Lại xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt

GIANG BIÊN - MINH TÂN 28/02/2019 07:02

Tiêu chết hàng loạt tại xã Bình Quế (Thăng Bình) đã diễn ra vào đầu năm 2018. Tuy nhiên tình trạng này lại tiếp tục xuất hiện từ đầu năm 2019 đến nay. Theo thống kê của địa phương, đã có gần 1.000 choái tiêu bị chết ở thời điểm này khiến người dân gặp khó khăn.

Tiêu tiếp tục chết hàng loạt tại xã Bình Quế (Thăng Bình). Ảnh: BIÊN TÂN
Tiêu tiếp tục chết hàng loạt tại xã Bình Quế (Thăng Bình). Ảnh: BIÊN TÂN

HƠN 4 năm trước, số tiền đầu tư trồng hơn 400 choái tiêu của gia đình ông Trương Công Truyền (thôn Bình Quang, xã Bình Quế) đã lên đến 200 triệu đồng. Ngoài việc vay 30 triệu đồng từ chương trình khuyến khích phát triển trồng tiêu của địa phương, ông Truyền còn mượn thêm từ bạn bè. Thế nhưng chưa thu hoạch lần nào, thì vào những ngày đầu năm 2019, những choái tiêu bắt đầu vàng lá và khô héo dần. Bây giờ ông phải dọn những thân cây tiêu bị chết để vệ sinh vườn. Ông Truyền cho biết: “Vào đầu năm 2018, 200 choái tiêu của gia đình bị chết không rõ nguyên nhân. Tôi tiếp tục chăm sóc những choái tiêu còn lại. Tuy nhiên đầu năm nay 200 choái tiêu còn lại cũng chết. Mặc dù các ngành chức năng của huyện, các kỹ sư đã về vườn tiêu nhà tôi để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục nhưng không thể cứu chữa được”. Cây tiêu ở thời điểm năm 2015 được phát triển rộng khắp ở Bình Quế, UBND xã cũng đã có những chính sách hỗ trợ. Nhưng 2 năm liên tiếp cây tiêu bị chết, nông dân lỗ nặng, ít ai ở đây thu được nguồn vốn ban đầu.

Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt và kéo dài từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng của huyện Thăng Bình đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều lớp tập huấn về cách xử lý bệnh trên cây tiêu được triển khai nhưng đều thất bại. Cây tiêu vẫn chết, người nông dân lo lắng. Thời điểm này, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân trồng thêm cây tiêu. Ông  Đinh Văn Lục - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho hay, toàn xã trồng khoảng 7.500 choái tiêu, tuy nhiên dịch bệnh kéo dài từ năm 2018 đến nay đã khiến cho hơn 2.000 choái tiêu bị chết khiến nông dân lỗ nặng. Địa phương cũng rất khó khăn, đắn đo không biết nên khuyến khích người dân tiếp tục trồng hay dừng lại. Mới đây nhất, vào ngày 26.2, địa phương tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý các đối tượng dịch hại trên cây hồ tiêu. Lớp tập huấn diễn ra hy vọng giúp bà con có thêm kiến thức để có thể phòng trừ những loại bệnh đã xuất hiện trên cây tiêu thời gian qua.

Theo ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, căn cứ vào triệu chứng của cây tiêu tại xã Bình Quế, ngành chức năng xác định có 3 loại bệnh xuất hiện là bệnh chết chậm, chết nhanh và tuyến trùng. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, từ đầu năm đến nay đã có thêm 1.000 choái tiêu bị chết. Đây là thiệt hại tương đối lớn. “Về biện pháp khắc phục, chúng tôi đang cố gắng phân tích cho bà con nhân dân xác định được từng loại bệnh. Đối với những vườn tiêu chết nhanh, chết chậm thì không thể cứu vãn, phải chặt bỏ. Về bệnh do tuyến trùng thì tranh thủ trước mùa mưa, hướng dẫn bà con bón phân, xử lý thuốc bảo vệ thực vật để vườn tiêu hồi phục. Cây tiêu thường xuất hiện các loại bệnh như trên bởi đây là cây công nghiệp lâu năm, điều kiện thổ nhưỡng, các yếu tố về thời tiết cũng như biện pháp chăm sóc rất quan trọng. Nếu người dân làm không đúng quy trình, đất đai không đầy đủ dinh dưỡng, thời tiết bất lợi thì các loại bệnh xuất hiện. Do đó bà con phải tuân thủ để việc chăm sóc đạt hiệu quả hơn” - ông Quảng nói.

GIANG BIÊN - MINH TÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO