Làm giàu nơi vùng cao

HOÀNG LIÊN - MINH PHƯỜNG 11/07/2017 08:42

Ý chí và nghị lực bám trụ, làm giàu từ đôi bàn tay và khối óc nơi vùng núi cao Tây Giang của chàng trai trẻ Nguyễn Bá Hiển (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) khiến người vùng cao nể phục.

Anh Nguyễn Bá Hiển bên vườn ươm sâm ba kích tím. Ảnh: Hoàng Liên
Anh Nguyễn Bá Hiển bên vườn ươm sâm ba kích tím. Ảnh: Hoàng Liên

Thành công với ba kích tím

Tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng trên tay, chàng cử nhân Nguyễn Bá Hiển không tính chuyện ở lại thành phố hay về quê lập nghiệp, mà chọn vùng đất mới Tây Giang trụ bám, khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê và gắn bó với cây sâm ba kích nơi núi rừng Tây Giang. Năm 2009, khi còn là sinh viên năm 2 của khoa Tài nguyên và môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Hiển đăng ký làm nghiên cứu khoa học với đề tài: “Đánh giá sự sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô ra thực tế”. Mang theo khoảng trăm cây ba kích đến miền núi Tây Giang trồng thử nghiệm, dù đã áp dụng hết những kiến thức sách vở có được nơi giảng đường, kỹ lưỡng chăm sóc, nhưng không cây nào sống sót do cây nuôi cấy mô chưa thích nghi được với khí hậu, đất đai vùng cao. Đề tài nghiên cứu thất bại.

Không từ bỏ, Hiển quyết tâm lặn lội tìm hiểu về giống cây này. Cứ hàng tuần, Hiển lại gói ghém hành trang bắt xe lên xã Lăng, gặp già Bríu Pố, “ông vua” ba kích để học hỏi, làm quen với sâm ba kích và học hỏi kinh nghiệm từ người bản địa. Dần dà, anh hiểu ra, công nghệ, kỹ thuật mới nếu đem áp dụng vào loại cây này cũng chẳng đi tới đâu, nhưng cách thức nhân giống truyền thống như già Pố và một số người đang làm, tỷ lệ ươm cây con quá thấp. Mỗi một đoạn dây ba kích chừng nửa mét sau khi được bà con giâm trồng, phải mất thời gian khá lâu mới cho ra đoạn dây mới chừng nửa mét để cắt đi giâm trồng tiếp, vậy bao giờ mới có đủ giống để trồng thoát nghèo? Bao suy nghĩ, trăn trở, thế là Hiển ngày đêm mày mò nghiên cứu, làm sao cho tỷ lệ nhân giống cao nhất. Anh quyết định cắt dây ba kích tím thành nhiều mắt nhỏ, ngâm vào thuốc kích rễ, đem giâm hom ở vườn ươm, tiếp tục dùng phân vi sinh bón, tưới nước đều đặn hàng ngày.

Những nỗ lực của Hiển được đền bù xứng đáng khi mỗi sáng, ra thăm vườn ươm, anh tận mắt thấy những chồi rễ trắng bám đất, cây con vươn mình từ những túi đất ni lông. Cơ hội mở ra, Hiển quyết định vay mượn bạn bè, gia đình vốn liếng để ươm cả ngàn gốc ba kích nơi vườn ươm nhỏ. Gốc nào cũng ra rễ, bén đất mọc lên xanh tốt, khỏe mạnh, chờ xuất ra thị trường, kiểu gì cũng có thu nhập “khủng”. Song, “người tính không bằng trời tính”, một trận mưa dầm dề mấy ngày liền đã khiến số ba kích con chết sạch, cú thất bại đầu tiên khiến anh gần như ngã quỵ vì bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn cả vào đấy. Không nản chí, anh vay mượn bạn bè, cầm cố cả chút hành trang nho nhỏ bố mẹ cho ở quê để mở rộng vườn ươm kiên cố hơn, có hệ thống tưới tự động, có mái che phòng tránh mưa bão, tiếp tục ươm ba kích. Với nỗ lực không ngừng, 5.000 hom ba kích đầu tiên mọc rễ, bén đất được xuất đi, mang về số lãi hơn 30 triệu đồng, từ số vốn liếng đó, anh tiếp tục đầu tư phát triển vườn ươm của mình. Anh còn chỉ cho già Bríu Pố và người dân xã Lăng cách trồng ba kích sao cho hiệu quả, cách bón phân vi sinh để có củ to, lại đảm bảo về mặt chất lượng…

Phó Chủ tịch xã năng nổ

Chia sẻ về thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, Nguyễn Bá Hiển bày tỏ: “Sống phải có bản lĩnh, xác định tư tưởng vững vàng, đừng ngại khó, ngại khổ, cứ đi là sẽ tới”. Không chỉ giúp bà con kỹ thuật trồng ba kích, anh Hiển còn nhận thu mua, cung ứng cây ba kích và một số đặc sản vùng cao. Có bận, chúng tôi bắt gặp anh Hiển với nửa bao tải bên trong chứa đầy những trái ớt nhỏ xíu. Anh bảo: “Ớt A riêu đấy, ngần này bà con bán cũng tầm 200.000 đồng đấy. Ớt này đã có thương hiệu, mình hy vọng bà con trong thôn đưa được cây ớt này về trồng nhiều trong vườn nhà, tạo sản phẩm du lịch và nguồn thu ổn định” - anh Hiển nói.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hà Tĩnh nhưng Nguyễn Bá Hiển đã bám rễ, gắn bó với miền tây xứ Quảng, tạo dựng mái ấm gia đình. Ở tuổi 24, Nguyễn Bá Hiển đã là chủ nhân của nhiều héc ta ba kích dưới tán rừng, đồng sở hữu một vườn ươm giống cây sâm ba kích chuyên cung ứng giống ba kích tím cho người dân và các mô hình, dự án hỗ trợ giống ba kích tím của huyện. Với những kinh nghiệm, cống hiến xã hội, anh tự ứng cử và trúng cử vào vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Lăng năm 2013. Với cương vị này, anh không quản ngại khó khăn, chỉ dẫn tận tình đến bà con cách thức trồng và chăm sóc cây ba kích để thoát nghèo. Với lợi thế đất đai và giàu tán rừng nguyên sinh, người dân xã Lăng có điều kiện thoát nghèo từ cây ba kích. Nay, nhiều hộ sở hữu vườn ba kích từ nửa héc ta cho tới vài héc ta là chuyện thường, cứ 3 gốc ba kích sau 3 năm cho chừng 1kg củ, với giá bán từ 500 - 800.000 đồng. Cây ba kích càng trồng lâu năm, càng cho giá trị cao, củ ba kích càng lớn bán càng được giá, nên chỉ khi túng thiếu lắm, người dân mới moi củ lẫn dây ba kích đi bán, còn lại xem như của để dành phòng khi hữu sự. Đi lên từ con số không, diện tích cây ba kích tím xã Lăng hiện đã không ngừng phát triển lên tới 200ha, phần lớn được trồng phân tán trong dân.

Tổ hợp tác ươm giống cây ba kích ra đời từ cơ sở vườn ươm nhỏ của Nguyễn Bá Hiển. Từ số vốn ban đầu gần 200 triệu đồng chi phí đầu tư vườn ươm, cây giống, kỹ thuật, nhân công, nay mỗi năm, doanh thu từ vườn ươm giống ba kích của tổ hợp tác hơn 500 triệu đồng, giúp 4 thành viên có nguồn thu đáng kể. Vườn ươm có năng lực sản xuất 9 vạn cây giống (tương đương 90.000 cây) mỗi năm. Mới đây, vườn của anh Hiển vừa xuất bán 10.000 cây giống cho một nhóm hộ trồng ở Bình Phước, bước đầu cây con có tỷ lệ sống cao, thích nghi dần với môi trường tự nhiên. Tại xã Lăng, cây ba kích tím từ chỗ khan hiếm nguồn giống, thì nay, ai có nhu cầu về giống cũng dễ dàng đặt hàng nơi vườn ươm của Hiển. Nói về mô hình vườn ươm do Nguyễn Bá Hiển và 3 thành viên khác đầu tư, ông Nguyễn Khoa Vẽ - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho rằng, đây là mô hình thành công về cả quy mô lẫn năng suất. Vườn ươm đã sản xuất được nguồn giống đạt chuẩn cơ sở với năng lực cung ứng 90.000 cây giống mỗi năm. Nếu trước việc khai thác theo kiểu tận thu khiến cây ba kích đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thì hoạt động của vườn ươm ba kích xã Lăng đã giúp địa phương có nguồn giống ổn định, cung ứng để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

HOÀNG LIÊN - MINH PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm giàu nơi vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO