(Xuân Canh Tý) - Đầu xuân khai bút để viết câu đối là một trong những thú vui tao nhã của các vị khoa bảng ngày xưa. Nhiều vị còn trịnh trọng đội khăn đóng, mặc áo dài, đốt lò hương trầm trước khi khai bút. Trong giây phút trang nghiêm ấy, tất cả tâm tư, bút lực, tài hoa, sở học đều được thể hiện qua từng nét chữ, trên đầu ngọn bút lông.
Với nhịp sống hiện đại, chúng ta khó lòng bước vào được cái thế giới văn chương tao nhã và trầm lắng đó, dù nó chỉ ngăn cách cuộc sống chúng ta bằng một làn khói trầm trong đêm giao thừa hay buổi sáng đầu tiên của năm mới. Nhưng với người dân xứ Quảng thì cái phong cách “hàn lâm” tưởng chừng xa lạ và từ lâu đã mai một đó lại nhiều khi hóa thân vào sinh hoạt đời thường, qua các câu đối bình dân trong dân gian. Không mang nặng tính học thuật, không phô trương chữ nghĩa hay đúng theo “chuẩn mực chính quy”, những câu đối dân gian đó khi thì tinh quái, khi thì thô tục, nhưng nó đậm hơi cuộc sống của mảnh đất “Ngũ phụng tề phi”.
Đầu xuân, người viết xin lượm lặt vài câu đối tình cờ nghe được trong dân gian. Những câu đối này do những người Quảng tự đối để đùa bỡn với nhau, hoặc để đối lại những câu đối được lưu truyền từng nổi tiếng là “vô đối”!
Thời Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách, trên một tờ báo in một câu đối và thách mọi người đối. Câu đó như vầy: “Cỏ đầu Cầu Đỏ xanh biếc”. Đúng là hiểm hóc, ngoài cái khó của cách nói lái bằng địa danh Cầu Đỏ lại còn oái ăm ở chỗ tương phản về màu sắc “đỏ - xanh”. Câu này được lưu truyền một thời gian dài mà không có ai đối được. Gần đây, bạn người viết là một nhà giáo về hưu đối lại rất hay: “Sam lông Sông Lam xám đen”. Không biết ở sông Lam vùng Nghệ An có loại sam lông nào không, và có phải nó có màu xám đen hay không, nhưng về hình thức thì câu đối lại quá hay, chuẩn cả về ý lẫn thanh.
Một câu đối nữa, với nội dung tinh nghịch, được lan truyền trong cả nước mấy chục năm chục năm nay: “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?”. Câu đối này từ lâu nổi tiếng là “vô đối”, vì những câu đối mà người viết sưu tầm trên mạng đều không chuẩn, chỉ có một câu khá hay, mà cũng không kém phần tinh quái: “Trai Cần Giờ giơ cần hỏi cần giờ?”. Nhưng hai chữ “cần giờ?” ở cuối phải hiểu là “cần gì?” thì câu đối lại mới rõ nghĩa. Có một ông giáo về hưu ở Đà Nẵng đối lại: “Trai Hòn Đất hất đòn văng hòn đất”. Hòn Đất là địa danh gắn liền với tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức, còn cái đòn là hình ảnh quá quen thuộc với người dân quê xứ Quảng rồi, nhưng tiếc là câu đối lại không mang nội dung của một câu hỏi.
Gần đây, người viết tình cờ sưu tầm được câu đối mang đúng chất tinh quái của dân Quảng Nam, mà nội dung lại có tính “đốp chát” lại câu đối “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?”. Câu đó như vầy: “Trai Chứa Chan chán chưa chuyện chứa chan?” Chứa Chan là tên một ngọn núi ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nó còn có tên là núi Gia Ray hay núi Gia Lào. Một bên hỏi “chỉ cu hỏi củ chi?”, bên kia đốp chát lại cũng bằng câu hỏi “chán chưa chuyện chứa chan?”. Câu xuất đối rất đỗi tinh nghịch, mà câu đối lại cũng tinh quái không kém. Đem nội dung của câu đối ra để “thực hiện” nội dung của câu đối lại đến mức “chứa chan” là tuyệt đỉnh của tình yêu nam nữ. Dù về thanh thì chưa chuẩn, vì dùng vần bằng đối lại vần bằng, nhưng nội dung đúng là “kỳ phùng địch thủ” về độ tai quái và đúng chất Quảng Nam.
Có người vừa ra câu đối “Làng Vũ Đại mưa lớn” (vũ: mưa; đại: lớn) liền nhận được một loạt các câu đối lại khá thú vị: “Đất Hà Lam sông xanh” (hà: sông; lam: xanh lam); “Xứ Kế Xuyên kề sông” (kế: nối tiếp; xuyên: sông); “Chốn Hà Nội sông trong”, “Ở Hà Tĩnh sông yên”.
Có một ông giáo về hưu nói một câu khôi hài: “Có tiền nhưng vẫn buồn là tiền liệt tuyến”. Nam giới có tuổi bị bệnh tiền liệt tuyến là chuyện khá phổ biến; đúng là có “tiền” kiểu đó, càng nhiều lại càng thêm buồn. Một ông bỡn lại, thành ra câu đối: “Mang họa nhưng vẫn thích là họa chân dung”. Mang “họa” kiểu này thì chắc nhiều người thích.
Vào một ngày tết, bạn bè tụ tập vui chơi, xem như nhậu “trận cuối” để ngày mai đi làm mở hàng đầu năm. Khi tàn tiệc, ai cũng ngà ngà. Khách chào gia chủ ra về nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày mai. Chủ tiễn khách, dặn dò đi đứng cẩn thận, nhưng nội dung lại thành một vế đối theo kiểu nói lái Quảng Nam: “Uống đã về ngủ chứ đừng uống đủ về ngã”. Đám khách cũng chẳng phải tay vừa, có người tươi cười trả lời lại ngay: “Ra đời phải sống cho nên ra đồng phải xới”. Ngày mai bắt đầu đi làm là bắt đầu đi cày rồi!
Có một câu đối này được một người có tiếng hay chữ ở Tam Kỳ, nay đã mất, đưa ra cách đây rất lâu mà chưa ai đối nổi. “Tối ba mươi, rắn nằm trên xà, chuột bò tới xem thử, rắn nuốt chuột chẳng còn tí tị”. Rắn, xà, tỵ; chuột, thử, tý. Đúng là siêu hiểm hóc!
Nay là Tết Canh Tý, người viết xin đưa ra lại để kính mời quý bạn đọc cùng nhau đối thử, để tìm chút nhã thú ngày xuân!