biết, 3 hôm trở lại đây, thành phố, Ban quản lý chợ Tam Kỳ ngăn cấm, không cho các tiểu thương buôn bán thủy hải sản 2 bên đường Bạch Đằng và buộc phải di dời vào chợ An Sơn. Tuy nhiên, do chợ An Sơn ít người, việc buôn bán ế ẩm, nhiều chị em đã bị thua lỗ nặng…
Nhiều tiểu thương tụ tập đông người phản đối ở tầng 3 của chợ Tam Kỳ. Ảnh: T.NGUYỄN |
Đa số các ý kiến của tiểu thương cho rằng, thành phố và Ban quản lý chợ Tam Kỳ phải sớm có hướng giải quyết để các tiểu thương yên tâm buôn bán. Đồng thời mong muốn phía Ban quản lý chợ bố trí các vị trí khác tại chợ Tam Kỳ (vì chợ Tam Kỳ còn nhiều chỗ trống chưa sử dụng) cho các tiểu thương. Nhiều tiểu thương buôn bán áo quần cũng mong muốn phía thành phố và Ban quản lý chợ cho các hộ buôn bán thủy hải sản tiếp tục ở lại chợ Tam Kỳ. Bởi, nếu các hộ bán thủy hải sản phải di dời thì việc buôn bán quần áo, giày dép cũng ế ẩm theo.
Đại diện Ban quản lý chợ Tam Kỳ đã tiếp thu ý kiến của các tiểu thương, đồng thời hứa sẽ báo cáo lên UBND tỉnh và UBND TP.Tam Kỳ để sớm có câu trả lời. Tuy nhiên, đại diện Ban Tiếp công dân của tỉnh cũng cho rằng, đây là vấn đề của TP.Tam Kỳ, do đó sẽ tham mưu UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với UBND TP.Tam Kỳ để giải quyết vấn đề. Do buổi tiếp công dân không có đại diện của lãnh đạo TP.Tam Kỳ nên các yêu cầu, kiến nghị của tiểu thương vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Cương quyết di dời
Trước đó, tiểu thương buôn bán mặt hàng thủy hải sản ở chợ Tam Kỳ đã tập trung đông người phản đối về việc Ban quản lý chợ sắp xếp vị trí buôn bán không hợp lý. Có mặt tại chợ trung tâm TP.Tam Kỳ vào chiều 29.6, chúng tôi ghi nhận có hàng chục tiểu thương buôn bán mặt hàng cá tôm đã kéo đến văn phòng làm việc của Ban quản lý chợ Tam Kỳ ở tầng 3 để yêu cầu được chuyển về nơi buôn bán cũ thuộc chợ trung tâm TP.Tam Kỳ. Phản ứng thái quá, một số tiểu thương đã mang cá, cua, mực đổ tại cửa phòng làm việc của Ban quản lý chợ Tam Kỳ gây bốc mùi hôi tanh khó chịu. Tiểu thương la ó kéo lên chợ phản ứng gây hình ảnh rất phản cảm. Chị Nguyễn Thị D. buôn bán cá mực tại đây cho biết, chị thức khuya dậy sớm mua được mấy chục ký mực chạy xe máy lên chợ trung tâm TP.Tam Kỳ bán kiếm lời, nhưng hai ngày nay phải đổ hết vì bị hư hỏng không bán được. Lý do, Ban quản lý chợ Tam Kỳ yêu cầu chị chạy xe lên chợ tạm An Sơn nằm trên đường Hùng Vương (phường An Sơn) bán chứ không được bán ở chợ mới Tam Kỳ (phường Phước Hòa). “Vì lên chợ tạm An Sơn bán không được nên tôi phải cứ chạy từ chợ này qua chợ kia. Ế ẩm quá, tôi đổ luôn” - chị D. nói.
Tháng 10.2014, chợ trung tâm TP.Tam Kỳ khánh thành và đưa vào sử dụng. Chợ xây dựng kết cấu 3 tầng với vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, gồm 500 điểm kinh doanh. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng đến nay có ít nhất 3 lần tiểu thương tụ tập đông người phản ứng về việc sắp xếp mặt hàng kinh doanh, buôn bán bất hợp lý. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi xuống chợ tạm An Sơn buôn bán được vài ngày, nhiều tiểu thương đã quay trở về chợ mới Tam Kỳ. Tuy nhiên, chỗ buôn bán cũ của hàng thủy hải sản đã bị lực lượng bảo vệ rào lại, không cho bán mà phải chuyển xuống lại chợ tạm khiến tiểu thương phản ứng gay gắt. Đỉnh điểm là chiều 29.6, họ đã tụ tập đông người đổ các loại thủy hải sản lên tầng 3 của chợ. Một tiểu thương khác phân trần, khu vực chợ tạm An Sơn chỉ có vài hàng cá tôm trong khi không có các mặt hàng khác nên không có ai đến mua bán, ế ẩm suốt cả ngày.
Bà Nguyễn Thị Trinh - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết: “Ban quản lý chợ sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, báo cáo lại với lãnh đạo thành phố để tổ chức đối thoại, xem xét giải quyết bức xúc của tiểu thương”. Cũng theo bà Trinh, sở dĩ xảy ra tình trạng lộn xộn trên do diện tích của chợ mới không đủ để bố trí các mặt hàng hải sản nên bắt buộc phải di dời về chợ tạm An Sơn. Còn theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Văn Anh Tuấn, di dời mặt hàng thủy, hải sản về chợ tạm An Sơn nằm trong chủ trương chung về việc sắp xếp đô thị. Do số lượng người buôn bán cá biển quá đông gây mất vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường nên phải sắp xếp. Quan điểm của chính quyền là cương quyết di dời để đảm bảo vệ sinh môi trường.
VINH ANH - TRẦN NGUYỄN