Làm gì, thế nào và ai làm?

NHẬT PHONG 02/06/2023 08:43

Tình trạng suy kiệt của nền kinh tế thể hiện rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua giảm 33,2%; số doanh nghiệp mới gia nhập giảm 8,2% (513 doanh nghiệp) so cùng kỳ 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng 8,7% (674 doanh nghiệp), trở thành thời điểm có số lượng doanh nghiệp “biến mất” lớn nhất trong lịch sử sản xuất - kinh doanh của địa phương.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cứ giảm dần, số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không thu xếp được dòng tiền sản xuất, kinh doanh, trả nợ, thiếu nguyên liệu và người lao động mất việc trở nên phổ biến là chỉ dấu cảnh báo về sự bất an của nền kinh tế.

Chỉ sau vài ngày tuyên bố “ngay lúc này và hơn bao giờ hết, Nhà nước phải chìa tay, can thiệp, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tìm được con đường ngắn nhất để sống sót và phát triển” của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thì một tổ công tác “đặc biệt” của UBND tỉnh ra đời.

Lịch sử “giải cứu doanh nghiệp” trong bão dông, khốn khó của nền kinh tế đã từng ra đời những tổ công tác đặc biệt tại địa phương, xuống tận hiện trường dự án, doanh nghiệp để kiểm tra, tháo gỡ.

Song, sự khác biệt lần này như một “chiến dịch cấp cứu doanh nghiệp”, thể hiện trong việc tương tác nhanh, không rườm rà thủ tục, giải quyết hiệu quả trong thời gian ngắn nhất những vướng mắc của doanh nghiệp.

Nghiên cứu chính sách, phân nhóm, đưa ra những phương thức giải quyết, giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ “tử vong” cao nhất gia tăng cơ hội sống sót, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Một điều dễ nhìn thấy, không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để giải cứu tràn lan. Chính quyền không đủ thẩm quyền để ban bố các chính sách miễn giảm thuế hay can thiệp vào chuyện nội bộ của ngân hàng hay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự có mặt, quyết liệt đồng hành với doanh nghiệp vào giai đoạn khó khăn này trong thực hiện thẩm quyền địa phương, chủ động thực thi nhanh chóng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ..., đã đem lại sự yên tâm cho doanh nghiệp.

Sự tồn vong của doanh nghiệp tác động đến sự tồn vong của cả nền kinh tế địa phương. Mọi chính sách lúc này đều nhắm tới mục tiêu cứu doanh nghiệp, tức cứu những người đang, sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp không lợi nhuận lấy gì nộp thuế? Không ai có thể làm thay doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh “sống còn” giữa thị trường đầy khắc nghiệt, nhưng họ không thể “chiến đấu” một mình, bởi sự thành bại của họ liên quan đến vận mệnh kinh tế địa phương.

Vì vậy, lẽ đương nhiên chính quyền Quảng Nam cũng không thể khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp chết đi. Tuy nhiên, không chỉ một “chiến dịch giải cứu”, cộng đồng doanh nghiệp cần sự vào cuộc dài hơi, không phải ít hay nhiều văn bản, chỉ thị mà đo lường được những tác động đến doanh nghiệp trên thực tế.

Doanh nghiệp thừa nhận cho đến nay, những chỉ thị, chính sách của chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp đều đúng đắn, nhưng thiếu người thừa hành. Một chính sách, cơ chế, chủ trương đúng, hợp lý sẽ cần đến những người thừa hành có đủ năng lực để có thể lan tỏa sâu rộng đến doanh nghiệp thực chất.

Không phải “làm gì”, “làm như thế nào” mà quan trọng hơn là “ai làm” sẽ quyết định thành bại của một cuộc giải cứu hay sự song hành dài hơi giữa chính quyền - doanh nghiệp trong suốt vòng đời vận hành của một nền kinh tế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm gì, thế nào và ai làm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO