Trên hành trình phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu để đến hôm nay, mỗi vùng, mỗi người đã tạo cho mình hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong sự nghiệp làm giàu.
Tự lực thoát nghèo
Ngày xưa, nhắc đến nông dân miền núi chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh những con người hằng ngày lầm lũi cõng gùi, địu con trên lưng lên nương, lên rẫy tìm kế sinh nhai. Nhưng nay họ đã biết nhìn xa trông rộng, biết học hỏi cái hay, điều tốt để cải tạo thiên nhiên đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì thế, không chỉ đánh bật đói nghèo, nhiều nông dân tại Nam Trà My đang thi nhau… làm giàu. Có những hộ nắm trong tay tiền tỷ từ sự cần mẫn, chịu khó của mình.
Vườn sâm trúc trị giá hơn 12 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Lượng ở Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: Hoàng Thọ |
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, ông Nguyễn Ngọc Anh (thôn 1, xã Trà Dơn) khẳng định đây là con đường làm giàu hiệu quả nhất mà ông đã đúc kết qua nhiều năm bám đất, bám làng. Bởi lẽ đất đai thì nhiều nhưng trước kia chủ yếu tỉa lúa, trồng sắn nên cái đói đeo bám triền miên. Ông Anh cho biết, nhận thấy cây quế cho hiệu quả cao lại phù hợp với vùng đất nên năm 1996 gia đình ông bắt đầu trồng. Sau khi thu hoạch những cây quế đầu tiên, đem lại khoản thu nhập khá, gia đình ông mạnh dạn đầu tư trồng trên diện rộng. Không chỉ dừng lại ở việc trồng quế, ông Anh còn đầu tư trồng cây keo trên đất vườn rừng. Sau 18 năm trồng và chăm sóc, đến nay ông Anh đã có 6,5ha quế (5 - 18 năm tuổi) và 60ha keo đến kỳ thu hoạch. Mỗi héc ta quế, gia đình ông Anh thu được 68 triệu đồng, còn keo khoảng 40 triệu đồng/ha. Cùng với đó ông cũng tổ chức sản xuất thêm nhiều cây trồng, vật nuôi ngắn ngày khác. Hằng năm mô hình kinh tế vườn rừng này đem lại cho gia đình ông Anh khoản thu nhập hơn 300 triệu đồng. Gia đình ông Anh bây giờ đã có nhà mới khang trang, mua xe máy, sắm sửa đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt, lo cho con cái học hành đầy đủ.
Người dân Nam Trà My mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò. |
Còn đối với anh Đinh Xuân Thanh (xã Trà Mai), khi nhìn thấy thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho chăn nuôi nên đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò. Từ một con bò mẹ và một con trâu nghé mua về chăn thả, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn bò của anh đã phát triển lên 7 con, đàn trâu 3 con. Năm ngoái anh Thanh bán 4 con bò thu về 37 triệu đồng và bán 1 con trâu được 28 triệu đồng. Anh Thanh cho biết, hiện tại đang đầu tư nuôi thêm bò mẹ và hằng năm đều sinh sản ra bê con. Không những thế, anh còn đầu tư trồng keo, các loại cây ăn quả và đào ao thả cá để tăng thu nhập cho gia đình không dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Từ thành công này anh Thanh đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu hiệu quả. Anh Đinh Xuân Thanh chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu muốn thoát nghèo dựa vào mô hình nuôi bò sinh sản, trước hết phải làm chuồng trại kỹ càng. Mùa mưa không nên cho bò ra ngoài vì dễ chết rét. Hằng ngày phải bổ sung thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho bò nhanh lớn, nhất là khi bò mẹ đang mang thai”.
Tương trợ
Những mô hình nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân huyện Nam Trà My. Theo đánh giá, toàn huyện hiện có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi năm thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Có những nông dân ở Trà Linh nhờ cần cù trồng sâm mà hiện tại nắm trong tay tiền tỷ như Hồ Văn Hành, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Du… Không chỉ làm giàu cho bản thân, đồng bào các dân tộc ở Nam Trà My còn đoàn kết gắn bó giúp nhau cùng phát triển. Khi đã có giống, kỹ thuật sản xuất, các hộ khá giả sẵn sàng chia sẻ với những hộ khó khăn để cùng nhau chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Ông Hồ Văn Xung - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Trà My khẳng định, thông qua phong trào làm giàu, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân điển hình tiên tiến. Những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giữ vai trò nòng cốt để nhân rộng và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia làm giàu. “Qua đánh giá, hiện nay các hộ tiêu biểu ngày càng chăm chỉ, ý thức về cách làm giàu. Một số hộ giúp đỡ cho các hộ khó khăn cùng nhau thoát nghèo. Như ở Trà Linh có anh Lượng, anh Du thường xuyên giúp đỡ giống cho các hộ khác phát triển cây sâm Ngọc Linh. Cách tương trợ tự phát này đã tạo động lực rất lớn để người dân cùng nhau làm giàu” - ông Xung nói.
Qua 2 năm thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, toàn huyện Nam Trà My có 300 hộ đạt danh hiệu. Trong thời gian tới, Nam Trà My sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, trên cơ sở phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ sẽ là động lực rất lớn để Nam Trà My tiếp tục thực hiện thắng lợi phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Từ đó giúp cho đại bộ phận đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông trên địa bàn huyện có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
HOÀNG THỌ