Nếu có dịp đi cùng các cán bộ tuần tra Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhìn cách nâng niu, chăm sóc hệ sinh vật biển mà tiêu biểu là các rạn san hô mới thấy rõ niềm say mê và nhiệt tình với công việc của họ.
Một chuyến phiêu lưu
Thực tế những người gắn bó với công việc này đều là cánh đàn ông sức dài vai rộng mới có thể kham được. Những ngày mùa đông vừa lặng dông bão, mưa lất phất và gió thổi phần phật, nhưng từ sáng sớm, các thanh niên trai trẻ của lực lượng tuần tra đã phải xách giỏ đi chợ chuẩn bị cho chuyến đi lặn thị sát. Dòng nước đỏ ngầu từ phía đất liền đổ về mang theo những mảng lục bình lớn và cả trầm tích những ngày này là mối nguy hại với san hô.
Vừa xong một đợt thời tiết xấu, mặc cho tiết trời mưa lạnh, cả đội vẫn ra quân đến thăm nom những người bạn dưới biển, chỉ để đảm bảo chúng vẫn an toàn đi qua bão tố. Để lượn một vòng quanh các rạn san hô tại Cù Lao Chàm, phải mất gần một tuần ngâm mình dưới nước chứ không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” như phần đông du khách đến đây từng được tiếp xúc với các rạn san hô. Công tác kiểm tra được thực hiện vài ba tháng một lần nhưng nếu gặp sự cố đặc biệt như thiên tai bão lũ có nguy cơ gây hại rạn san hô thì cứ thế mà đi bất kể thời tiết. Những ngày hè nắng đẹp thì không thành vấn đề gì, đến mùa đông lạnh buốt, dòng nước ngầm chảy xiết hơn khiến các thành viên trong đội phải cẩn thận cảnh giác cao độ để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Do mỗi đợt kiểm tra kéo dài hàng tuần nên cán bộ khu bảo tồn ăn uống ngay tại chỗ. |
Ấy vậy mà bẵng đi một thời gian không tiếp xúc với san hô thì những chàng trai này lại nhớ. Bởi với họ thế giới dưới nước đã trở thành một phần trong cuộc sống của mình. Bởi vậy nên mới có chuyện anh Huỳnh Văn Đức (một trong những thành viên từ ngày đầu của đội tuần tra) mới ra viện chỉ vài ngày sau khi tán sỏi thận nhớ nghề quá mà vừa trở về đơn vị đã xuống nước ngay. Làm công tác bảo tồn, kiểm tra san hô không chỉ là việc tay chân mà phải nhiều giờ liền trở thành thợ lặn, ghi lại số liệu dưới nước, quan sát phát hiện bất thường, kể cả ghi nhớ tên giống loài san hô khó nhằn không phải là điều dễ dàng.
Nặng gánh nỗi lo
Làm bảo tồn hay bất kỳ công tác nào liên quan đến môi trường bây giờ cũng trăm ngàn nỗi lo. Với một vùng biển “giàu có” như Cù Lao Chàm, nỗi lo ấy càng tăng gấp bội, lo từ trên bờ xuống biển. Anh Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ: “Mỗi lần đi khảo sát về, thấy san hô khỏe là mình vui, còn nếu xuất hiện dấu hiệu bị tẩy trắng hay bị ai đó giẫm đạp dù chút xíu thôi cũng thấy đau lòng lắm”. Không đau lòng sao được khi họ đã nhiều năm trời mất ăn mất ngủ cùng san hô Cù Lao Chàm, chính tay ươm trồng những vườn san hô để phục hồi đáng kể bởi rạn san hô trước khi có công tác bảo tồn đã bị tàn phá khá nhiều.
Vào mùa đông những thợ lặn phải rất cẩn thận với dòng nước ngầm chảy xiết. Ảnh: Q.T |
Với hơn 311ha rạn san hô cùng nhiều loài hải sản giá trị, ngư trường giàu cá tôm này luôn là địa điểm ưa thích để ngư dân tập trung khai thác. Ngày trước, người dân trên đảo cũng từng có một thời gian dài khai thác quá mức san hô. Chính Ban quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm lại miệt mài tuyên truyền, thuyết phục bà con xứ đảo mới bỏ được nạn khai thác. Nhưng thời gian gần đây, ngư dân nhiều vùng khác với các phương tiện khai thác hủy diệt như giã cào, thuốc nổ được coi là mối đe dọa hàng đầu với san hô và hệ sinh thái biển xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê từ phòng tuần tra (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), trong năm nay đã có gần 50 vụ vi phạm nguồn lợi biển khi khai thác trong vùng cấm của khu bảo tồn đó là chưa tính hàng chục vụ vi phạm khác bị phát hiện nhưng kịp chạy thoát.
Cũng vì lẽ đó mà các thành viên phải kiêm thêm nhiệm vụ của một bảo vệ đi tuần tra, giám sát bất kể nắng hay mưa, ban trưa hay đêm khuya. Chỉ cần phát hiện có thuyền đột nhập vào vùng cấm khai thác, lực lượng cán bộ bảo tồn cũng phải sẵn sàng lên đường truy bắt, xua đuổi các đối tượng. Thực tế, bảo tồn biển, bảo tồn san hô chính là duy trì nguồn lợi thủy sản phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch. Những dấu hiệu tích cực của hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm trong thời gian gần đây có dấu ấn đáng kể của cán bộ bảo tồn. Tuy nhiên biết bao nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang chực chờ trước mắt và con đường của họ vẫn còn lắm gian nan.
QUỐC TUẤN