Lại về với gốm Thanh Hà

TRẦN THẮNG 30/09/2018 03:14

Ở ngôi làng nhỏ xinh xắn này, đâu đâu cũng thấy gốm. Gốm như người bạn được truyền nối qua bao thế hệ nghệ nhân Thanh Hà (TP.Hội An).

Khách du lịch bị thu hút bởi kỹ thuật làm gốm thủ công Thanh Hà. Ảnh: LÊ HUY PHƯỚC
Khách du lịch bị thu hút bởi kỹ thuật làm gốm thủ công Thanh Hà. Ảnh: LÊ HUY PHƯỚC

Khách Tây khoái nặn gốm

Hàng ngày, dọc những con đường làng Thanh Hà khách du lịch luôn dập dìu kéo đến. Du khách đến đây tham quan và tỏ ra thích thú khi được tự tay trải nghiệm các công đoạn làm món đồ gốm thủ công. Sau một vòng tham quan, chụp ảnh, cầm nắm những con tò he xinh xinh, hai cô gái trẻ người Anh kéo vào cơ sở gốm của nghệ nhân Lê Quốc Tuấn ở giữa làng để trải nghiệm các công đoạn làm gốm. Cả hai không giấu được vẻ háo hức và thích thú khi nghe hướng dẫn qua một lượt. Trên chiếc bàn xoay, cục đất sét nhão qua tay Natalia dần tròn lại, vuốt cao như chiếc cốc. Chị Sáu, vợ nghệ nhân Lê Quốc Tuấn, đưa dấu tay cho Natalia ấn ngón trỏ vào giữa khối đất và loe rộng ra. Cái ly dần biến hình thành cái bát cơm. Hai vị khách cười ồ lên thích thú. Họ say sưa bên chiếc bàn quay, không ngại ngần đôi tay lấm lem bùn đất. “Đến với nơi này tôi có những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi được trải nghiệm cách làm gốm và tận mắt thấy quy trình sản xuất thủ công ở làng gốm này, thật là thú vị. Như tôi thấy thì ngôi làng này thật là thanh bình và tươi đẹp” – Natalia chia sẻ.

Loay hoay với mẻ gốm mới bên chiếc lò nung, nghệ nhân Lê Quốc Tuấn cho biết, để một sản phẩm gốm ra đời phải trải qua hàng chục công đoạn. Từ làm đất, tạo dáng, trang trí, phơi khô đến lò nung đều cần sự tỉ mẩn và tốn nhiều thời gian. Thứ đất sét tốt phải được lấy từ vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Khi nung xong gốm không bị thô, nứt nẻ. Việc nung gốm cũng phải từ tốn, không được vội lửa để gốm chín đều, lên màu đỏ đẹp và có độ bóng bề mặt.  “Ngày xưa ông bà ta chỉ làm lu, lọ, những vật gia dụng thôi. Còn bây giờ, chúng tôi là thế hệ trẻ phải cách chuyển hướng qua làm gốm mỹ nghệ, phục vụ du lịch để tồn tại và phát triển” – nghệ nhân Lê Quốc Tuấn cho biết.

Mở rộng làng gốm

Gốm Thanh Hà từng trải mấy trăm năm hoàng kim nhưng cũng từng thất thế trước sự phát triển của các vật liệu hiện đại. Tưởng chừng gốm Thanh Hà đã trở thành quá vãng nhưng với sự chuyển hướng nhanh nhạy sang phục vụ du lịch, một lần nữa những bếp lò Thanh Hà lại cháy lên. Ông Nguyễn Hào - Phó ban quản lý Làng gốm Thanh Hà cho biết, điều may mắn là làng gốm nằm chung trong quần thể phố cổ Hội An. Do đó, TP.Hội An sớm có quyết định đưa làng gốm thành một trong các tuyến tham quan du lịch.

Phát triển theo xu hướng mới, định hướng sản phẩm gốm cũng thay đổi. “Xuất phát từ nhu cầu phát triển du lịch kết hợp thương mại sản xuất theo hướng hàng hóa, làng gốm đi theo 3 dòng sản phẩm chính, trong đó dòng gốm truyền thống vẫn giữ nguyên chất liệu và quy trình sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi mở thêm hướng làm gốm lưu niệm phục vụ cho du khách đến tham quan làng nghề và một dòng gốm mới là gốm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho các nhà hàng khách sạn, các cơ sở trang trí nội thất. Qua chuyển đổi, hiện nay làng nghề đã có bước đi cơ bản đúng hướng” – ông Hào chia sẻ. Hiện làng gốm có 33 cơ sở với hơn 80 lao động. Lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng đông, riêng 7 tháng đầu năm nay có hơn 350.000 lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch xấp xỉ hơn 10 tỷ đồng. Người dân Thanh Hà đã có thể sống dựa vào du lịch.

Ông Nguyễn Hào cho biết UBND phường Thanh Hà có tờ trình UBND TP.Hội An xin phép mở rộng thêm quy mô hoạt động của làng gốm và đã được đồng ý. Theo đó, làng gốm có lợi thế nằm bên dòng sông Thu Bồn, phía đối diện có những cánh đồng nông dân đang sản xuất. Khu du lịch làng gốm sẽ tiếp tục mở rộng khớp nối với khu du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực này. Đây sẽ là một đột phá để làng gốm giữ du khách lâu hơn.

TRẦN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại về với gốm Thanh Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO