Trong đời cầm bút, nhiều tác giả danh tiếng làm và chơi thật “linh hoạt”. Có thể mưu sinh bằng những bài báo trần trụi thời sự, và cũng chính người đó lại thăng hoa với những trang văn bay bổng…
Làm
Vũ Trọng Phụng được xếp vào top nhà báo “túng bấn” nhất, thời điểm chưa vợ con nhưng phải lo kiếm tiền nuôi bà nội và mẹ. Người “bình xét” chính là Vũ Bằng, nhắc trong Bốn mươi năm “nói láo”, quyển sách được cho là “lớn nhất và đáng đọc nhất trong thể hồi ký về lịch sử báo chí Việt Nam thời kỳ hiện đại” như lời giới thiệu trong ấn bản năm 2015. Khoảng 18 - 19 tuổi, Vũ Trọng Phụng đã phải đi làm thư ký cho nhà in IDEO để kiếm mỗi tháng 12 đồng bạc. Đến tối, về nhà, lại lo viết truyện ngắn để “bán” cho tờ Ngọ Báo và Nông Công Thương… Lúc đồng sự đi hát hay rượu chè, Vũ Trọng Phụng chỉ ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác, kiếm tiền.
Giai đoạn tờ Công Dân bị đóng cửa, Vũ Trọng Phụng viết các cuốn nổi tiếng như Dứt tình, Giông tố. Nhưng Giông tố không viết liền một hơi mà “cuốn chiếu” từng kỳ đăng trên Hà Nội báo, bởi Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết… quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho Hà Nội báo, Vũ Trọng Phụng lại “ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên là có ai biết kỳ trước Giông tố đã viết đến đoạn nào không”. Và chính ông phải tìm tờ báo đọc lại kỳ trước, xem mình đã viết đến đâu (!) rồi mới phủ phục xuống giường để… viết tiếp. Vũ Bằng kể, lúc đó, tác giả Giông tố lưỡi lè ra như lưỡi thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề “sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sinh sống”.
Vũ Bằng cũng nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh (chủ bút của nhiều tờ báo nổi tiếng như Đăng cổ tùng báo, Trung Bắc tân văn…) với những tháng ngày bức bí. Mấy ngân hàng thúc nợ, dọa tịch thu gia sản. Báo mấy tháng không trả lương, nhân viên bỏ bê công việc. Hai bà vợ xích mích. Con cái ăn chơi phè phỡn… Thế là ông phải “làm việc”. Có lần Nguyễn Văn Vĩnh giận chuyện gia đình bỏ lên căn gác, nằm khoèo, nhờ bác sĩ Tụng (bạn thân) mua cho mẹt bún ăn trừ cơm. Rồi cùng lúc ông viết bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo thư cho Toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy, dịch miệng “Têlêmac phiêu lưu ký” cho một người khác ghi...
Chơi
Ông Nguyễn Văn Vĩnh liệu có còn thời gian để chơi không? Nếu không, ông sẽ chẳng thể nào có được khối tác phẩm đồ sộ: dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, dịch tiểu thuyết của Alexandre Dumas (cha), Victor Hugo, Balzac, kịch nói của Molière… Chỉ riêng tác phẩm Manon Lescaut (tiểu thuyết của Abbé Prévost), qua chuyển ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh trở thành Mai-nương Lệ-cốt, và theo nhiều bạn văn kể lại đây chính là tác phẩm dịch được ông chăm chút từng câu, “đầu tư” không ít thời gian và chất xám.
Còn “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” Vũ Trọng Phụng, nhắc về ông là người ta nghĩ ngay đến các tiểu thuyết lừng danh như Số đỏ, Giông tố, Lấy nhau vì tình... Cực khổ kiếm tiền là vậy, bị xếp vào top nhà báo “túng bấn” một cách bất đắc dĩ, nhưng nếu không dành cho văn chương chữ nghĩa một không gian đặc biệt thì hẳn Vũ Trọng Phụng càng không được hậu thế xếp vào top nhà văn lừng danh.
Còn Nguyễn Vỹ, mới 16 tuổi đã viết bài trên tờ Tiếng Dân nổi tiếng của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1937, tức ở tuổi 25, Nguyễn Vỹ ra tờ báo đầu tiên Le Cygne (Bạch Nga) song ngữ Việt - Pháp, có sự tham gia của nhà văn Trương Tửu. Tiếp đến là những tờ Tổ quốc, Dân chủ, Dân ta, bán nguyệt san Phổ thông, tuần báo Thằng Bờm… Một sự nghiệp làm báo bận rộn, liệu còn chỗ để cho văn nghiệp “chen” vào?
Chúng tôi đọc thấy nhiều chuyện thú vị về Nguyễn Vỹ trong cuốn Mặc khách Sài Gòn (Tô Kiều Ngân, NXB Hồng Đức & Nhã Nam, 2014). Nguyễn Vỹ xuất bản tập thơ đầu tiên năm 22 tuổi song ngữ Pháp - Việt, “Premières Poésies – Tập thơ đầu”. Thêm 3 tập thơ sau đó, tất nhiên phải kể đến cuốn Tuấn, chàng trai nước Việt, hồi ký văn học Văn thi sĩ tiền chiến… và hàng loạt tiểu thuyết khác. Tác giả Tô Kiều Ngân (1926 - 2012) cũng là chỗ thân tình với Nguyễn Vỹ, Đinh Hùng nên ông đủ cơ sở để đưa ra nhận xét rằng: Ít có nhà thơ nào say mê đi tìm những hình thức mới, những thể thơ lạ như Nguyễn Vỹ. Nhắc lại, Nguyễn Vỹ là người khuếch trương thể thơ 12 chân (thơ alexandrin của Tây phương vốn thịnh hành từ thế kỷ 12), gò mình xếp thơ để những dòng chữ có hình dáng cò bay trong bài “Cò bay”, xếp chữ hình thoi cho bài “Mưa rào”…
Vừa làm vừa chơi
Nhắc văn nghiệp đồ sộ và về sự say mê cổ xúy cách tân hình thức thơ của Nguyễn Vỹ, để mọi người “đối chiếu” trở lại với lời than vãn về nỗi khổ vang động suốt mấy mươi năm nay trong bài thơ “Gửi Trương Tửu”: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó!”. Và rồi, đoạn cuối bài thơ cứ như nảy tưng lên theo từng dấu chấm than: “Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!/ Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ!”. Mới hay, trong chuyện “chơi” của nhà văn - nhà báo ấy, có cả chuyện “làm” (để giải nỗi “khổ như chó”) cũng của chính con người ấy.
Còn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một “ẩn số” khác. Đã có lần ông Vũ Hùng Toán, quản lý tạp chí An Nam, mời Vũ Bằng (với tư cách bỉnh bút) đến thăm ông chủ bút Tản Đà. “Tản Đà, thấy tôi vào, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu, mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp, rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say”, Vũ Bằng nhớ lại.
Những dòng kế tiếp mô tả về cảnh ông chủ bút tạp chí An Nam Tản Đà uống rượu bình thơ, lại bình thơ của chính mình. Nhà thơ uống một tợp, gắp một miếng mồi trên chiếc mâm nhỏ trước mặt, khà một cái, hơ tay vào lò than rồi rung đùi ngâm: “Vèo trông lá rụng đầy sân/ Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. Ngâm xong, liền hỏi Vũ Bằng: “Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm chứ, hay lắm chứ!”.
Trong Bốn mươi năm “nói láo”, ở tiểu mục về “Tiểu thuyết thứ bảy” như gom hết các cây bút cự phách của Việt Nam. Có một Nguyễn Tuân ưa đọc Dostoievsky. Có một Nam Cao ít đọc truyện Tàu, lần đầu chui vô mùng đọc truyện Tam quốc cùng Vũ Bằng đã khoái chí cười lớn và đưa ngay chi tiết nhân vật Hoàng vỗ đùi khen “Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!” vào truyện ngắn “Đôi mắt”. Có một Lưu Trọng Lư lúc nào cũng lơ mơ như ở trên mặt trăng rớt xuống, làm thơ như một ký giả lão thành viết báo…
Còn Vũ Bằng thì sao? Ông kinh qua quá nhiều tòa soạn báo trong Nam ngoài Bắc sau mấy thập kỷ, chuyện này không cần nhắc lại. Riêng chuyện văn chương, chúng tôi chỉ thấy ông hé lộ chút ít về cuốn Miếng ngon Hà Nội từng được đăng trên báo Mới. Rồi ông tự nhủ, đi đến 1,5 vạn ngày đường trong nghề báo mà không kiếm được một sàng khôn, khác xa kinh nghiệm dân gian cho rằng chỉ đi một ngày đàng đã học được một sàng khôn. Nhưng hẳn là ông đang tự trào. Vì ai cũng biết, bút danh Vũ Bằng gắn liền với thể loại hồi ký trữ tình. Ông viết Thương nhớ mười hai ròng rã hơn 10 năm (kể từ năm 1960), giai đoạn nghề báo ở miền Nam cũng rất nóng bỏng.
Vậy chỉ có thể Vũ Bằng lách mình ra để trải lòng trên những trang văn tinh tế về ký ức xưa cũ ở xứ Bắc lạnh giá, ngay khi tác giả đang vật vã kiếm sống bằng nghề báo ở phương Nam nắng nóng. Một phong cách “vừa làm vừa chơi” thượng thừa.