Làm gì để thu hút khách quốc tế có chi tiêu cao?

14/11/2023 10:10

(VHQN) - Mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 tháng 4 năm sau. Chuyên trang du lịch Travel Off Path có trụ sở tại Mỹ đưa nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm du lịch mới của châu Á sau khi điều chỉnh chính sách thị thực. Báo cáo của Google Destination Insights cho thấy Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 từ tháng 3 đến tháng 6 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vào top 20 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất thế giới... Tạp chí The Travel của Canada thì liệt kê 10 điểm đến tuyệt vời nhất tại châu Á, trong đó Việt Nam xếp vị trí thứ 5 và được đánh giá là một trong những quốc gia thanh bình nhất thế giới. Với những tín hiệu tích cực này, Văn hóa Quảng Nam thực hiện bàn tròn với các cộng sự, để họ thử đưa ra những nhận định và giải pháp để thu hút khách quốc tế có chi tiêu cao đến Việt Nam, đến Quảng Nam trong thời gian tới. (BTV)

Du khách quốc tế tại bãi biển Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM
Du khách quốc tế tại bãi biển Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM

Ông Nguyễn Phúc Quân - Trường Đại học Đông Á: Thay đổi chính sách với nhóm khách chi tiêu thấp

Từ trước đến nay mục tiêu ngành du lịch chỉ tính trên lượt khách sao cho năm sau cao hơn năm trước, nhưng rõ ràng một điểm đến chỉ có thể đón một lượng khách hữu hạn.

Việc không có chính sách hạn chế đón khách ở các điểm đến gây nên sự quá tải tại các cơ sở lưu trú và di tích, cảnh quan du lịch lại tác động tiêu cực làm giảm chất lượng phục vụ, xuống cấp di tích, ô nhiễm môi trường, các vấn đề an ninh trật tự, từ đó làm giảm trải nghiệm của du khách, càng khắc sâu ấn tượng du lịch Việt Nam giá rẻ.

Du khách nhí trong một tour trải nghiệm tại Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM
Du khách nhí trong một tour trải nghiệm tại Quảng Nam. Ảnh: HỮU KHIÊM

Cần có sự nhìn nhận và đánh giá lại tác động của nhóm “Tây balo” lên du lịch Việt Nam. Do một số quốc gia có chính sách giảm người vô gia cư bằng cách cấp cho họ vé máy bay một chiều tới các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, một số người thất nghiệp từ các nước phương Tây cũng chọn làm “Tây balo” để tận dụng đặc quyền là người nước ngoài, những đối tượng này tới Việt Nam thường chi tiêu rất ít, kỳ kèo trả giá, thậm chí còn hành động phản cảm như ăn xin, hoặc có hành vi vi phạm pháp như lừa đảo, quấy rối, trộm cắp...

Thống kê năm 2019, bình quân mỗi khách du lịch tới Việt Nam chỉ chi ra khoảng 1151,8USD trong 8,1 ngày lưu trú, bình quân 132,6 USD/ngày. Mười quốc gia có khách du lịch chi tiêu nhiều nhất là: Philippines, Bỉ, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Canada, Anh, Đức. Còn nhóm khách có chi tiêu ít nhất là: Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, Lào.

Trong khi đó số khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Malaysia, Nhật, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Úc. Như vậy trong các quốc gia Việt Nam đón khách nhiều chỉ có khách từ Mỹ và Úc là nhóm chi tiêu nhiều còn lại là nhóm chi tiêu trung bình đến rất ít. Thậm chí trang web du lịch budgetyourtrip còn đưa ra lời khuyên mỗi người chỉ cần phải tiêu 62 USD mỗi ngày khi đến Việt Nam.

Ảnh: HỮU KHIÊM
Ảnh: HỮU KHIÊM

Các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đều có chính sách hạn chế với các địa điểm du lịch quan trọng bên cạnh các điểm đến đại trà. Việc xây dựng một số điểm đến với giới hạn khách có thể dễ dàng định hướng sản phẩm du lịch tập trung vào nhóm khách thu nhập cao, chi trả nhiều. Việc giới hạn khách đăng ký tới một số điểm đến nhất định cũng tạo ra tâm lý FOMO, gợi sự tò mò, cảm giác phấn khích khi trải nghiệm cũng như sự chia sẻ tạo hiệu ứng quảng bá cho du lịch.

Để có thể nâng tầm, nâng hạng sản phẩm du lịch trước tiên cần có định hướng, chính sách thay vì đặt mục tiêu số lượng, cần chuyển trọng tâm sang chất lượng khách.

Tiếp đó cần lựa chọn phân loại các sản phẩm loại hình du lịch, đánh giá sản phẩm nào có tiềm năng nâng cấp để tách ra khỏi các sản phẩm đại trà, cần xác định rằng chất lượng sản phẩm du lịch phải tương xứng với mức chi trả. Đối với du lịch chất lượng cao cần có chính sách đồng bộ đảm bảo trải nghiệm chất lượng cao xuyên suốt quá trình từ di chuyển, lưu trú, đến tham quan, trải nghiệm.

Việc tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp cũng cần phải đào tạo lại đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên, thay đổi phương thức và cách quảng bá du lịch hiện tại. Cũng cần có hệ thống kiểm soát đảm bảo chất lượng du lịch, tránh tình trạng nâng khống giá, ăn theo du lịch cao cấp.

Ông Võ Văn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng: Đồng bộ các giải pháp

Tuy có những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nhưng để thu hút khách du lịch từ các thị trường có mức chi tiêu cao như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Nga đến với Quảng Nam, cần tạo ra các giải pháp hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tôi xin đưa một số gợi ý giải pháp để thu hút khách du lịch từ những thị trường này:

- Quảng bá và tiếp thị chất lượng: Cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá và tiếp thị. Sử dụng các kênh truyền thông trực tuyến, mạng xã hội, website du lịch, KOLs và các công cụ tiếp thị khác để giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng và những trải nghiệm độc đáo của Quảng Nam. Cần chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và tạo niềm tin cho khách hàng về chất lượng dịch vụ.

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Thêm vào danh sách các điểm đến phổ biến đã có, nên phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới và độc đáo. Ví dụ, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương, và khám phá thiên nhiên hoang sơ của Quảng Nam. Điều này giúp thu hút khách du lịch có sự đam mê khám phá và tìm hiểu.

- Hỗ trợ dịch vụ và tiện ích: Đảm bảo các dịch vụ và tiện ích du lịch như hướng dẫn viên, dịch vụ chăm sóc khách hàng, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất. Đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

- Tăng cường quan hệ đối tác: Hợp tác với các đối tác du lịch, công ty hàng không và các nhà tổ chức sự kiện để tạo ra các gói du lịch kết hợp hoặc ưu đãi đặc biệt. Sự hợp tác này giúp tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng từ các thị trường có mức chi tiêu cao.

- Tăng cường trải nghiệm du lịch: Để thu hút khách hàng có mức chi tiêu cao, Quảng Nam cần tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và đáng nhớ. Đẩy mạnh các hoạt động như du thuyền trên sông Thu Bồn, tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương và tham gia các khóa học về nghệ thuật truyền thống như làm gốm, tạo hình tre, làm đèn lồng, đan lát…

- Bảo tồn và bảo vệ môi trường: Một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch có mức chi tiêu cao là bảo tồn và bảo vệ môi trường. Quảng Nam nên đảm bảo sự bền vững trong việc phát triển du lịch bằng cách áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý bền vững và khuyến khích du khách tham gia các hoạt động xanh.

Ảnh: HỮU KHIÊM
Ảnh: HỮU KHIÊM

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng: Khảo sát, đánh giá và phân tích nhu cầu khách hàng

Vấn đề then chốt và quan trọng hàng đầu để thu hút du khách có mức chi tiêu cao là phải khảo sát, đánh giá và phân tích nhu cầu thị trường, tâm lý, thời gian đi du lịch, kênh để tìm kiếm thông tin của họ…

Việc khảo sát này phải tiến hành một cách khoa học, phân tích nhiều dữ liệu, có sự kết hợp của tất cả kênh OTA (viết tắt của Online Travel Agent là thuật ngữ dành riêng cho ngành du lịch - khách sạn trên nền tảng trực tuyến), các hãng lữ hành, cơ sở lưu trú, các dữ liệu tìm kiếm của mạng xã hội, các khảo sát, các hãng hàng không, tàu biển… hàng năm và có thể theo quý, tháng. Đây là chìa khóa để đưa ra các giải pháp thiết thực và hạn chế tối đa các rủi ro; bán đúng thứ khách hàng cần, đúng kênh họ tìm kiếm và định hướng sản phẩm theo điều khách hàng kỳ vọng.

 Nhà quản lý trên cơ sở báo cáo tổng hợp để có thể xây dựng chiến dịch marketing phù hợp và có sản phẩm tương ứng, định hướng doanh nghiệp trong kế hoạch kinh doanh và đầu tư. Các báo cáo đánh giá này cần cập nhật linh hoạt đúng xu thế và các chiến dịch tiếp cận cũng phải nhanh chóng theo nhu cầu thị trường đã khảo sát.

Chúng ta có thể thấy rõ qua ví dụ về phân khúc du khách Úc, là những người có khả năng chi trả cao. Họ thường lựa chọn các điểm đến có yếu tố văn hóa đặc sắc, có sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Độ tuổi du khách đa dạng, nhưng phần lớn là người trung niên. Vì thế cần định hướng về việc phát triển các sản phẩm văn hóa bản địa và sân golf. Kênh tiếp cận với phân khúc du khách này chủ yếu thông qua các công ty lữ hành lớn từ phía Úc.

Hiện nay du khách Úc chủ yếu bay đến Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh trong chương trình từ 10 - 15 ngày để khám phá Việt Nam. Họ chỉ dành cho khu vực miền Trung khoảng 3 - 4 ngày, sau khi tham quan hai thành phố trên, do chưa có đường bay trực tiếp từ Úc đến khu vực miền Trung.

Từ kênh tiếp cận đó để giới thiệu đúng sản phẩm về các trải nghiệm văn hóa khi khu vực Quảng Nam có điểm đến kết hợp với các sân golf và các khu nghỉ dưỡng để tạo nên dòng sản phẩm riêng trong chương trình. Cần ưu tiên làm nổi bật nét độc đáo của không gian phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, các trải nghiệm làm lồng đèn, các sân golf và các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Quảng Nam… để thu hút nguồn du khách này đến với Quảng Nam.

Ảnh: HỮU KHIÊM
Ảnh: HỮU KHIÊM

Ông Đoàn Công Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Long Mã (Drase Travel): Liên kết vùng phải tốt hơn

Từ 2016 đến 2019, tỷ trọng khách truyền thống châu Âu, Mỹ, Úc trên tổng khách quốc tế đến Quảng Nam giảm từ 71% xuống 43,7% cho thấy thị trường khách chuyển từ Âu sang Á, phục vụ thị hiếu số đông, giá rẻ đã gây ra những hệ lụy về tính bền vững cho những tài nguyên du lịch, định hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam.

Trong ngắn hạn có thể đẩy mạnh thị trường khách Á có mức chi tiêu thấp hơn 1.000USD để khôi phục hạ tầng du lịch, sinh kế cho người dân sau dịch COVID-19. Tuy nhiên về dài hạn để phát triển du lịch bền vững thì phải có sự điều chỉnh hài hòa tới nhiều thị trường khách khác nhau, đặc biệt là khách Âu với đặc thù chú trọng giá trị văn hóa bản địa, tự nhiên của điểm đến. Có 2 giải pháp dài hạn nên ưu tiên như sau:

Thứ nhất, chú trọng phát triển cụm du lịch văn hóa Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Được đề xuất từ năm 2006, mô hình liên kết “3 địa phương - 1 điểm đến” tới nay chưa được chú trọng đúng mức.

Để thu hút khách du lịch đến Quảng Nam, trong đó có hạt nhân Hội An thôi là chưa đủ. Khách châu Âu thường đến Việt Nam bằng đường bay thẳng tới hai đầu Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh, họ có rất nhiều lựa chọn về cung đường khác nhau để khám phá Việt Nam.

Do đó để “chạm” đến tâm lý muốn khám phá lịch sử - văn hóa - thiên nhiên của khách nên đẩy mạnh xúc tiến một tour du lịch chung của cả 3 địa phương, nêu bật câu chuyện Việt Nam trong hành trình lịch sử Nam tiến với thông điệp du lịch được liên kết rõ ràng, ấn tượng: Huế từng là thủ phủ Đàng Trong và kinh đô của Việt Nam với đủ hình ảnh Cung đình - Quý tộc - Dân gian của người Việt; Hội An là thương cảng xưa hàng đầu của Đông Nam Á, trợ lực cho Huế, với sự giao thoa văn hóa của người Chăm - Việt - Nhật - Hoa - Pháp; và nối tiếp là thương cảng hiện đại Đà Nẵng của người Việt vươn mình ra biển lớn.

Ngoài ra, cả 3 đều có cảnh quan thiên nhiên, sinh thái tuyệt vời thu hút khách du lịch châu Âu. Việc mỗi địa phương chú tâm đến phát triển du lịch liên vùng sẽ tạo ra hình ảnh thống nhất, bổ trợ cho nhau, tiết kiệm ngân sách xúc tiến và đạt được hiệu quả cao trong du lịch.

Thứ hai, việc dung hòa giữa các thị trường khách quốc tế cần được quan tâm. Gần đây, do lượng khách châu Á tới quá đông, thị hiếu lại khác với khách Âu, dẫn đến những thời điểm phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm quá tải cục bộ, hay như rừng dừa Bảy Mẫu mở nhạc sàn quá to, biểu diễn múa thuyền thúng để phục vụ du khách thích nghe nhạc mạnh dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn, mất dần hình ảnh du lịch nguyên bản, bình dị đối với du khách châu Âu.

Về lâu dài cần phát triển hài hòa về sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, sắp xếp, tổ chức đón khách hợp lý. Địa phương xác định mức độ tăng trưởng vừa phải đúng với định vị du lịch xanh của Quảng Nam, không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng khách hàng năm mà chú trọng về chất lượng và hiệu quả doanh thu.

Sông Hoài ở Hội An là địa điểm check-in yêu thích của du khách. Ảnh: Trân Huyền
Sông Hoài ở Hội An là địa điểm check-in yêu thích của du khách. Ảnh: Trân Huyền

Ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Quảng Nam: Chú trọng dòng khách mới nổi

Theo tôi, để thu hút dòng khách chi tiêu cao đến Quảng Nam ngành du lịch và các doanh nghiệp cần tập trung vào 2 dòng khách chính gồm MICE (tổ chức sự kiện gắn với tham quan du lịch) và tiệc cưới, bởi cơ sở, dịch vụ các khu resort, khách sạn Quảng Nam rất tốt, sản phẩm du lịch đa dạng và phù hợp.

Mặc dù thời gian qua công tác quảng bá xúc tiến liên tục được triển khai, tuy nhiên hầu hết lồng ghép vào các kế hoạch xúc tiến chung, chưa có chương trình riêng biệt. Do vậy, trong năm 2024, nhất là những tháng còn lại của năm 2023, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá những tiện ích về hạ tầng dịch vụ gắn với các sản phẩm du lịch xanh, hướng đến đối tượng khách có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Theo đó, một số thị trường khách trọng điểm như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, châu Âu, Bắc Mỹ, kể cả thị trường nội địa sẽ được quan tâm hơn. Riêng với nhóm sản phẩm du lịch tiệc cưới sẽ hướng mạnh vào thị trường Ấn Độ, nơi giới siêu giàu có sở thích tổ chức đám cưới ở nước ngoài.

 Vài năm gần đây khách Ấn Độ cũng bắt đầu tổ chức các đám cưới xa hoa tại Hoiana và Vinpearl Nam Hội An, nhưng số lượng chưa nhiều nên chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá lợi thế này.

Giữa tháng 9 vừa qua Trung tâm cũng đã tổ chức chương trình xúc tiến tại Ấn Độ, tại đây chúng tôi cũng đã giới thiệu các sản phẩm và hạ tầng nghỉ dưỡng đẳng cấp ở Quảng Nam như hội trường, phòng ốc, không gian, môi trường… bước đầu được các doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ rất quan tâm. Riêng với 2 thị trường Úc và Bắc Mỹ, nơi có dòng khách chi tiêu cao, dự kiến năm 2024 chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến ở đây.

Chúng tôi cho rằng, để thu hút dòng khách cao cấp phải cần có những chương trình xúc tiến chuyên đề. Dù vậy, khó nhất hiện nay chính là kinh phí, bởi việc triển khai các hoạt động quảng bá giới thiệu điểm đến với dòng khách cao cấp rất tốn kém nên Trung tâm đang tính toán phối hợp liên kết với 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế để quảng bá chung nhằm tiết giảm chi phí cũng như giúp khách có nhiều lựa chọn khi tổ chức chương trình nghỉ dưỡng, du lịch khi đến Việt Nam.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm gì để thu hút khách quốc tế có chi tiêu cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO