Lại phát hiện gấu ngựa ở rừng Trường Sơn

TRẦN HỮU 24/07/2014 08:44

Lực lượng làm công tác bảo tồn vừa đón nhận niềm vui phát hiện thêm cá thể gấu ngựa tại rừng Trường Sơn từ bẫy ảnh.

Các chuyên gia của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố, tháng 6 qua họ đã ghi nhận thêm một cá thể gấu ngựa (có tên khoa học Ursus thibetanus) từ máy bẫy ảnh tại dãy Trường Sơn thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang. Đây là một trong những thành công lớn trong hoạt động bảo tồn. Thời gian qua, WWF cùng với ngành kiểm lâm, chính quyền Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã có nhiều đợt điều tra, khảo sát, phân vùng từng cấp độ đa dạng sinh học khác nhau thông qua dự án “Dự trữ các-bon và đa dạng sinh học rừng”. Cá thể gấu ngựa được máy bẫy ảnh của WWF ghi nhận lần đầu tiên từ tháng 12.2012, khi WWF bắt đầu sử dụng phương pháp giám sát đa dạng sinh học bằng việc lắp đặt một loạt bẫy ảnh nhằm ghi lại hình ảnh những loài động vật quan trọng trong khu vực để đánh giá sự hiệu quả của các biện pháp bảo tồn áp dụng trong dự án CarBi.

Một con gấu ngựa đang tồn tại ở rừng Trường Sơn đã được chụp từ bẫy ảnh của WWF. Ảnh: T.H
Một con gấu ngựa đang tồn tại ở rừng Trường Sơn đã được chụp từ bẫy ảnh của WWF. Ảnh: T.H
Gấu ngựa được Sách đỏ của IUCN liệt kê vào danh sách những loài nguy cấp. Nghị định số 32/2006/NĐ-CP quy định rằng, việc săn bắt, nuôi nhốt và buôn bán loài này là bất hợp pháp.

Bà Lê Thủy Anh, Quản lý sinh cảnh Trung Trường Sơn của WWF - Việt Nam cho biết, trong hơn 12.000 bức ảnh, nhiều loài động vật quý hiếm đã được ghi nhận như loài tê tê Java, hoẵng lớn, sơn dương, thỏ vằn Trường Sơn, gấu ngựa và đặc biệt là sao la. “Mất rừng tự nhiên đã và đang trở thành mối nguy cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. Ngoài các biện pháp đồng bộ giữ rừng của chính quyền địa phương, cũng rất cần sự chung tay trợ giúp của khu vực và các tổ chức quốc tế” - bà Anh nói. Trong khi đó, Nhà nước từng bước siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài sử dụng máy bẫy ảnh ghi lại các dấu vết của động vật hoang dã phục vụ cho công tác bảo tồn của WWF, lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, truy quét; đặc biệt từ đầu năm đến nay đã tháo dỡ hàng nghìn bẫy thú và phá hủy nhiều lán trại bất hợp pháp trong rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các bẫy ảnh chụp được gấu ngựa, sao la ở rừng gần đây cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc bảo tồn. Sự tồn tại của các động vật quý hiếm phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của rừng và khả năng bảo vệ chúng của chính quyền địa phương. Các chương trình của WWF cũng như các dự án tài trợ khác đang thực thi nhằm hỗ trợ cho người dân sở tại trực tiếp giữ rừng, tạo nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, công tác bảo tồn đa dạng sinh học chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi luôn có sự đồng hành của người dân. Do vậy, việc tuyên truyền phải giúp người dân thấy được lợi ích từ việc tham gia bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững. Cộng đồng miền núi muốn phát triển bền vững thì phải quan tâm bảo vệ rừng. Ngoài các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm thì phải tạo được nét văn hóa giữ rừng của người miền núi.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại phát hiện gấu ngựa ở rừng Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO