(QNO) - Thời tiết đã vào hè, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời quá nóng. Khi lao động ngoài đồng ruộng hay đi ngoài trời nắng rất dễ bị say nắng hay cảm nhiệt..
Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Tình trạng tăng thân nhiệt xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ và ẩm độ cao. Khi nhiễm nóng, do trung tâm điều nhiệt vẫn hoạt động bình thường, cơ thể vận dụng cơ chế tăng thải nhiệt, bằng cách giãn mạch, vã mồ hôi, nếu tiếp tục tiếp xúc với nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên.
Ảnh minh họa |
Tăng thân nhiệt gây nhiều hậu quả tai hại, lúc đầu là một tình trạng sốc do tuần hoàn bởi tình trạng mất nước và chất điện giải, sau đó các tổn thương là do nhiệt độ cao.
Khi lượng nước trong cơ thể xuống quá thấp để duy trì trạng thái bình thường cho cơ thể như duy trì nhiệt độ, bảo vệ tế bào, đào thải những chất có hại ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết, điều này có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể bị mất nước.
Triệu chứng có thể thấy khi cơ thể mất nước là khô miệng (khô miệng đó là dấu hiệu của việc thiếu nước bởi 99% nước bọt chính là nước), giảm huyết áp, đau đầu, chóng mặt (máu có tới 83% là nước nên ít nước có trong cơ thể kéo theo ít máu được vận chuyển hơn, điều này làm cho huyết áp giảm dẫn tới hiện tượng đau đầu, chóng mặt và có lúc làm tim đập nhanh để bơm được nhiều máu hơn), mệt mỏi rã rời cơ bắp (75% tế bào mô cơ là nước, vì vậy khi cơ thể thiếu nước sẽ thấy mệt mỏi ở các cơ bắp), da khô (cơ thể sẽ làm mọi cách để giữ nước ở lại cơ thể, da sẽ là bộ phận đầu tiên bị mất nước dẫn tới khô da), và cảm giác dễ thấy nhất là rất khát nước.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...
Chính vì các nguyên nhân trên mà ta thấy người bị say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.
Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng đánh giá, có cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và dẫn đến hôn mê, co giật. Có thể chỉ từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng dẫn đến ngất, hôn mê, trụy tim mạch.
Việc đầu tiên là cần đưa người say nắng, cảm nhiệt vào ngay chỗ râm mát, cởi bớt quần áo, dùng khăn tẩm nước lạnh đắp cho người bệnh cùng với việc thường xuyên quạt cho người bệnh. Chú ý chườm lạnh ở các bộ phận như nách, bẹn, cổ, trán. Đo nhiệt độ 5 phút một lần và ghi chép lại. Khi nhiệt độ hạ xuống được dưới 38oC thì thay khăn ướt bằng khăn khô để thấm nước và mồ hôi.
Nếu thấy nhiệt độ lại tăng lên thì tiếp tục làm mát bằng khăn ướt. Cố gắng cho người bệnh uống nước có pha thêm muối. Nếu người bệnh hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong quá trình vận chuyển vẫn phải thường xuyên chườm mát. Các y, bác sĩ có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật. Trường hợp người bệnh hôn mê có khi phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Vào những hôm trời nắng gắt cần nhắc nhau hạn chế lao động lâu hoặc đi lại nhiều thời gian ngoài trời nắng nóng. Cần dùng nón hoặc mũ rộng vành và nếu là đang đi du lịch thì cần đep kính râm và xoa thêm kem chống tia tử ngoại. Cần thường xuyên uống nước dù chưa khát.
Nên uống nhiều nước có pha muối (nửa thìa cà phê muối trong 1 lít nước) hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước hoa quả. Nếu bắt buộc phải tham gia canh tác thì sau 30 - 45 phút cần vào nghỉ chỗ râm mát trong 15 - 20 phút.
Theo nongnghiep.vn