Làm du lịch từ nông sản miền núi

ALĂNG NGƯỚC 26/04/2018 11:10

Từ giá trị thực của nông sản miền núi, huyện Nam Giang đang tiếp tục kết nối hình thành chuỗi sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, vừa tạo cơ hội quảng bá những sản vật của vùng đến với du khách, vừa góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ 2, từ phải sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch mới từ mặt hàng nông sản vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ 2, từ phải sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch mới từ mặt hàng nông sản vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cơ hội từ nông sản

Một buổi sáng trung tuần tháng 4, những phụ nữ Cơ Tu ở thôn Pà Rồng, xã Ta Bhing cùng nhau chăm sóc cánh đồng lúa nước xanh mỡn nằm cạnh tuyến quốc lộ 14D đi lên các xã vùng cao. Đây là cánh đồng lúa nước được canh tác thâm canh lúa theo phương pháp SRI thuộc dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại Quảng Nam” do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ. Theo chị Arất Thị Loan, người dân địa phương cho hay, từ khi mô hình canh tác thâm canh lúa cải tiến SRI được triển khai, bên cạnh cho năng suất lúa cao hơn so với trước đây, các công đoạn gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch cũng dần được giảm nhẹ theo hướng đơn giản. Chưa kể, giống lúa sau vài tháng gieo trồng đã cho lên đòng khá đẹp mắt, thu hút du khách ghé chân trên hành trình đến với làng dệt truyền thống Cơ Tu Za Ra, cùng các điểm tham quan du lịch sinh thái tại Nam Giang.

Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam cho biết, sau một thời gian hoạt động dự án “Hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng Nam Giang”, đơn vị đã lồng ghép đưa các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản đặc trưng của đồng bào vùng cao phục vụ du khách. Từ xây dựng các điểm tham quan độc đáo, trưng bày các mặt hàng nông sản, đến không gian ẩm thực mang đậm bản sắc truyền thống Cơ Tu… đã tạo nên nét mới trong các tour du lịch trải nghiệm về với đại ngàn trong thời gian gần đây. Ngoài ra, thông qua các hoạt động khảo sát thị trường và quảng bá các giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch, kết hợp đưa các chương trình giao lưu, khám phá nét văn hóa, phong tục truyền thống đặc sắc của đồng bào vùng cao đã từng bước hình thành các loại hình sản phẩm mới cho du lịch cộng đồng miền núi. “Bước đầu đưa vào hoạt động, các sản phẩm nông sản của chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, cả về chất lượng sản phẩm lẫn loại hình sản vật. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch miền núi theo chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng được khách hàng ưa chuộng. Đó là lợi thế và chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường. Mặc dù nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nhưng việc tạo ra sản phẩm của người dân địa phương còn hạn chế. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu vận hành và tính toán một cách hợp lý nhất, sao cho giá trị nông sản trở thành loại hình du lịch mới thu hút du khách” - bà Nobuko Otsuki cho biết thêm.

Mở rộng thị trường

Hỗ trợ phát triển dự án tại các huyện miền núi
Sau chuyến khảo sát thực tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có buổi làm việc với huyện Nam Giang và đại diện tổ chức FIDR, chấp thuận với đề xuất mở rộng hỗ trợ phát triển các dự án liên quan đến đầu tư, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp sạch tại các huyện miền núi của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương, đơn vị thực hiện dự án cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, nhằm phát triển đồng bộ, tạo nguồn thu nhập cho người dân, cũng như đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Trong đó, nghiên cứu làm ra chuỗi sản phẩm đa dạng về mẫu mã, có xuất xứ, đảm bảo chất lượng và cần có sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp để sản xuất bền vững. “Tỉnh ủng hộ thực hiện dự án này và sẵn sàng phối hợp, đối ứng về tài chính để triển khai, mở rộng tại địa bàn các huyện miền núi, xem đây là cơ hội phát triển mới về du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ dự án này, cần vận động thêm các tổ chức khác có đủ điều kiện cùng phối hợp tham gia đầu tư, mở rộng và liên kết xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc trưng, hướng đến xây dựng phát triển khu vực nông nghiệp sạch tại miền núi, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Theo bà Nobuko Otsuki, trong thời gian tới, bên cạnh phối hợp với chính quyền địa phương trong việc duy trì các sản phẩm của làng nghề dệt truyền thống Cơ Tu Za Ra, tổ chức FIDR còn kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như liên kết quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với du khách. Trong đó, điểm nhấn vẫn là các hoạt động tham quan khám phá, thưởng thức và trải nghiệm với cuộc sống cộng đồng, thông qua các chương trình biểu diễn cồng chiêng, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, đan lát, cùng thưởng thức không gian ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu… Hiện ở Nam Giang đã có hơn 70 nhóm phát triển sản phẩm được thành lập tại 12/12 xã với hơn 800 thành viên và gần 100 loại sản phẩm đã được thử nghiệm phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, doanh thu từ dự án “Hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng Nam Giang” ước đạt 1,2 tỷ đồng (trong đó, doanh thu từ du lịch 500 triệu đồng; doanh thu HTX dệt Za Ra 200 triệu đồng và doanh thu sản phẩm mới dự án phát triển nông thôn 500 triệu đồng).

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, phát triển du lịch theo các dự án của tổ chức FIDR cho thấy một bức tranh đa sắc màu ở nông thôn miền núi với sự tham gia chủ động từ phía cộng đồng dân tộc thiểu số. Nếp sống, sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào,… dần được khôi phục và đầu tư, giúp du khách có không gian trải nghiệm, khám phá khi tham gia các tour lữ hành về với vùng cao. Đây cũng là cơ hội để đồng bào hình thành thói quen mới trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập từ những công việc, nét sinh hoạt đời thường của bà con. Ông Muộn cũng khuyến cáo việc làm du lịch phải dựa vào yếu tố con người và văn hóa làng vùng cao, vì thế, các dự án đầu tư phải thực sự có kế hoạch cụ thể, tránh làm phá vỡ không gian đặc trưng vốn có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên miền núi. “Bên cạnh làm ra các mẫu sản phẩm mới từ nông sản đặc trưng miền núi, việc khôi phục và nhân giống các loại cây trồng tự nhiên, cũng như xây dựng vùng chuyên canh về sản vật này cũng phải được tính toán hợp lý nhằm đảm bảo cho phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến mở rộng thị trường và kết nối liên vùng, đáp ứng với nhu cầu của du khách” - ông Muộn nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm du lịch từ nông sản miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO