Môi trường

Làm bạn với thiên nhiên

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 18/05/2025 10:42

Trong những lần dự hội thảo tại Đà Nẵng về chủ đề xử lý chất thải rắn hay trong các hội thảo khác về môi trường, tôi vẫn thường gặp PGS – TS. Kiều Thị Kính. Là chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt, cô luôn tạo ấn tượng với mọi người bằng những phát biểu chắc chắn, khoa học...

Kiều Thị Kính và tấm bằng tiến sĩ được cấp từ trường Đại học Kyoto ( Nhật Bản). ảnh: NVCC
Kiều Thị Kính và tấm bằng tiến sĩ được cấp từ trường Đại học Kyoto ( Nhật Bản). ảnh: NVCC

Từ tình yêu thiên nhiên

Kiều Thị Kính, sinh năm 1986 tại Điện Bàn. Thời điểm được phong học hàm phó giáo sư vào năm 2023, cô mới 37 tuổi - là một trong số những PGS –TS trẻ nhất ở lĩnh vực giáo dục được xét công nhận. Tính cách vui vẻ, hòa đồng cùng phong cách giản dị dễ gần là điều tôi nhận thấy khi tiếp xúc với nữ PGS – TS trẻ này.

Kiều Thị Kính đã có 26 bài báo khoa học, trong đó có 7 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín vã đã xuất bản 6 cuốn sách. Hiện cô là giảng viên khoa giáo dục mầm non tại trường Đại học sư phạm Đà Nẵng.

Yêu thiên nhiên ngay từ bé, Kính đã theo học và tốt nghiệp năm 2009 chuyên ngành công nghệ môi trường tại trường Đại học bách khoa Đà Nẵng. Trong quãng thời gian là sinh viên, Kính được chọn là đại sứ môi trường và cô tiếp tục học lên lấy bằng thạc sỹ cùng chuyên ngành. Năm 2013 khi đang là giảng viên tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Kính nhận được học bổng toàn phần cho chương trình du học tại trường đại học Kyoto.

Năm 2017, Kính bảo vệ thành công tiến sỹ với ngành Quản lý môi trường tại Trường Đại học Kyoto. Các nghiên cứu chính của cô từ giáo dục môi trường cho đến giáo dục vì sự phát triển bền vững; việc đổi mới giáo dục đại học và nghiên cứu về giáo dục môi trường vì sự phát triển cộng đồng.

Kính tâm sự, cô chọn học ngành giáo dục vì yêu thích nghề dạy học. Theo cô, giáo dục là nền tảng tiên quyết, có vai trò quan trọng để đi đến thành công trong xử lý công việc. “Chẳng hạn, muốn bảo vệ môi trường cần phải giáo dục trẻ em ở lứa tuổi mầm non về tình yêu với môi trường sống xung quanh và cho các em tiếp cận với môi trường thiên nhiên khi còn nhỏ, tập cho trẻ em biết cách giữ gìn và bảo vệ môi trường sống chung quanh” - Kiều Thị Kính nói.

Năm 2021, Kính sáng lập Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển Bền vững (BUS) và cũng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập tổ chức này. BUS là một tổ chức phi chính phủ, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng.

ktkha1.jpg
Kiều Thị Kính (áo vàng, đứng) trong buổi làm việc với người dân phường Cẩm Nam (Hội An) để triển khai thực hiện chương trình thu phí chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích phát sinh (VBWF)

BUS ra đời với sứ mệnh thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức (chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp…) nhằm phát triển cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống, ngăn ngừa suy thoái môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Các lĩnh vực trọng tâm của BUS gồm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là tài nguyên biển), quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm môi trường và các hoạt động truyền thông, vận động chính sách vì sự phát triển bền vững.

Tổ chức BUS kết hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai một số chương trình như: Áp dụng cơ sở thu hồi rác tài nguyên để giảm ô nhiễm rác thải nhựa tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), Tư vấn quyền lao động cho nhóm thu gom phi chính thức tại thành phố Nha Trang, Tiến hành nghiên cứu cơ sở cho hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thí điểm thu rác thải sinh hoạt theo khối lượng (VBWF) – IUCN (Hội An); Xây dựng đề án thu phí chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích phát sinh VBWF tại thành phố Hội An, …

Từ kiến thức có được trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm và học hỏi của mình, nữ PGS –TS trẻ đã mang những chương trình, dự án về môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ triển khai ở nhiều nơi trên cả nước, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Đi tìm giá trị bản thân

Tại TP.Hội An, PGS - TS Kiều Thị Kính triển khai thực hiện chương trình thu phí chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích phát sinh (VBWF) và nhận được những hiệu ứng tích cực.

ktkht.jpg
TS. Kiều Thị Kính (giữa) trình bày báo cáo nghiên cứu Quốc tế hóa giáo dục đại học và đại học bền vững tại Việt Nam tại hội thảo “Diễn đàn ULYSSEUS - Đại học Đà Nẵng: Hợp tác đào tạo - Nghiên cứu - Sáng tạo thành phố thông minh (UDERIF 2023).

Chương trình thí điểm về thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng và thể tích (VBWF) được thực hiện thử nghiệm tại phường Cẩm Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức phi chính phủ và Trung tâm BUS.

Sau đó, UBND TP.Hội An đã phê duyệt mở rộng trên toàn thành phố nhờ vào các kết quả tích cực của chương trình thử nghiệm giai đoạn đầu. Dự án đã bàn giao 100 thùng rác 3 ngăn làm từ 2.500kg rác thải nhựa giá trị thấp và 54 “Ngôi nhà xanh” làm từ vật liệu tái chế.

Một loạt hoạt động truyền thông đã được triển khai để nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý rác thải. Đến tháng 4/2023, từ mô hình ngôi nhà xanh đã thu gom được hàng ngàn kilogam vỏ lon, giấy vụn, sắt vụn, nhựa và đã có 5,3 tấn rác thải nhựa được tái chế.

Tháng 12/2024, chương trình đã vinh dự nhận giải nhì trong cuộc thi “Giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) tổ chức tại Đà Nẵng.

Với niềm tin và hy vọng, Kiều Thị Kính nói, cô tin tưởng vào sự thành công của chương trình, bởi từ “cái tâm”, “cái tình”, sự nhiệt tình của người dân phố Hội sẽ đưa nơi đây thành nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm việc thu gom phí rác theo khối lượng. Sau 3 năm triển khai, dự án đã có những hiệu quả tốt đẹp trên địa bàn TP.Hội An.

img_9276.jpg
Kiều Thị Kính (người đứng) trong buổi làm việc với Hội Nông dân TP.Đà Nẵng về việc xử lý rác thải sinh hoạt.

TP.Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo Luật Bảo vệ môi trường. Kiều Thị Kính cho rằng, muốn thu phí rác thì liên quan mật thiết đến phân loại rác tại nguồn. Khi phân loại tốt, mục tiêu giảm rác thải sẽ có.

Túi mà TP.Hội An bán cho người dân đã được quy ra trọng lượng, nếu phát thải càng nhiều thì buộc phải nộp tiền rác càng nhiều. Vì vậy, người dân phải giảm phát thải, trong đó rác mềm tự xử lý được sẽ giảm nhiều chi phí hằng tháng cho người dân. Theo luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2025, nếu hộ dân nào không xử lý, phân loại rác thì sẽ bị phạt.

Từ sự yêu thích thiên nhiên, môi trường sống chung quanh như cỏ cây hoa lá… của thời thơ ấu, cộng với những bảo bọc và hướng dẫn và giáo dục của bố mẹ trong gia đình về việc giữ gìn sự sống, bảo vệ cây trồng và thiên nhiên, Kính nói, đó cũng là lý do cô chọn ngành giáo dục mầm non. Bởi lẽ, những đứa trẻ từ lúc ấu thơ cảm nhận được sự quý giá của môi trường thiên nhiên trong lành sẽ có tình yêu với môi trường và ý thức bảo vệ chăm sóc không gian sống của mình.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm bạn với thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO