Lai rai tự điển

NGUYỄN TRUNG HIẾU 28/06/2020 05:24

Dư luận gần đây “dậy sóng” về cuốn “Tự điển Chính tả tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2017) của PGS-TS. Hà Quang Năng (chủ biên) và ThS. Hà Quế Hương. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra trong cuốn tự điển có hàng loạt sai sót chính tả điển hình, làm méo mó tiếng Việt... Đây cũng chỉ là một trong rất ít trường hợp phản biện những khiếm khuyết của tự điển, khi phong trào nhà nhà, người người làm tự điển có xu hướng lan rộng.

Các bộ tự điển có giá trị như một kho tàng ngôn ngữ của dân tộc ngày càng trở nên hiếm hoi.
Các bộ tự điển có giá trị như một kho tàng ngôn ngữ của dân tộc ngày càng trở nên hiếm hoi.

1. Thống kê tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, mục từ từ điển, tự điển, tự vị tiếng Việt (loại trừ các loại sổ tay, sách tra cứu, bách khoa toàn thư…) từ năm 1651 đến 1998, sách tự điển hoặc liên quan đến tiếng Việt, đã có gần 1.000 cuốn. Nếu tính cả sau năm 1998 đến nay thì ước con số phải thêm vài trăm.

Lịch sử biên soạn tự (từ) điển tiếng Việt (chữ Quốc ngữ) có thể bắt đầu từ năm 1651 với bộ “Từ điển An Nam – Lusitan - La Tinh” hay giới chơi sách thường gọi tắt là Tự điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) do nhà truyền giáo Dòng Tên Alexandre de Rhodes biên soạn và được Thánh bộ Truyền bá Đức Tin ấn hành tại Roma. Sau đó là Tự điển Việt - La Tinh (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị) của Tarberd (1838); bộ Từ điển  liên quan đến tiếng Việt của J.S. Theurel (Ninh Phú - 1877); Từ điển J.F.M Génibrel (Tân Định - 1898) giải nghĩa tiếng Việt sơ khai qua ngôn ngữ nước ngoài, do các cha xứ ngoại quốc biên soạn, dùng trong truyền đạo.

Đến năm 1895 - 1896, “Đại Nam quấc âm tự vị” ra đời. Đây là bộ tự điển tiếng Việt đầu tiên do học giả Huỳnh Tịnh Của (Huình Tịnh Paulus Của) biên soạn, với hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt thống nhất, và đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu sử dụng như một kho tàng ngôn ngữ Việt Nam. Hiện ở nước ta, bản gốc của bộ sách in vào thế kỷ 19 này chỉ còn vài cuốn còn nguyên vẹn.

Ngoài bộ tự vị của học giả Huỳnh Tịnh Của, cũng có rất nhiều bộ tự điển của nhiều tác giả, nhóm tác giả ấn hành, nhưng nổi bật và được giới thức giả tin cậy, sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931); Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (1967); Từ điển Việt Nam của học giả Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (1970). Ngoài ra thời kỳ này còn có các bộ Tự điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh, Hoàng Thúc Trâm… Tự điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính. Đó đều là những công trình ngôn ngữ có giá trị, ghi dấu ấn đáng kể trong quá trình phát triển của tiếng Việt.

2. Trước năm 1975, việc lựa chọn những bộ tự điển để sử dụng trong nhà trường được phụ huynh đặc biệt coi trọng. Thông thường, để được sử dụng phổ thông, bộ tự điển đó phải do một hoặc nhóm học giả có tên tuổi trong giới ngôn ngữ biên soạn; được ngành giáo dục (các trường học) khuyên dùng, cùng sự đánh giá của các học giả ngôn ngữ đương thời và trên dư luận người sử dụng. Thời gian này thông dụng là bộ Tự điển Việt Nam của Thanh Nghị, do Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành.

Sau năm 1975 đến nay phong trào làm tự điển cũng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những tác giả ít tên tuổi, tác phẩm vay mượn, cóp nhặt từ nhiều bộ tự điển trước đó, cuốn Từ điển tiếng Việt (1988) do Hoàng Phê chủ biên cùng nhóm tác giả, được Trung tâm Từ điển học của Viện Ngôn ngữ ấn hành là đáng tin cậy hơn cả và được giới chuyên môn đánh giá cao, khuyên dùng.

Trong thời gian này, học giả Nguyễn Lân cũng có soạn và ấn hành cuốn Tự điển Từ và ngữ Việt Nam (2000) với gần 2.100 trang, được nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam Vũ Khiêu viết lời tựa. Đây là công trình ngôn ngữ đồ sộ, học giả viết bằng cả một đời nghiên cứu của mình. Tuy vậy trong hàng chục vạn mục từ của từ điển được ghi nhận cũng khó tránh khỏi sai lạc. Sau này nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã viết cuốn phê bình, khảo cứu dày gần 550 trang, “nhặt sạn” cuốn từ điển này. Và Hoàng Tuấn Công cũng là tác giả của nhiều bài báo chỉ ra những sai sót của cuốn “Tự điển Chính tả tiếng Việt” mới phát hành gần đây.

3. Trong mục “cẩn chí” của Hán - Việt từ điển (1932) do Nhà xuất bản Minh Tân ấn hành, học giả Đào Duy Anh có viết: “Biên soạn bộ từ điển, thứ nhất để làm tiêu chuẩn và căn cứ cho quốc văn, ví như bộ Dictionnaire de Académie Francaise của nước Pháp hay bộ Khang Hy tự điển của nước Tàu, công việc ấy phải do một tòa Hàn lâm, hay một hội đồng học giả tương đương, công phu đến mấy chục năm mới xong được. Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội đương toan gánh lấy cái trách nhiệm nặng nề, khó khăn ấy, mà có lẽ trong nửa thế kỷ nữa ta mới thấy bộ Việt Nam tự điển hoàn thành…”.

Đoạn văn trên của Đào Duy Anh để thấy, muốn làm một bộ tự điển cho tiếng Việt phải có nội lực văn hóa thâm hậu; vốn liếng ngôn ngữ uyên bác của nhiều người may ra mới làm nổi. Tuy vậy hiện nay, từ nhu cầu người sử dụng, với trợ sức của công nghệ thông tin, tự điển tiếng Việt cứ “trăm hoa đua nở”. Để lựa chọn một bộ tự điển chuẩn mực, có ích lợi cho người dùng; bảo vệ được sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà, thì thông thường, sự thẩm định đầu tiên phải là nhà xuất bản (trước năm 1975 chỉ có NXB Khai Trí và Mặc Lâm đủ căn cơ để làm việc này); sau là sự nhận xét của các học giả, nhà nghiên cứu, người quan tâm đến tiếng nước nhà và dư luận xã hội.

Tiếc rằng hiện nay những những lớp sàng lọc như vậy quá ít, vì vậy các bộ tự điển na ná nhau, hoặc chế tác thêm chút ít cứ mặc sức ấn hành, tung hoành trên thị trường. Tác hại của nó dễ thấy, khi nhiều năm gần đây nhan nhản trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng và hơn hết, sách giáo khoa, hiện tượng chính tả sai lạc; ý nghĩa nhầm lẫn không phải là hiếm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lai rai tự điển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO