Những năm gần đây câu chuyện “công nghiệp 4.0” hay “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (CMCN 4.0) được nói nhiều ở nước ta, từ truyền thông, các diễn đàn quốc gia, quốc tế đến cả khi trà dư tửu hậu... Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin góp một vài suy nghĩ nhỏ với mong muốn gợi mở thêm một vài vấn đề, truyền thêm một chút năng lượng tích cực để các địa phương, đơn vị trong tỉnh tham khảo.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2017, để nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm - dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc CMCN 4.0 và đề xuất một số giải pháp để Việt Nam không lỡ “con tàu CMCN 4.0”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải tận dụng thật tốt cơ hội, đồng thời có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0; phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình, địa phương mình thì không ai biết rõ ràng”. Vậy hiểu thế nào về cuộc CMCN 4.0? Quảng Nam sẽ làm gì, làm thế nào và ai phải làm để CMCN 4.0 thực sự thúc đẩy mọi mặt của đời sống xã hội, thực sự đem lại những tiện ích cho người dân?
Nhận thức về CMCN 4.0
Có một thống kê khá thú vị về những điều xảy ra trên internet toàn thế giới trong khoảng thời gian 60 giây: Facebook chứa 1 triệu lượt người đăng nhập. Google chứa đến 3,8 triệu lượt truy vấn tìm kiếm, trong khi YouTube có đến 4,5 triệu lượt xem video. 18 triệu tin nhắn văn bản được gửi đi. 390.000 ứng dụng được tải từ Google Play và App Store. 347.222 bài đăng trên Instagram. 188 triệu email được gửi. Gần 1 triệu USD tiêu dùng trực tuyến… Nếu nhắc đến các con số này trong 1 tháng thì có lẽ với nhiều người điều này là bình thường, tuy nhiên chỉ với 1 phút thì thật là khủng khiếp, cho thấy sự tương tác người dùng với các hệ thống máy chủ cùng khả năng tải và xử lý các yêu cầu từ người dùng của các hệ thống này là tuyệt vời.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 tổ chức tại Thụy Sĩ ngày 21.1.2016, với chủ đề “Cuộc CMCN lần thứ 4”, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab đã đưa ra một định nghĩa mới, mở rộng hơn khái niệm Công nghiệp 4.0 của Đức. Theo đó, Cuộc CMCN lần thứ tư có những đặc trưng phổ biến sau: Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ; công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống, nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. Công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. Trí tuệ nhân tạo có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn.
Có thể nói một cách dễ hiểu rằng, CMCN 4.0 là “môi trường cộng sinh” giữa người và robot, “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực. Đây chính là sự “cộng sinh” giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên phạm vi rộng lớn, có tính phổ quát.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, nhận định, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cần giải pháp cụ thể
Từ quan điểm chỉ đạo nêu trên của Bộ Chính trị, theo tôi, Tỉnh ủy của nhiệm kỳ mới phải tiếp tục có nhiều chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm và phải là khâu đột phá. Vấn đề này, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI trình Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ tỉnh đã nêu: “Đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; tuy nhiên nội hàm của nhiệm vụ, giải pháp đề ra vẫn chưa thật cụ thể, chưa đề cập sâu.
Do đó, nội dung của báo cáo chính trị lần này cần bổ sung những giải pháp về thể chế pháp lý, tạo thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; về phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu, chuyển đổi số của Quảng Nam để kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Không chỉ đạo, triển khai đại trà mà phải tiến hành thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết là giao nhiệm vụ cụ thể cho một số ngành, địa phương xây dựng các kịch bản thực thi CMCN 4.0 ở một số lĩnh vực quan trọng để rút kinh nghiệm và nhân rộng, như du lịch 4.0, nông nghiệp 4.0, y tế 4.0, công dân toàn cầu, công chức toàn cầu, doanh nhân toàn cầu, giao thông thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh… là ở đâu, làm việc gì trước, việc gì sau, cơ quan nào chủ công, đơn vị nào phối hợp, bao giờ xong.
Các nhà nghiên cứu về CMCN 4.0 đã chỉ ra rằng, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao. Viễn cảnh này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội. Vì vậy, một nội dung khác không kém quan trọng đó là chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cũng cần được quan tâm theo hướng ưu tiên. Trước hết là chỉ đạo, triển khai thật bài bản, khoa học về đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở để theo kịp, thích ứng xu thế, dòng chảy phát triển của khoa học, công nghệ.
CMCN 4.0 là một “cú hích lớn” cho những ai dám nghĩ, dám làm, thích nghi với công nghệ mới, thời kỳ mới và sẽ là “cú sốc lớn” đối với những ai vốn đã quen với “lối mòn xưa cũ”. Là một công dân của quê hương Quảng Nam giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, tôi luôn tin tưởng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ có nhiều quyết sách mới, đột phá, có tính khả thi cao để Quảng Nam sẵn sàng vượt qua thách thức, nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0.