Cứ độ bước vào tháng 12 âm lịch hàng năm, ông Đỗ Phú Nghị, thôn Quảng Lăng (Điện Nam Trung, Điện Bàn) lại có thêm một công việc mới là làm vệ sinh, quét vôi thuê cho những ngôi mộ tại khu nghĩa địa Điện Nam (nghĩa địa Cẩm Hà). Dụng cụ đơn giản, chỉ cây chổi đót, giẻ lau, giấy nhám, sơn vôi và xô đựng nước… ông cùng các “đồng nghiệp” có thể bắt đầu công việc. Đều đặn mỗi sáng ông Nghị cùng những người đàn ông trong thôn lại ra nghĩa địa để chờ việc. Ngoài khách quen từ các năm trước, nhóm của ông cũng lân la tìm đến những khách hàng mới khi thấy họ đi thăm mộ để chào mời. Tùy diện tích mộ lớn, nhỏ mà tiền công cao thấp khác nhau, có thể 200 - 250 nghìn đồng. Trong đó, tô chữ bia giá 50 nghìn đồng; rửa mộ 150 nghìn đồng; quét vôi 50 nghìn đồng. “Có người thưởng thêm tiền khi thấy vừa ý, nhưng với ai thì mình cũng phải làm tận tình chu đáo” - ông Nghị nói. Theo ông Nghị, so với phụ hồ, việc vệ sinh bia mộ tương đối nhẹ nhàng hơn, nhưng đòi hỏi phải có tính cẩn thận. Chính vì vậy, đa số những người làm ở đây đều lớn tuổi, dù ban đầu công việc này chủ yếu dành cho người trẻ. Đến nay, ông Nghị đã có gần 10 năm hành nghề, bình quân mỗi ngày sau khi trừ các chi phí như mua vôi, sơn, chất tẩy… ông và các bạn nghề mỗi người kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng.
Ông Đỗ Phú Nghị vệ sinh bia mộ tại khu nghĩa địa Điện Nam. Ảnh: VĨNH LỘC |
Bà Lê Thị Phương (Điện Phước, Điện Bàn) có mộ cha, mẹ nằm nơi đây cho biết, bà rất yên tâm khi thuê những người lớn tuổi vì họ làm chu đáo. Nhà bà Phương ở xa, con cháu neo người, cuối năm bận rộn nên không thể xuống dọn dẹp vệ sinh bia mộ cho ông bà. Thời gian trước, bà thường thuê mấy người trẻ ở ngoài làng vệ sinh mộ nhưng không yên tâm do các cô cậu thường không cẩn thận, nên vài năm gần đây bà chỉ kêu những người lớn tuổi. “Họ làm thì yên tâm hơn, chứ thật tình thuê mấy đứa nhỏ cũng hơi lo, nhất là trong lúc làm thường ít ý tứ, lỡ có chi không phải với ông bà thì mang tội. Mồ mả cũng như cái nhà, cuối năm phải dọn dẹp vệ sinh cho sạch đẹp” - bà Phương nói. Hiện tại, khu nghĩa địa Điện Nam có hơn 50 người làm công việc lau chùi mồ mả, chủ yếu đến từ các xã lân cận như Điện Nam Trung, Điện Nam Đông… Tùy năm mưa hay nắng mà việc quét vôi, vệ sinh kẻ chữ bia diễn ra sớm hoặc trễ. Tuy nhiên, thông thường qua tháng Chạp công việc sẽ bắt đầu và rộ lên sau mùng 10. Theo ông Văn Sơn, thôn Quảng Lăng (Điện Nam Trung, Điện Bàn), làm nghề gì cũng phải uy tín, với công việc này lại càng phải thành tâm để lấy phước cho con cháu vì đây là nghề làm cho người đã khuất. Với tâm niệm như vậy nên dù gia chủ trả tiền trước hay sau, nhiều hoặc ít ông và những bạn nghề đều tỉ mỉ, chu đáo vừa là cái tâm vừa giữ “mối làm ăn” cho năm sau. Còn với những người có thân nhân yên nghỉ nơi đây, công việc của ông Nghị, ông Sơn… rất đáng trân trọng vì chính họ đã góp phần làm đẹp hơn cho mộ phần của người thân mỗi khi tết đến xuân về.
GIA KHANG