Làm giàu trên đất quê

Ghi chép của NGUYỄN TAM MỸ 26/01/2017 10:52

(Xuân Đinh Dậu) - Chớm xuân. Nắng hanh vàng dịu nhẹ trải khắp vùng quê Sơn Cẩm Hà - căn cứ địa một thời đánh Mỹ, cũng là nơi chỉ được kết nối với “thế giới bên ngoài” sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam. “Tiên Hà bây giờ đã có lắm nẻo đi về theo đường bê tông liên xã liên thôn. Ngoài ra, còn có tuyến đường ĐH từ Tiên Cẩm vào, từ Tiên Châu sang đã được thảm nhựa. Anh thích đi ngả nào?” - nhà báo Phạm Hoàng, công tác ở Đài Phát thanh - truyền hình huyện Tiên Phước, cười hỏi. Tôi cũng cười nói: “Đi đại lộ, về tiểu lộ. Như thế, vừa có cái nhìn bao quát, vừa biết được cụ thể về vùng quê Sơn Cẩm Hà”.
Cũng đã 20 năm tôi chưa trở lại nơi này. Ngần ấy thời gian đủ để người dân nơi đây chung tay góp sức làm nên diện mạo mới của một vùng quê. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự đổi thay của “ốc đảo Tiên Hà” khi cùng anh bạn đồng nghiệp chạy xe máy từ trung tâm xã Tiên Châu qua làng Thanh Bôi rồi quành xuống Tiên Hà.

Ngã ba Sơn Cẩm Hà. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Ngã ba Sơn Cẩm Hà. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Trước đây, qua Thanh Bôi là đâm đầu vào núi, bởi hết đường đi. Bây giờ đã khác. Đường bê tông to rộng. Nối đôi bờ sông Tiên đã có cây cầu kiên cố. Ở nơi từng một thời là “sơn cùng thủy tận” có con đường ĐH men theo sườn núi quanh co dẫn xuống Tiên Hà. Con đường được mở ra, dân ở các hố hóc hẻo lánh đã nhanh chóng làm nhà ra sát đường để dễ bề làm ăn buôn bán. Anh bạn đồng nghiệp cho hay: “Tuyến đường này, hàng ngày có một chuyến xe khách chạy từ Tiên Châu qua Thanh Bôi rồi xuống Tiên Hà, ra Tiên Cẩm, lên Tiên Sơn để đến Việt An - Hiệp Đức. Hàng nông sản, đặc biệt là các loại trái cây vận chuyển đi nơi khác đã có xe tải đảm nhận, không còn tình trạng “bán không ai mua, cho không ai lấy” như một thời đã qua”. Ngã ba Tài Thành hiện ra. Ngôi nhà tầng khang trang bề thế của ai đấy cũng hiện ra. Tôi ghé quán nhỏ bên đường hỏi chuyện. Bà già chủ quán kể: “Ngôi nhà đó của anh Trần Thanh Tú. Khi có cầu Tài Thành bắc qua sông Khan, có đường lên Tiên Châu, mọi người đều ăn nên làm ra”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết anh Trần Thanh Tú giàu lên nhờ trồng keo lai. Có đường sá thông thương với các vùng phụ cận, anh đi học lái xe rồi mua xe tải vận chuyển thuê gỗ keo và hàng nông sản cho bà con trong làng trong xã.

Cầu Tài Thành bắc qua sông Khan.Ảnh: TAM MỸ
Cầu Tài Thành bắc qua sông Khan.Ảnh: TAM MỸ

Qua cầu Tài Thành bắc ngang sông Khan, đi thêm một đoạn nữa là đến trung tâm xã Tiên Hà. Từ 20 năm trước tôi đã đến nơi này. Ngày ấy, cảnh vật đìu hiu. Ở trung tâm xã chỉ có một cái quán tranh xập xệ chuyên nấu nước sôi để bán mì tôm cho khách vãng lai. Bây giờ tất cả đã đổi thay. Anh Bùi Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho hay, 5 năm qua địa phương được cấp trên đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo mới vùng quê này. Từ ngày có con đường ĐH, người dân trong xã đã sắm 35 ô tô tải các loại để vận chuyển hàng hóa. Khai thông được “đầu ra”, kinh tế vườn nhanh chóng phát triển, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Trại nuôi ong lấy mật ở Tiên Hà.Ảnh: TAM MỸ
Trại nuôi ong lấy mật ở Tiên Hà.Ảnh: TAM MỸ

Bên cạnh những loại cây bản địa, bà con còn trồng keo, cao su tiểu điền… “Tiên Hà có 978 hộ với 4.555 nhân khẩu. Hầu hết đều làm ăn bài bản nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 16,9%. Trồng tiêu hơn trăm choái có hộ ông Đoàn Phận, Nguyễn Phúc Vinh ở thôn Phú Vinh; trồng cam theo hướng sản xuất hàng hóa có hộ ông Lưu Tấn Hai ở thôn Tiên Tráng. Đáng mừng là nhiều thanh niên trong xã lập thân lập nghiệp đạt kết quả rất khả quan. Điển hình là anh Đoàn Hồng Khuyên ở thôn Phú Vinh có 5 cơ sở sản xuất phù chúc, anh Đặng Hảo ở thôn Trung An có cơ sở sản xuất mì căng. Sản phẩm của họ được đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…” - anh Bùi Văn Thuấn kể ra hàng loạt điển hình.

Trước đây, khi Tiên Hà vẫn còn là một “ốc đảo” thì hai xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm đã “thuận đường đi”, vì thế sớm có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, người dân lại cần cù chịu khó làm ăn nên đời sống khấm khá hơn. Tiên Sơn là quê hương của cụ Lê Cơ - người thực hành Duy tân xuất sắc trong những năm đầu thế kỷ 20, người dân nơi đây luôn “cựa quậy” thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Cách đây hơn 30 năm họ đã chủ động trồng cây nghệ, nhờ thế mà có “của ăn của để”. Bây giờ Tiên Sơn là một trong 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Thu nhập bình quân đầu người hơn 21 triệu đồng/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 53,63% giảm xuống còn 4,7%. Còn xã Tiên Cẩm, người dân phát huy thế mạnh của địa phương, trồng rừng và chăn nuôi bò đàn. Điển hình là thôn Cẩm Đông. Cả thôn có 71 hộ nuôi hơn 250 con bò lai. Nhiều gia đình nhờ chăn nuôi bò lai mà có cuộc sống khá giả như anh Lê Viết Lộc, chị Lê Thị Nguyệt và các ông Phan Văn Hoa, Võ Kim Liễu, Hường Văn Tuấn, Hường Minh Hoàng… “Ở quê bây giờ làm ăn không khó. Huyện có chính sách hỗ trợ cho dân làm vườn trồng cây đặc sản địa phương. Nếu trồng 100 choái tiêu được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống bơm nước tưới phun” - anh bạn đồng nghiệp cho biết thêm.

Các tuyến đường huyết mạch kết nối 3 xã Sơn Cẩm Hà với nhau và rộng ra khu vực với trung tâm huyện Tiên Phước, các huyện Hiệp Đức, Phú Ninh... đã tạo nên diện mạo mới cho vùng quê này. Đi đại lộ và về tiểu lộ. Tôi và anh bạn đồng nghiệp cứ theo đường bê tông xuyên qua các xóm làng và thấy nơi nào cũng nhà xây mái ngói ẩn hiện trong những vườn cây sum sê cành lá. Đã hơn 40 năm quê hương được giải phóng và tròn 20 năm tái lập tỉnh nhưng vùng quê này thực sự đổi thay độ mươi năm nay. Anh Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước bảo với tôi, Sơn Cẩm Hà là vùng được huyện quy hoạch trồng cây keo lai nguyên liệu kết hợp với làm vườn, chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, đấy là hướng đi đúng. “Bằng chứng là năm nay thu nhập bình quân đầu người ở xã nông thôn mới Tiên Sơn 25 triệu đồng/năm, xã Tiên Cẩm hơn 20 triệu đồng/năm. Đặc biệt xã Tiên Hà, từ khi có đường sá mở ra, việc làm ăn thuận lợi nên thu nhập bình quân đầu người cũng xấp xỉ với Tiên Cẩm. Đề án Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại bền vững gắn với du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025 với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ bà con nông dân một cách cụ thể, thiết thực là động lực để Sơn Cẩm Hà phát triển” - anh Minh nói.

Tiềm năng và lợi thế được phát huy, nhất định vùng quê Sơn Cẩm Hà sẽ là vùng tam giác trù phú ở tây bắc huyện Tiên Phước. Vườn đồi nơi đây khá nên thơ. Thêm vào đó, Sơn Cẩm Hà còn có con sông Khan gắn liền với bao truyền thuyết, có những “địa chỉ đỏ” như Trường học chữ Quốc ngữ Phú Lâm, Lò chén Tiên Sơn, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam, nơi thành lập Sư đoàn 2 quân Giải phóng Khu 5 và các chứng tích hầm heo Gò Vàng, Gò Dạn, Đồng Trại… Sau 20 năm trở lại, tôi rất vui là Sơn Cẩm Hà giờ đây đã có những con đường mở ra thông thương mọi ngả để người dân làm giàu trên mảnh đất quê…

Ghi chép của NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm giàu trên đất quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO