(QNO) - Không chỉ tìm được đầu ra cho sản phẩm nghề dệt tuyền thống Cơ Tu, các mô hình liên kết được thực hiện tại làng Đhơ Rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) còn tạo được cơ hội giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào thông qua việc bán sản phẩm, cũng như mở rộng quảng bá thương hiệu văn hóa dệt Cơ Tu đến với du khách trong và ngoài nước.
Nghề dệt truyền thống Cơ Tu tại làng Đhơ Rôồng được hồi sinh, giúp đồng bào Cơ Tu có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Nhiều năm trước, thật khó tưởng tượng làng nghề dệt của đồng bào Cơ Tu tại làng Đhơ Rôồng lại trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước như bây giờ. Khi các mô hình liên kết được hình thành, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình đầu tư, hỗ trợ tư vấn,... đã giúp làng nghề dệt truyền thống Cơ Tu làng Đhơ Rôồng có cơ hội vươn xa, hồi sinh mạnh mẽ.
Đến làng văn hóa Đhơ Rôồng, ấn tượng đầu tiên với du khách chính là không gian dệt tập trung của các phụ nữ Cơ Tu với nét hoa văn độc đáo, rất lạ mắt. Chị Alăng Thị Hôn, một thành viên làng dệt Đhơ Rôồng cho hay, kể từ khi làng nghề được nâng cấp thành mô hình hợp tác xã, có rất đông du khách dừng chân ghé thăm và tìm mua sản phẩm. Thỉnh thoảng, cũng có nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp ở các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hội An,... đăng ký mua sản phẩm nghề dệt Cơ Tu. Vì thế, tranh thủ các ngày nghỉ sau khi thu hoạch xong lúa mùa trên nương rẫy, các phụ nữ ở làng Đhơ Rôồng lại cùng nhau ngồi dệt thổ cẩm tập trung và tăng cường dệt may theo mẫu mã của khách để kịp giao hàng đúng hẹn. "Khi có đơn đặt hàng, bắt buộc chị em phải dệt may theo yêu cầu của khách. Do vậy, không thể dệt theo sở thích của mình như trước đây nữa, mà phải làm theo mẫu mã lựa chọn của khách hàng, vừa đa dạng sản phẩm dệt, vừa tạo uy tín cho khách hàng" - chị Hôn chia sẻ.
Khác với trước đây, những phụ nữ Cơ Tu ở làng dệt Đhơ Rôồng thường dệt theo ngẫu hứng, sở thích riêng, tiêu thụ sản phẩm theo kiểu truyền thống. Nhưng bây giờ đã khác, khi ngày càng có nhiều mẫu mã sản phẩm được khách hàng đặt trước theo yêu cầu về kích thước, màu sắc, … buộc các phụ nữ làng nghề Đhơ Rôồng phải nâng cao tay nghề, đảm bảo theo nhu cầu thị trường khách hàng. Để làm được điều này, ngoài việc khéo léo trong công đoạn dệt còn đòi hỏi các phụ nữ làng nghề phải được hướng dẫn, tập huấn nâng cao tay nghề, cũng như đào tạo kỹ năng dệt theo lối hiện đại.
Nhiều mẫu mã sản phẩm của làng nghề dệt Đhơ Rôồng được khách hàng ưu chuộng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Cùng với việc tạo ra sản phẩm mới, nghề dệt giúp giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ Cơ Tu tại làng Đhơ Rôồng. Từ đó, nâng ý thức bảo tồn, lưu giữ và quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống của cha ông trước những nguy cơ mai một. Hơn 60 gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu, cụ bà Zơrâm Ahóch được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền dạy nghề dệt cho đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Nhiều sản phẩm được bà làm ra đã tạo nên sức hút với khách hàng trong suốt nhiều năm qua. "Bây giờ, sản phẩm được bán ra thị trường, nên mình càng phải làm thật đẹp, thật chất lượng thì mới giữ được uy tín với khách hàng" - bà Ahóch tâm sự.
Để đáp ứng với nhu cầu của khách hàng, nhiều năm gần đây, làng nghề dệt thổ cẩm Đhơ Rôồng còn "tung" ra thị trường nhiều mặt hàng mới được cải tiến như: tấm khố, tấm choàng, váy, áo, túi và các sản phẩm hàng lưu niệm, đã thu hút được nhiều du khách trong và nước ngoài ưa chuộng. Những đợt tập huấn theo các chương trình dự án quốc tế cũng giúp đồng bào dần nâng cao tay nghề, nắm bắt được từng sở thích của khách hàng nhằm giữ mối liên kết lâu dài. Đây cũng được xem là chiến lược phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho đầu ra của sản phẩm làng nghề truyền thống Cơ Tu như Đhơ Rôồng.
Không chỉ bày bán tại chỗ, các sản phẩm nghề dệt Đhơ Rôồng còn mở rộng thị trường thông qua các dịp triển lãm được tổ chức. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Từ các dự án phát triển du lịch khu vực miền núi, những ngôi làng Cơ Tu ở Đông Giang giờ không còn bó hẹp trong cộng đồng xưa cũ, mà đã trở thành các điểm du lịch cồng đồng, nơi dừng chân lý tưởng của khách thập phương. Khi cơ hội cho sản phẩm nghề dệt truyền thống Cơ Tu làng Đhơ Rôồng được mở rộng, đã tạo nên sự liên kết phát triển nghề dệt ở các bản làng khác lân cận, từng bước tập làm du lịch từ chính văn hóa bản địa lâu nay vốn chưa được khai phá.
Và, trong từng câu chuyện của đồng bào, ngoài nương rẫy bây giờ còn có sự truyền dạy nhau về cách phát triển làng nghề, cách tạo nên sản phẩm mới độc đáo để thu hút du khách gần xa...
ĐĂNG NGUYÊN