Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đất nước, trong đó phải kể đến tư tưởng “canh tân” với hàm nghĩa sâu rộng và có tính thời sự cho đến ngày nay.
Kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, với thông điệp nhấn mạnh đến tư tưởng canh tân đất nước mà ông cùng các đồng chí của mình và nhiều nhà cách mạng đương thời khởi xướng.
Hội thảo là sự kế thừa và phát triển tiếp nối các thành tựu nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua về nhà yêu nước Phan Châu Trinh, về tư tưởng canh tân và phong trào Duy tân.
Tuy nhiên, khi đề cập từ “canh tân”, đã có không ít người nhầm lẫn nghĩa từ, khi không đối chiếu nghĩa gốc của các từ Hán Việt với từ tiếng Việt viết theo chữ quốc ngữ.
Thực tế, từ “canh tân” là hai chữ Hán ghép lại.
Chữ canh 更, được tạo theo phép hội ý từ bộ viết 曰 và bộ hựu 又, nghĩa nguyên thủy là dùng lời nói và cánh tay (tức sự răn đe) để sửa đổi (thói xấu) ở đứa trẻ. Chữ canh vì thế nghĩa là sửa đổi, chỉnh sửa. Về sau, chữ này dùng chỉ khoảng thời gian được tính vào ban đêm: “đêm năm canh, ngày sáu khắc”… Phát âm Hán Việt, cũng đọc chữ này là cánh, nghĩa là càng, thêm vào…
Chữ canh này, đồng âm, nhưng khác nghĩa với chữ canh 庚, được tạo bằng phép tượng hình trong chữ Hán, vẽ hình một loại nông cụ cổ xưa, dùng đập lúa lấy hạt. Kim văn Trung Quốc dùng hình vẽ này để chỉ vật dụng thu hoạch, nghĩa là chỉ thời gian thu hoạch theo vụ mùa lúa chín.
Chữ canh 庚 có nghĩa là mùa vụ, thời điểm thu hoạch. Về sau, chữ canh này mở rộng nghĩa, được dùng để chỉ thiên can thứ 7 trong nông lịch phương Đông (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý).
Ngoài ra, còn một chữ canh 耕 cũng được tạo theo phép hội ý, lấy chữ lỗi (耒, cái cày) ghép với chữ tỉnh (井, cái giếng), để biểu thị nghĩa: dùng cày và đào giếng để làm ruộng, hợp nghĩa chung là làm ruộng, ruộng đất, từ hay thấy là canh nông.
Còn chữ tân 新, được tạo theo phép hội ý trong chữ Hán, lấy bộ cân (斤, cái rìu) ghép với bộ mộc (木, cái cây) và bộ lập (立, làm nên) diễn đạt ý: dùng rìu đẽo cây gỗ làm ra vật dụng mới, gọi là tân, nghĩa là cái mới.
Chữ canh tân 更新, theo vậy nghĩa là làm nên cái mới, song chữ canh phải được hiểu đúng nghĩa. Đó là chỉnh sửa, sửa đổi theo cái mới. Chữ canh được dùng là chữ canh 更 sửa đổi; không phải là chữ canh 庚 mùa vụ, lại càng không phải chữ canh 耕 ruộng đồng.
Một số người từng nhầm lẫn, cho canh tân nghĩa là đổi mới ruộng đồng, có lẽ gắn với tư tưởng canh tân đất nước mà Nguyễn Trường Tộ từng đề xuất, theo hướng cải cách từ canh tác nông nghiệp, chỉnh đốn việc quản lý, tổ chức sản xuất trên đồng ruộng. Chữ canh, được hiểu nhầm, chính là hai chữ canh nghĩa mùa vụ và ruộng đồng.
Song thực chất trong tư tưởng canh tân của các học giả Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ, đặc biệt là ở Phan Châu Trinh, khái niệm canh tân chính là phải quyết liệt gạt bỏ những cái cũ lạc hậu, lỗi thời, mạnh dạn làm cách mạng, thay đổi, chỉnh sửa lại, tạo dựng cái mới để phát triển đất nước, đi từ kinh tế, giáo dục, nhận thức xã hội…
Chữ canh tân trong tư tưởng Phan Châu Trinh, vì thế thực sự là thiên hướng cải cách mạnh mẽ, quyết liệt làm cách mạng tư tưởng để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” một cách toàn diện, tạo động lực thực sự thay đổi xã hội và đổi mới đất nước. Tư tưởng canh tân, chính là công cuộc vận động, làm cuộc cách mạng toàn diện cho đất nước hồi sinh và vươn mình mạnh mẽ, dám đổi mới để phát triển.