Làm chủ tốc độ và cự ly

SÁU CÒI 06/10/2019 19:06

Để tránh những va chạm đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người đi đường, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều quy định liên quan đến tốc độ lưu hành, khoảng cách di chuyển giữa các phương tiện với nhau.

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được khuyến cáo phải chạy xe với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác. Nếu không tuân thủ, nguy cơ tự gây tai nạn giao thông (TNGT) do không giữ vững được tay lái, hoặc đâm vào người, phương tiện cùng đồng hành là rất cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chạy quá tốc độ là một trong những nguyên chính của TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người. Cứ 3 nạn nhân thiệt mạng do TNGT thì có 1 người liên quan đến tốc độ. Tốc độ phương tiện càng cao, nguy cơ càng lớn. Ngoài ra, tốc độ phương tiện cũng có mối quan hệ với hậu quả của vụ tai nạn và tỷ lệ thương tích đối với các nạn nhân. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức cho thấy, một hành khách ngồi trong xe ô tô con có tốc độ 80km/h, khi xảy ra va chạm khả năng tử vong cao hơn gấp 20 lần so với ở tốc độ 30km/h.

Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu tại Việt Nam cho biết, trong các vụ TNGT giữa xe ô tô con và người đi bộ, nếu xe đi với vận tốc 20 - 30km/h, người đi bộ có 90% cơ hội sống sót, nhưng họ hoàn toàn không có cơ hội sống sót nếu tốc độ đạt từ 80km/h”. Thực tế cho thấy, chạy quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng người điều khiển không cảm giác được không gian, mất thăng bằng và khó giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi phát hiện chướng ngại vật, gia súc qua đường; chuyển hướng xe; qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận. Tình hình càng tồi tệ nếu tốc độ vượt tầm kiểm soát đoạn qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ… Chưa kể, cự ly di chuyển giữa các phương tiện không đảm bảo an toàn cũng tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Đặt ra giới hạn tốc độ và cưỡng chế các lái xe thực hiện theo quy định về tốc độ là những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu TNGT và thương tích liên quan. Bởi vậy, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT (có hiệu lực ngày 15.10.2019) quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người điều khiển phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Đoạn đường không bố trí biển báo hạn chế tốc độ, không bố trí biển báo khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe thì phải thực hiện theo các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 11 của thông tư. Với người điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn Quảng Nam, cần chú ý tuân thủ các quy định tốc độ tối đa trong và ngoài khu vực đông dân cư. Trường hợp ô tô di chuyển trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tốc độ tối đa không vượt quá 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h) và tối thiểu là 60km/h.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm chủ tốc độ và cự ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO