Lãi suất cho vay và huy động chênh lệch cao

ĐĂNG CAO 11/05/2021 06:30

Lãi suất huy động giảm là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn rất cao vào thời điểm này. 

Cán bộ Agribank chi nhánh Quảng Nam xem xét để ký kết hợp đồng tín dụng với khách hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cán bộ Agribank chi nhánh Quảng Nam xem xét để ký kết hợp đồng tín dụng với khách hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khoảng cách đầu vào, đầu ra

Yếu tố đầu vào của các ngân hàng tại Quảng Nam là vốn huy động đang có lãi suất thấp. Cụ thể, lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4 - 6%/năm đối với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; 5,6 - 6,8% đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Trong khi đó lãi suất cho vay - yếu tố đầu ra lại đang ở ngưỡng cao. Cụ thể, 6 - 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9 - 11% đối với các món vay trung và dài hạn. Sự chênh lệch này, theo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, là do vốn huy động với lãi suất cao từ các năm trước vẫn còn nhiều nhưng với tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, tín dụng tăng trưởng âm, nên không thể giảm mạnh lãi suất cho vay. 

Thời gian qua, một số ngân hàng tung ra gói tín dụng ưu đãi nhưng để tiếp cận là không dễ. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người dân phải vay với lãi suất cao.

Dù Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên là cho vay nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng triển khai rất chậm. Vì các chương trình ưu tiên cho vay chỉ với lãi suất 4,5% nên các tổ chức tín dụng không mặn mà, ưu tiên cho vay gói thương mại với lãi suất cao.

Cụ thể, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay ứng dụng công nghệ cao. Cho vay nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng từ 21.905 tỷ đồng ở thời điểm tháng 3.2021 lên 22.000 tỷ đồng đến tháng 4.2021. Cũng trong quãng thời gian này, các gói vay ưu tiên còn lại tăng nhỏ giọt.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 4.2021, tổng nợ xấu trên địa bàn là 717,64 tỷ đồng, tăng 5,34% so với đầu năm. Với thực tế này, các tổ chức tín dụng sẽ không giảm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động để tăng lãi ròng, lấy đó trích lập dự phòng rủi ro. 

Doanh nghiệp gặp khó

Vào thời điểm này, dịch Covid-19 lại bùng phát khiến các doanh nghiệp đã gặp khó lại càng thêm chồng chất khó khăn, lại thêm xăng dầu tăng giá. Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp để giảm bớt khó khăn nhưng rất khó tiếp cận. Một trong những nguyên nhân là ngành ngân hàng không đánh giá cao phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành.

Tính riêng chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngày 31.3 đến ngày 30.4, dư nợ cho vay tăng từ 13.989 tỷ đồng lên 14.162 tỷ đồng (tăng 1,24%); hay cho vay xuất khẩu chỉ tăng từ 735 tỷ đồng lên 740 tỷ đồng từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 (0,68%). 

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại chú trọng ký kết hợp đồng, giải ngân vốn vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại tự chủ đánh giá khách hàng vay vốn có đủ điều kiện tiếp cận hay không, dựa vào các yếu tố như phương án sản xuất, kinh doanh hứa hẹn hiệu quả, nhất là chưa vướng vào nợ quá hạn, nợ xấu... 

Hiện các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, doanh nghiệp không dễ có điều kiện vay vốn thì ngân hàng càng khó có lý do đề giảm lãi suất cho vay để hạn chế nguy cơ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lãi suất cho vay và huy động chênh lệch cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO