Trong khi thị trường thực phẩm vẫn còn neo ở giá tết thì người tiêu dùng lại tiếp tục “vấp” vào giá sữa tăng…
Vừa hết tết, chị Phạm Thị Hiếu Hạnh (thôn Quảng Đông, Điện Dương, Điện Bàn) đi mua sữa cho con đã choáng váng khi nghe chủ cửa hàng thông báo “còn tiền thì lo mua sữa để dành cho con đi, sữa chuẩn bị tăng giá đợt mới đó nghe”. Chưa kịp trở tay, vài ngày sau trở lại, sữa đã tăng giá. “Nghe chị chủ cửa hàng thông báo, tôi nghĩ chắc cũng phải đầu tháng 3 sữa mới chính thức tăng chứ. Vì vừa ra tết, mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều phải được tính toán sít sao để cân bằng, tránh thiếu hụt. Ai ngờ, bữa nay đã có giá sữa mới” - chị Hạnh nói. Bà Phương Lan - chủ cửa hàng sữa ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn), cho hay: “Nhiều năm bán mặt hàng này nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận được thông báo tăng giá sữa vào thời điểm như thế này. Bởi, tăng vào dịp này không khác nào làm khó cho người tiêu dùng”. Theo như bảng giá mới, các loại sữa đều có mức giá tăng từ 5 - 10%. Điều đáng nói trong đợt tăng giá lần này, sữa nội tăng đầu tiên như Vinamilk, Nutifood… “Trước tết, tôi mua hộp sữa Grow Plus+ của Nutifood với giá 310.000 đồng/hộp, bữa nay tăng 340.000 đồng/hộp là biết sữa tăng bao nhiêu phần trăm rồi. Sữa nội mà không tính giá bán phù hợp với đời sống kinh tế của người Việt thì có lẽ người tiêu dùng cũng không ưu tiên sản phẩm nội khi mua sắm, sử dụng” - chị Phạm Thị Ân (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn), chia sẻ.
Người tiêu dùng cần có sự minh bạch trong giá sữa. Ảnh: P.AN |
Đợt tăng giá sữa lần này không chỉ làm choáng váng người tiêu dùng mà ngay bản thân người bán hàng cũng không kém ngỡ ngàng. Bởi, theo những người bán mặt hàng này trên địa bàn tỉnh đều thông tin cho khách hàng thân quen mua sữa để dành, tránh đợt tăng giá mới là chỉ tăng giá sữa bột, các sản phẩm liên quan đến sữa như sữa chua, sữa chua uống… đều không tăng nhưng thực tế đều tăng thêm 200 đồng - 1.000 đồng, tùy loại sản phẩm. Việc giá sữa tăng liên tục, tăng cao mà chưa bao giờ có đợt giảm giá đều khiến người tiêu dùng cho rằng các chủ cửa hàng sẽ thu được lợi nhuận khủng. Ở đâu không biết, riêng trên thị trường tỉnh, người bán hàng gần như chỉ lời khoảng 10.000 đồng/hộp sữa. “Thị trường nhỏ nên khách hàng quen nhiều, luôn thông báo trước để người tiêu dùng ứng phó chứ không găm hàng lại. Thêm nữa, chúng tôi luôn chia chiết khấu để giảm giá cho khách hàng. Đơn cử, với sản phẩm Grow Plus+ 900g được nhà phân phối báo giá cũ là 346.000 đồng nhưng thực tế các cửa hàng bán ở mức dao động 306.000 - 310.000 đồng/hộp.
Năm ngoái, trước tình hình giá sữa tăng liên tục, Bộ Y tế đã ban thông tư 30 để quản lý giá nhưng gần như không tác động gì đến tình hình tăng giá sữa. Các công ty sữa luôn viện lý do, giá sữa nguyên liệu tăng nên buộc lòng họ phải tăng nhưng khi giải trình nguyên nhân tăng với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì luôn mập mờ, không rõ ràng. Sữa ngày càng là sản phẩm không thể thiếu với đại đa số người dân nhưng cơ quan chức năng không chặt tay trong quản lý và nhà sản xuất cứ theo đà tăng mà không giảm thì khác nào “làm khó” người tiêu dùng Việt Nam.
PHAN AN