(QNO) - Núi vặn mình khiến hàng tấn đất đá ầm ào đổ xuống. Hàng trăm con người đã sống mấy chục năm ở đấy giờ lại lục tục chuyển làng sang một nơi khác. Nhà của họ phần bị vùi trong đất đá, phần thì nằm trong diện sạt lở. Hơn 30 năm, giờ họ phải làm lại từ đầu...
Nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân), nơi xảy ra vụ sạt lở núi khiến 5 người chết, 9 người bị thương. Ảnh: N.DƯƠNG |
Ký ức kinh hoàng
Hơn 2 tuần từ cái ngày ngọn núi phía sau nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) đổ ập xuống làm 5 người chết và 9 người bị thương, nỗi ám ảnh vẫn còn vương đầy trong mắt những người ở lại. Ngôi làng yên ả suốt mấy chục năm, nay chỉ còn lại một bãi đất trống. Tiếng trẻ con, tiếng giã gạo cho mùa lúa mới chỉ còn vang vọng trong ký ức. Hơn 120 hộ dân nóc Ông Tuân và các nóc bên cạnh đã dọn ra bãi đất trống, cách xa làng cũ chừng 2 tiếng đi bộ dựng lều để ở. “Trước đó đã có điềm báo rồi, mà không để ý. Chừ thì không dám quay lại đâu, phải đi thôi. Ở đây đã có cái chết xấu” - già Hồ Văn Phương (70 tuổi, nóc Ông Dương, thôn 2) bần thần.
Cái điềm mà già Phương nhắc đến chính là việc đã có người chết do bạch hầu cách đó chừng 1 tháng. Có 7 trường hợp ở xã này bị dương tính với dịch bạch hầu, một trong số đó đã tử vong. Với họ, dịch bệnh nào chẳng biết, chỉ thấy rằng, có người chết bất đắc kỳ tử, đó là cái chết xấu. Là điềm báo cho những điều không tốt tiếp theo. Tín niệm đó lại trùng khớp với đợt sạt lở vừa qua, khiến họ càng tin vào điều đó.
Những căn nhà mỏng manh trước vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: N.DƯƠNG |
Hôm đó, sau tiếng nổ lớn thì hàng loạt ngọn núi phía sau lưng đồng loạt đổ xuống. “Lúc đó đã là nửa buổi chiều rồi (ngày 6.11), mình cùng vợ đang ngồi trong nhà thì nghe ngọn núi sau nhà phát ra một tiếng nổ lớn nên liền kéo chạy ra ngoài. Đúng lúc đó thì núi đổ ập xuống, nhà mình biến mất” - anh Hồ Văn Đảng (nóc Ông Tuân) là người may mắn thoát chết kể lại khoảnh khắc kinh hoàng đó.
Nhưng điều đau đớn nhất của anh Đảng chính là thấy con trai mình bị vùi lấp ngay trước mắt. Khi đó, con trai anh là Hồ Văn Đợi (8 tuổi), đang ngồi chơi bên nhà hàng xóm. Thấy cha mẹ chạy, Đợi cũng vùng chạy nhưng không kịp. Đất đá bất ngờ ập xuống vùi lấp luôn 4 ngôi nhà, con trai anh cùng một số người khác bị vùi lấp, 3 ngày sau mới tìm được thi thể.
Những ngọn núi nứt toác, để lộ những rãnh sâu hoắm, báo hiệu là sẽ còn tiếp tục sạt lở. Vậy là chạy. Ngay khi hay tin phía nóc Ông Tuân sạt lở làm chết người, thì những người dân ở các nóc bên cạnh cũng đồng loạt tháo chạy khỏi ngôi nhà của mình. Mà theo lời già Hồ Văn Phương, thì chạy một cách vô định. Trước thì cứ ngược núi, càng lên cao càng tốt. Rồi vòng ra phía sau, cứ thế miệt mài cho đến bãi đất trống thì dừng nghỉ. Mưa như trút nước, cả trăm con người co ro tránh rét trong những tấm áo mưa khoác vội. “Người già, con nít gì đều chạy hết. Đi từ 4 giờ chiều cho đến nửa đêm thì dừng. Đó cũng là nơi mà chúng tôi dựng lán trại hiện nay” - anh Đinh Văn Linh (28 tuổi, nóc Ông Dương) kể lại.
Đó cũng là lần cuối họ nhớ về làng cũ. Không còn ai dám về làng. Có chăng là chỉ những thanh niên, tranh thủ khi trời hanh ráo, về lại tìm xem còn cái gì có thể đem đi. Trước mắt họ, chưa thể định hình được sẽ làm gì...
Lập làng
Chúng tôi đến xã Trà Vân khi trời vừa hửng nắng. Hàng trăm hộ dân đang lội bộ về trung tâm xã để nhận quà từ các đoàn cứu trợ. Hỏi về làng cũ, tất cả chỉ hướng ánh mắt bần thần, về nơi đã từng gắn bó mấy chục năm. Đau đáu. Nhưng bất lực. “Làng có từ khi mình còn nhỏ. Con cái, cháu chắt cũng lần lượt sinh ra rồi ở đó. Nhớ lắm, nhưng giờ thì không dám về nữa rồi. Phải tìm nơi ở mới thôi” - già Phương hướng đôi mắt đục ngầu về nơi làng cũ. Gần đó, nhưng giờ đã xa lắm rồi.
Người dân đang phải sống trong những túp lều tạm bợ để chờ ngày được bố trí nơi ở mới. Ảnh: N.DƯƠNG |
Người dân thôn 2 giờ đang phải dựng lều ở tạm một bãi đất trống, còn được gọi là Khe Chữ. Đó cũng là nơi mà UBND huyện Nam Trà My xác định sẽ xây dựng một khu dân cư tập trung cho hơn trăm hộ dân ở đây. “Trước mắt, UBND tỉnh và huyện đã hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho bà con để sống tạm qua ngày. Xã cũng đã mua những loại bạt lớn giúp người dân có thể dựng tạm lều để sống. Sau khi đã xin được mặt bằng thì giúp họ dựng nhà, lập thành một khu dân cư mới với đầy đủ điện, đường, nước sạch...” - ông Hồ Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết.
Hỗ trợ người dân dựng nhà Vừa qua, trong cuộc khảo sát kiểm tra tại các điểm sạt lở lớn huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu chính quyền địa phương cần phải gấp rút lên phương án cụ thể, sớm tìm được chỗ để giúp dân dựng nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Điều chú trọng nhất vẫn phải đảm bảo các điều kiện thiết yếu, cơ bản nhất để giúp họ có thể tái sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Còn ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện Khe Chữ, nơi được chọn làm khu tái định cư mới đã hoàn tất việc chuẩn bị mặt bằng. Trong những ngày sắp tới, lần lượt người dân sẽ được bốc thăm chọn lô và tiến hành dựng nhà để ở. Mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ chừng 54,5 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng. |
Cuộc sống tạm bợ trong những túp lều dựng vội trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Bữa ăn dẫu được cải thiện từ những gạo, cá khô từ các đoàn cứu trợ, nhưng phần lớn vẫn là mì tôm. Có lúc, chừng 10 cái tô xoay vòng cho một bữa ăn, bởi cả trăm con người dùng chung. Những đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện, chỉ xem đây như là một cuộc dạo chơi nên háo hức. Bỏ quên những ngày dài xa trường, xa lớp.
Lần dời làng này, không như những lần trước. Nó là một cuộc di cư bắt buộc. Không có của nả theo kèm, không định hình được nơi ở mới sẽ ra sao, có phù hợp với dân mình hay không. Đơn thuần, đó là cuộc tháo chạy khỏi sự giận giữ của thiên nhiên. “Dân mình, lập làng mới chỉ khi nơi ở cũ không còn đủ đất cho các thành viên sinh sống. Những người trẻ tuổi sẽ đi tìm một vùng đất mới. Xa gần tùy thuộc miễn là thuận lợi cho cuộc sống. Rồi dắt díu nhau chừng 5-7 hộ cùng đi, tìm đến vùng đất mới lập làng. Tên người lớn tuổi sẽ được lấy đặt cho làng. Giờ thì đi theo sự chỉ định của nhà nước thôi” - già Phương thở dài.
Khe Chữ - nơi được chọn làm nơi định cư mới cho hơn trăm hộ dân thôn 2, xã Trà Vân, qua lời giới thiệu của chính quyền địa phương, là nơi gần với nơi làm rẫy của bà con; giáp với đường Trường Sơn Đông; mặt bằng tốt... nên sẽ là nơi lý tưởng để xây dựng một khu dân cư kiểu mẫu. Nhưng, kèm thêm điều kiện là UBND tỉnh phải hỗ trợ kinh phí để làm đường từ đó lên trung tâm xã. Hiện tại, người dân phải đi bộ chừng 2 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã, nếu thời tiết thuận lợi. “Cũng chẳng còn cách nào khác. Làng cũ không dám ở. Và ở cũng không ai cho phép. Thì thôi, coi như là thêm một lần dời làng nữa. Chỉ hy vọng rằng, đây là lần cuối phải đi” - bà Hồ Thị Hồng (nóc ông Dương) nói, tiếng nói trượt dài như ngọn núi lở, kéo theo những ký ức còn sót lại, nơi làng cũ.
Trời ở Nam Trà My vẫn liên tục mưa lớn. Mới đây, 13 hộ dân ở nóc Tắc Nầm, xã Trà Mai cũng đã phải tháo chạy trong đêm vì sạt núi. Ở Bắc Trà My cũng đã phải di dời 521 hộ dân khẩn cấp. Những cuộc dời làng không mong muốn vẫn đang phải tiến hành. Ở đó, những người đang sống trong những túp lều tạm bợ vẫn đang đau đáu về làng cũ. Về công sức nhiều năm gây dựng đã bị chôn vùi dưới núi. Họ bắt đầu một cuộc sống mới với hành trang là đôi bàn tay trắng.
NGUYỄN DƯƠNG