Làm báo dễ hay khó?

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP 19/06/2017 08:46

Trong một lần gặp mặt, giao lưu của các đồng nghiệp làm báo chuyên và không chuyên khu vực miền Trung, câu chuyện tình cờ xoay quanh đề tài: làm báo dễ hay khó?

Tác nghiệp vùng bão lũ.
Tác nghiệp vùng bão lũ.

Những “tân binh” vừa tập tành vào nghề khẳng định như đinh đóng cột: quá khó! Vì báo chí, nếu không tìm được lối vào thì cứ gọi là mải miết đi… vòng ngoài. Còn số đã từng được đào tạo qua trường lớp, cho rằng: làm tin thì dễ chứ phóng sự, ghi nhanh, ký… khó lắm. Khó trong chọn chủ đề, trong khai thác tư liệu và cực khó để có thời điểm “vàng” thông tin. Vậy câu trả lời của những nhà báo thâm niên thì sao? Làm báo không khó nhưng cũng không hề dễ dàng. Bằng chứng là, ai cũng có thể viết báo và được đăng báo nhưng các tòa soạn vẫn phải tuyển chọn đội ngũ phóng viên vô cùng kỹ càng, để đội quân này có thể “tả xung hữu đột” xử lý thành công những ca khó, những tình huống ngặt nghèo nhất.
Báo chí cũng là nghề nguy hiểm, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người làm báo phải có mặt ở vùng chiến sự, nơi tâm bão, rốn lũ…, cơ động bằng mọi phương tiện để có mặt tận nơi khắc họa sinh động từng chi tiết câu chuyện đời sống. Đã có nhiều nhà báo hy sinh, bị thương trong chiến tranh, và ngày nay gặp tai nạn trong quá trình công tác. Cùng với đó “tai nạn nghề nghiệp” luôn rình rập. Thời đại internet phủ sóng toàn cầu, người làm báo phải thường trực đối mặt với 2 áp lực: thông tin nhanh và chính xác. Ông bà ta nói “nhanh nhảu đoảng”, nhanh mà chưa kiểm chứng, đối chiếu, cân nhắc… đã nhấn nút “enter” gửi đi thì hậu họa xem ra khôn lường. Nhẹ thì bị phê bình, khiển trách, nặng thì bị kỷ luật, treo bút, lại còn vạ lây đến cả tòa soạn.

Đành rằng, trong điều kiện thông tin liên lạc thuận tiện như hiện nay, người làm báo (báo viết, báo nói, báo điện tử) có thể ngồi một chỗ cũng lấy được thông tin để cho ra những sản phẩm báo chí. Nhưng những sản phẩm đó, dù kỹ năng có điêu luyện đến đâu vẫn thiếu sự rung động của cảm xúc - điều làm cho các bài báo “có hồn”, chạm được vào tâm tư, tình cảm, trái tim của bạn đọc, giúp tác phẩm báo chí có sức sống lâu bền, phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận. Vì vậy, không kể nam nay nữ, trẻ hay già, khỏe hay yếu, bận bịu hay rảnh rang, lâu năm hay mới vào nghề, đã là phóng viên thì phải “phóng” theo các sự kiện, xông vào tận nơi quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép…

Phóng viên tác nghiệp phản ánh công tác chữa cháy rừng ở đèo Hải Vân, khu vực địa phận TP.Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Diệp
Phóng viên tác nghiệp phản ánh công tác chữa cháy rừng ở đèo Hải Vân, khu vực địa phận TP.Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Diệp

Tại các sự kiện, người làm báo luôn là khách mời đặc biệt (và đôi khi là khách đặc biệt không mời). Hết chạy chỗ này lại sang chỗ kia chụp, quay, tiếp cận nhân chứng, thu thập thông tin, rồi xử lý tư liệu ngay tại hiện trường. Với họ hoàn thành tác phẩm báo chí nhanh chóng và chất lượng là mệnh lệnh tối thượng, là uy tín và danh dự nghề nghiệp.

Muốn thủy chung với nghề báo còn cần có một hậu phương đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Bởi lẽ nhà báo phải tác nghiệp không kể sớm tối, mưa bão, nhất là thực hiện các bài phóng sự điều tra, tâm thế như một chiến  binh ra chiến trường. Đôi khi giữa đêm đang ngon giấc bỗng “reng, reng, reng”, một cuộc điện thoại thông báo có tình huống đột xuất xảy ra, thế là lập tức vác ba lô lên đường. Nếu vợ (chồng) không hiểu, cảm thông mà bán tín bán nghi, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia thì rất dễ “cơm không lành, canh không ngọt”.

Nói là nói vậy, làm báo không chỉ vất vả, gian nan mà còn rất đỗi vinh quang. Được đi đây đi đó, gặp nhiều người, biết nhiều nơi, thăm thú danh lam thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên, làm quen phong tục tập quán các vùng miền, có thêm nhiều bạn bè… đúng như ông bà ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tác phẩm làm ra được công chúng trong và ngoài nước biết đến. Đó là chưa kể những giải thưởng báo chí danh giá, phần thưởng xứng đáng cho quá trình lao động nghiêm túc, vắt kiệt sức mình.

Cụ Nguyễn Du từng chiêm nghiệm: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần đất xa”. Làm báo là cơ hội vàng để trải nghiệm mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Mà đời người ai cũng chỉ sống có một lần, “Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí” (câu nói nổi tiếng của Pavel Korchagin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy). Vậy thì hà cớ gì không gắn bó khi đã chọn nghề báo?

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm báo dễ hay khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO